ClockThứ Tư, 08/06/2022 09:29

Xây dựng trường chuyên gắn với thế mạnh trường đại học

TTH - Không giống các trường chuyên khác, Trường THPT chuyên Khoa học Huế trực thuộc Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế sau khi có Quyết định cho phép thành lập được định hướng phát triển theo mô hình gắn với thế mạnh của trường ĐH.

Đoàn Trường ĐH Y - Dược tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, tình nguyệnKiểm định chất lượng 2 chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tếĐại học Huế được tặng Cờ thi đua của Chính phủ

Học sinh các lớp chuyên được trải nghiệm thực hành

Đẩy mạnh giáo dục trải nghiệm, nghiên cứu

Mới đây (ngày 31/5), Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định (số 1306/QĐ-UBND) cho phép thành lập Trường THPT chuyên Khoa học Huế trực thuộc Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế.

Cũng như các trường chuyên thường thấy, toàn bộ chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục này được tuân thủ theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng các yêu cầu cần đạt đối với học sinh nói chung và học sinh chuyên nói riêng, nhưng cũng có những khác biệt, gắn với đặc thù, thế mạnh là một trường chuyên trực thuộc trường ĐH.

PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ lần đầu tiên được triển khai ở lớp 10 trong năm học 2022-2023 tới đây. Một trong những yêu cầu của chương trình GDPT mới là đưa hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp vào chương trình giáo dục.

Trường THPT chuyên Khoa học Huế là mô hình trường chuyên trực thuộc trường ĐH, vì thế Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế tiếp tục định hướng sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ vào hoạt động dạy học. “Cùng với việc bố trí đội ngũ giảng viên giảng dạy học sinh chuyên, nhà trường còn tận dụng thế mạnh về cơ sở vật chất để học sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các trung tâm nghiên cứu của tất cả các khoa gắn với các môn chuyên. Từ đây, quá trình hướng nghiệp cũng thuận lợi hơn”, PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền thông tin.

Theo TS. Nguyễn Văn Hùng, giảng viên Khoa Ngữ văn, cũng là người trực tiếp giảng dạy cho học sinh chuyên văn, chương trình GDPT mới được áp dụng đòi hỏi giáo viên thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy, tập trung hướng thực hành, trải nghiệm, phát triển kỹ năng, tích hợp các kiến thức. Việc xây dựng trường chuyên gắn với thế mạnh trường ĐH sẽ dễ dàng tận dụng nguồn lực đội ngũ và trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với định hướng trên. Điển hình như ngay cả môn văn - môn học không đòi hỏi phòng thí nghiệm, giáo viên vẫn có thể tận dụng hệ thống nguồn tài nguyên số của Trung tâm thông tin - Thư viện trường, phòng tư liệu của Khoa Ngữ văn để áp dụng vào quá trình dạy - học cho học sinh, đây là một lợi thế so với các trường THPT khác.

Tập trung hoàn thiện

Trường THPT chuyên Khoa học Huế trực thuộc Trường ĐH Khoa học trên thực tế không phải thành lập mới, mà là nâng cấp từ mô hình khối chuyên THPT trực thuộc Phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học (đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập từ năm 1995). Cũng vì thế, sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập trường thì bên cạnh những lợi thế, Trường THPT chuyên Khoa học Huế vẫn còn nhiều việc phải làm để tập trung hoàn thiện.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, trường sẽ tiến hành họp hội đồng trường để thông qua quyết định thành lập Trường THPT chuyên Khoa học Huế, sau đó sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, bao gồm: Hội đồng trường, ban giám hiệu, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật, hội đồng tư vấn, các tổ chuyên môn (tổ tự nhiên, tổ xã hội) và tổ văn phòng.

Trong giai đoạn đầu, quy mô tuyển sinh của nhà trường sẽ được giữ ổn định, tập trung vào 6 lớp chuyên: Toán, tin, lý, hóa, sinh, văn. Đồng thời, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để phục vụ giảng dạy và học tập.

Khó khăn đặt ra bước đầu là, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với một trường chuyên khó hơn khi không có sự hỗ trợ về mặt tài chính ngân sách Nhà nước như các trường khác, mà phải dựa vào nguồn kinh phí hoạt động từ Trường ĐH Khoa học phân bổ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường ĐH Khoa học, nhà trường sẽ nỗ lực vận dụng các nguồn thu hợp lý, phù hợp với bối cảnh tự chủ, tận dụng lợi thế đội ngũ để đáp ứng nhiệm vụ của Trường THPT chuyên Khoa học Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

TIN MỚI

Return to top