ClockThứ Ba, 04/06/2024 14:08

Đừng lo điểm liệt

TTH - Theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), điểm liệt trong xét tốt nghiệp là từ 1 điểm trở xuống. Điểm liệt được tính cho tất cả các bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Như vậy, bài thi nào có điểm từ 1 trở xuống đều tính là điểm liệt và không đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Điểm liệt, đáng sợ nhưng không đáng lo

 Tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Giáo viên ở các trường đã nêu nhiều lý do học sinh bị điểm liệt, tựu trung, do các em có học lực yếu, không có động lực tham dự kỳ thi nên khi vào phòng thi, nhiều em không làm bài hoặc khoanh bừa đáp án. Nhiều học sinh bị điểm liệt vì học lệch, chỉ tập trung thời gian cho các môn xét tuyển đại học, coi nhẹ các môn còn lại. Cuối cùng là khi làm bài nhiều em chủ quan, không phân bổ thời gian hợp lý dẫn đến khi thu bài không kịp điền đáp án vào phiếu trắc nghiệm. Nguyên nhân nào cũng bắt nguồn từ việc thí sinh không nắm được kiến thức cơ bản.

Thừa Thiên Huế là địa phương có tỷ lệ điểm liệt thấp nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khi chỉ có 6 em. Không ngạc nhiên, khi mấy năm gần đây ngành giáo dục đã có sẵn một Đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT với nhiều giải pháp đặt ra hướng đến cải thiện vị trí của giáo dục đại trà. Hơn nữa, đa số các trường THPT trên địa bàn đều tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nên chất lượng khá đồng đều.

Ngay từ đầu năm học, nhiều trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Trong các lớp, phân loại năng lực học sinh thành các nhóm học sinh yếu, khá, giỏi để có những điều chỉnh ôn luyện phù hợp và hiệu quả. Ở các trường có “đầu vào” thấp, dạy phụ đạo cho học sinh đã được tổ chức linh hoạt. Học sinh có sức học yếu được các trường ôn tập kỹ lưỡng và dò bài sau tiết học. Đặc biệt, một số trường phân công giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình đảm nhiệm các môn học chính và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu. Trung bình, mỗi môn có khoảng 5 – 10 học sinh/lớp cần phụ đạo để tránh bị điểm liệt với môn học đó.

Quan điểm của các trường dành cho học sinh có học lực yếu, không nhồi nhét kiến thức mà ôn tập cho các em với tinh thần thoải mái nhất, giúp các em tự tin vào khả năng của mình để giải quyết yêu cầu của đề thi. Các trường giúp học sinh ôn thi các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong sách giáo khoa, đưa ra những câu trả lời ngắn ở dạng nhận biết, thông hiểu. Giáo viên hướng dẫn các em kỹ thuật khi làm bài, đọc kỹ câu hỏi và gạch dưới từ khóa cần hỏi, trong 4 đáp án nếu biết chắc thì chọn, không thì dùng phương pháp loại trừ. Đồng thời, giáo viên khuyến cáo các em không nên dồn hết thời gian vào các môn xét tuyển đại học vì nếu dính điểm liệt thì dù mấy môn đó điểm cao cũng không thể đậu đại học.

Theo thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, chương trình ôn tập tổ hợp được các giáo viên xây dựng chi tiết theo hướng giảm kiến thức khó, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cập nhật những kiến thức mới, dẫn chứng cụ thể, nhiều vấn đề mang tính thời sự. Vẫn biết một số môn học không phải sở trường, học sinh chọn chỉ cần có điểm đủ đậu tốt nghiệp, nhưng nếu như chịu khó ôn tập vào những kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa và biết cách làm bài thì các em sẽ không đến nỗi bị điểm liệt.

Vấn đề mà nhiều trường lo lắng, nhiều em học tốt nhưng do hoàn cảnh gia đình, bạn bè rủ rê nên không tập trung vào việc học. Thế nên, trong giai đoạn nước rút, một số trường đã thành lập tổ giáo viên, phối hợp với gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em cũng như củng cố kiến thức, hỗ trợ các em ôn thi tốt. Hy vọng, khi các em chuẩn bị tâm lý và kiến thức ổn định sẽ tự tin làm bài tốt khi mùa thi đến gần.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top