ClockThứ Sáu, 27/12/2019 07:00

Hướng đến Đại học Quốc gia

TTH - Với Nghị quyết 54 (54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) của Bộ Chính trị, Đại học (ĐH) Huế đang có thêm những thuận lợi để sớm phát triển thành ĐH Quốc gia.

Hướng đến thương hiệu quốc gia

ĐH Huế đang chú trọng các ngành phù hợp với thời đại 4.0 (Ảnh minh họa)

Nhiều thuận lợi

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, vừa qua, ĐH Huế đã hoàn thiện đề án phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, thẩm định. Việc có Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mang lại thêm nhiều thuận lợi cho ĐH Huế, bởi trong Nghị quyết đã thể hiện rất rõ là xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á.

Trên thực tế, ĐH Huế có nhiều điều kiện để thực hiện Nghị quyết đồng thời thực hiện đề án xây dựng ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia. Lãnh đạo ĐH Huế cho biết, hiện ĐH Huế có đến gần 140 ngành của các đơn vị thành viên và trực thuộc. So với các cơ sở giáo dục ĐH trong toàn quốc, lĩnh vực ngành, nghề đào tạo của ĐH Huế đa dạng, khá đầy đủ những khối ngành, nhóm ngành mà xã hội có nhu cầu: y dược, nông lâm ngư, ngoại ngữ, kinh tế, nghệ thuật, sư phạm…

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế khẳng định, ngoài chất lượng về đội ngũ, trong đào tạo ĐH, ĐH Huế cũng có nhiều nổi bật. Điển hình, trong 5 ĐH Quốc gia và ĐH Vùng của cả nước, chỉ duy nhất ĐH Huế có đào tạo nghệ thuật, hay nếu các trường ĐH sư phạm trên cả nước đào tạo tổng hợp các lĩnh vực giáo viên, khoa học, ngoại ngữ thì Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế là trường duy nhất chỉ chuyên đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng là ĐH duy nhất đã đào tạo du lịch ở các bậc học từ ĐH đến tiến sĩ…

Hiện, xếp hạng ĐH thì ĐH Huế luôn vững ở vị trí 500 của châu Á. Trong năm 2019, các bảng xếp hạng (BXH) của thế giới đều xếp ĐH Huế vào trong top những ĐH chất lượng của Việt Nam. Đơn cử, trong BXH Webometrics các ĐH thế giới (nửa cuối năm 2019), ĐH Huế giữ vị trí thứ 8 trong nước và thứ 3.780 của thế giới. Mới đây, tổ chức xếp hạng ĐH thế giới theo thành tựu học thuật (URAP) cũng lần đầu tiên xếp hạng ĐH Huế với vị trí thứ 8 của Việt Nam và 2.387 thế giới.

Thực ra, môi trường năng động, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là yếu tố liên quan rất chặt với sự phát triển của ĐH, nhất là thu hút người học. Song, với Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể đã giải quyết bài toán nỗi lo lâu nay bởi khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tất yếu ĐH đóng chân trên địa bàn cũng sẽ có điều kiện phát triển tốt.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương tiết lộ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vừa qua cũng đã trao đổi với ĐH Huế, Nghị quyết 54 là chủ trương rất “sáng” cho ĐH Huế, từ đó có thể lập kế hoạch hành động sớm.

Xây dựng thương hiệu, hợp tác quốc tế

Theo đại diện ĐH Huế, cơ bản các nền tảng để trở thành ĐH Quốc gia thì ĐH Huế đã có, tuy vậy cũng sẽ có những khó khăn, nhất là việc phát triển ĐH Huế từ vị trí 500 lên 300 châu Á không hề dễ, mà cần có những giải pháp và sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, lẫn các cán bộ, người học.

Để giải quyết khó khăn trên, ĐH Huế cũng đã chuẩn bị các giải pháp. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hiện nay ĐH Huế đang tập trung 3 mũi nhọn lớn, nhất là xuất bản quốc tế. Số bài báo xuất bản quốc tế hiện đã tăng lên hơn 400 bài, nhưng ĐH Huế đang nỗ lực để lượng bài vào top ISI phải nhiều hơn. Hiện, ĐH Huế đang xây dựng được 20 nhóm nghiên cứu mạnh để tập trung cho việc này. Ngoài xuất bản quốc tế, ĐH Huế cũng thúc đẩy các nhóm nghiên cứu phải có sản phẩm chuyển giao, đồng thời, tạo cơ chế để các nhà khoa học giao lưu quốc tế và trao đổi sinh viên quốc tế, tạo ra thương hiệu quốc tế mạnh hơn.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, từ lâu nay ĐH Huế đã trở thành trung tâm đào tạo đa ngành – đa lĩnh vực, song để nâng cao chất lượng sắp tới, ĐH Huế sẽ tiếp tục rà soát lại chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo theo hướng tinh gọn, hội nhập quốc tế dễ và có những môn đào tạo bằng tiếng Anh nhằm tăng lượng sinh viên quốc tế đến học.

Điểm mà ĐH Huế sẽ tập trung là tái cấu trúc lại ngành nghề, hướng đến tinh gọn, nhóm ngành rộng cho cho sinh viên ra trường dễ làm việc hơn, nhắm tới những ngành có khả năng hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp, những nhóm ngành nghề xã hội cần. "ĐH Huế vừa mở Khoa Kỹ thuật và công nghệ, có những ngành thí điểm, đặc biệt là các những ngành ưu tiên về IT, trí tuệ nhân tạo, robot, điện, điện tử… là những ngành xã hội có nhu cầu và đón đầu trong thời đại công nghiệp 4.0. Trái lại, cũng sẽ dần đóng một số ngành quá cơ bản, nhu cầu xã hội ít, thậm chí không có cơ hội việc làm”, lãnh đạo ĐH Huế khẳng định.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top