ClockThứ Năm, 18/08/2022 14:49

Cần cơ chế đồng bộ để giải bải toán thiếu giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Trắc trở khi phổ cập bơi cho học sinhKhông để các em ngại nói tiếng ViệtLo ngại thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn mớiGiới thiệu sách giao khoa mới lớp 3, lớp 7, lớp 10 tới tất cả các địa phương

Thiếu giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT mới mới là vấn đề nan giải của ngành Giáo dục tại tất cả các địa phương.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các tỉnh, thành phố là nguồn nhân lực để tuyển dụng. Vì vậy, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay rất nặng nề khi vừa phải mở các lớp bồi dưỡng cho lực lượng giáo viên đang có, vừa phải tăng tốc mở mới một số ngành học đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Một tiết học Toán tại Trường Trung học phổ thông xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa: Đức Tưởng/TTXVN

Tăng tốc đào tạo giáo viên

Âm nhạc và Mỹ thuật là hai môn học gần như “trắng” giáo viên ở cấp Trung học Phổ thông, do từ năm học 2022-2023, lần đầu tiên đưa vào giảng dạy các môn học này đối với lớp 10 theo Chương trình GDPT mới. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, các trường sư phạm đã phải liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh qua các năm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: Để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở phổ thông, những năm gần đây, số lượng tuyển sinh ngành sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật tăng rõ rệt.

Như năm nay, thay vì 400 chỉ tiêu cho cả hai ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc, trường đã tăng chỉ tiêu lên hơn gấp đôi là 900. Tuy nhiên, quá trình đào tạo không phải một sớm một chiều mà phải mất 4 năm mới hoàn thành. Cùng với đó, căn cứ vào năng lực, nhà trường không thể đào tạo ồ ạt mà cần hướng tới chất lượng. Do vậy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm gia nhập đội ngũ giáo viên phổ thông chỉ đáp ứng được phần nào.

Song song với đào tạo chính quy, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương kết hợp với các địa phương để mở các lớp bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên có trình độ lên để đáp ứng yêu cầu; đào tạo thêm đội ngũ văn nghệ sỹ có chuyên môn tốt để tham gia giảng dạy.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho Chương trình GDPT mới. Dù đã có sự chuẩn bị nhưng các trường cũng chỉ đào tạo có hạn mức. Trong lúc chờ các cử nhân sư phạm đào tạo theo chương trình mới tốt nghiệp, giải pháp tạm thời được đưa ra là sử dụng giáo viên cấp học dưới lên hoặc giảng viên từ cấp trên xuống để đáp ứng nhu cầu. Hiện nhiều trường Trung học Phổ thông đã phải dùng đến giải pháp tình thế là bỏ môn học nghệ thuật ra ngoài phạm vi giảng dạy trong năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi được học tập của học sinh.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Giải pháp trước mắt là điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ưu tiên các địa bàn gần nhau, trên cơ sở nguyện vọng cũng như điều kiện của giáo viên có thể điều chuyển giữa các trường để đảm bảo chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, có thể sử dụng đội ngũ giáo viên ở cấp học thấp hơn nhưng có trình độ đại học để giảng dạy các môn Nghệ thuật ở cấp Trung học Phổ thông. Một số thầy cô giáo có năng khiếu đang dạy ở các môn học khác có đủ điều kiện và có nguyện vọng cũng có thể đưa đi đào tạo để đáp ứng nhu cầu.

Cùng với các môn nghệ thuật, thiếu giáo viên dạy tích hợp ở cấp Trung học Cơ sở cũng đang là khó khăn ở nhiều trường hiện nay.

Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm (Trường Đại học Giáo dục), phải 2 năm nữa trường mới có lứa sinh viên đầu tiên của các ngành này tốt nghiệp. Vì thế, cùng với đào tạo mới, trường mở các lớp bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có theo đơn đặt hàng.

“Trường đã có chương trình hợp tác bồi dưỡng toàn bộ giáo viên Trung học Cơ sở các môn đó cho tỉnh Hưng Yên. Đó là lộ trình mà chúng tôi hướng tới trong việc đào tạo giáo viên các ngành tích hợp này. Tất nhiên phải dựa vào tình hình thực tiễn cũng như phân bố chỉ tiêu của Bộ, đơn đặt hàng của các tỉnh để có một đội ngũ đáp ứng được Chương trình GDPT 2018”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành chia sẻ.

Cần chế độ chính sách và cơ hội phát triển

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với Tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với Trung học Phổ thông. Việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc tới một thực tế hiện nay, đó là chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập. Một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Trước thực trạng này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bên liên quan triển khai kịp thời và đồng bộ Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đồng thời, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/2/2021 về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Nghị định 116/2020/NĐ-CP là giải pháp ưu việt nhưng đây chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ là việc làm sau tốt nghiệp, là chế độ chính sách và cơ hội phát triển của đội ngũ giáo viên. Nếu chậm thực hiện, trong vài năm nữa, đội ngũ giáo viên vẫn là vấn đề báo động.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm các giải pháp căn cơ và bền vững để vực lên tình hình giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên… “Trong điều kiện hiện tại, với sự phân hóa giàu nghèo và việc lựa chọn môi trường công tác thuận lợi hơn, nên chăng cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo đội ngũ giáo viên cho các vùng khó khăn” - Giáo sư Nguyễn Văn Minh đặt vấn đề.

Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế mong muốn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực tế triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Phó Giáo sư Lê Anh Phương chỉ ra một số bất cập ở các cơ sở giáo dục hiện nay về đào tạo đội ngũ giáo viên. Hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong thời gian vừa qua đã làm tốt nhưng thời gian thực hiện còn quá ngắn. Nếu có chỉ đạo giao cho các trường đại học sư phạm triển khai thực hiện, việc này sẽ thành công hơn.

Liên quan đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, đây là năm thứ hai triển khai cơ chế này, nhưng Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: Lúc đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm Công nghệ, tuy nhiên, ngành học này nhà trường không mở. Như vậy, năm 2021, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng.

Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vẫn đang đào tạo giáo viên sư phạm theo nhu cầu xã hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí chứ chưa nhận được đặt hàng đào tạo của các địa phương cho năm học này.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng: Việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 là giải quyết vấn đề tuyển dụng giáo viên của 4 năm sau. Vấn đề đặt hàng đào tạo cần đồng bộ với các quy định về tuyển dụng và sử dụng, phân công công tác cho người học sư phạm sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này chưa được thống nhất và chưa có hướng giải quyết rõ ràng, các địa phương vẫn còn “dè dặt” trong việc đặt hàng đào tạo.

Do đó, việc Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế mới đây cho ngành Giáo dục có thể coi là tín hiệu tích cực giúp các địa phương có cơ sở để mạnh dạn đăng ký nhu cầu giáo viên của các năm sau, từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm thông tin giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top