ClockThứ Sáu, 19/06/2020 08:37

Trồng rừng làm khuyến học

TTH - Tận dụng lợi thế và kinh nghiệm trồng rừng tại địa phương, Hội khuyến học xã Hương Phú (Nam Đông) đã xây dựng mô hình trồng keo khuyến học.

Lo khuyến học, chăm khuyến tàiKhuyến học đi cùng khuyến nghề

Năm 2014, ý tưởng trồng keo khuyến học bắt đầu được hiện thực hóa. Hơn 2 ha đồi được dành riêng cho công tác khuyến học được phủ kín với 8.000 gốc keo.

Bà Trịnh Thị Huân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: “Ban đầu chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đất sỏi đá và nhiều bụi rậm. Tuy vậy, nhờ quyết tâm thúc đẩy việc học tập, nhất là sự đồng tâm của các chi hội thôn nên việc trồng và chăm sóc keo thuận lợi”.

Xã Hương Phú hiện có 8 chi hội khuyến học. Trong đó, ngoài hoạt động khen thưởng, khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài trên toàn địa bàn xã, hai chi hội thôn Xuân Phú và thôn Hà An đã và đang tiếp tục vận động nguồn quỹ riêng để động viên tinh thần học tập của con em.

Từ công tác khuyến học, nhiều hộ gia đình được tiếp thêm động lực. Chị Trần Thị Hằng ở thôn Hà An chồng mất sớm, một mình buôn bán nuôi con. Thương mẹ tảo tần và được sự động viên kịp thời, ba người con của chị Hằng đều chăm ngoan, học giỏi nhiều năm liền.

Cả cộng đồng chung tay, diện tích keo khuyến học luôn tươi tốt. Trong đó, chi hội thôn Phú Hòa đi đầu trong việc trồng và chăm sóc keo. Năm 2019, sau khi thu hoạch, Hội Khuyến học xã thu về hàng chục triệu đồng làm nguồn quỹ để đầu tư cho công tác khuyến học. Khu đồi lại nhanh chóng được phủ xanh bởi những lứa keo mới.

Ông Dương Sang, Chi hội trưởng Khuyến học thôn Phú Hòa thường xuyên cùng bà con chăm sóc, cắt cỏ, vun gốc cho keo. Ông cho biết: “Tôi cũng như mọi người, đều mong đóng góp một phần công sức cho phong trào khuyến học. Trồng người cũng như trồng cây, đều cần vun bón, hết sức, hết lòng, có như vậy thì mới đạt được thành quả”.

Hai năm đầu là thời gian vất vả nhất của việc trồng keo. Cứ sau 3 - 4 tháng phải phát quang cỏ, vun gốc, chăm sóc một lần. Nhưng khi cây đã bám rễ sâu thì chỉ cần chờ cây phát triển đủ kích cỡ là có thể khai thác.

Nhanh tay phát cỏ, chặt cành giúp cây keo phát triển, ông Sang ước lượng: “Lứa đầu có thể năng suất chưa cao nhưng chắc chắn đợt II này keo sẽ phát triển tốt. Nhìn cây lớn hằng ngày chúng tôi cũng chẳng ngại vất vả, xem như chăm sóc keo rừng nhà mình”.

Hàng năm, Hội Khuyến học xã Hương Phú đều trích quỹ để trao thưởng cho học sinh các cấp và sinh viên đỗ cao đẳng, đại học. Phần thưởng bao gồm tiền mặt, bút, sách vở.

Bà Trịnh Thị Huân cho biết: “Song hành cùng việc phát triển nguồn quỹ khuyến học, chúng tôi sẽ nâng mức khen thưởng, kịp thời động viên, khuyến khích con em xã nhà có thành tích học tập tốt”.

Năm 2024, hai ha rừng keo khuyến học sẽ tiếp tục cho khai thác đợt hai. Nếu mỗi địa phương đều tận dụng được lợi thế bản địa để làm công tác khuyến học thì không chỉ Hương Phú, mô hình khuyến học hay này sẽ được nhân rộng.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến học và khuyến tài

Công tác khuyến học, khuyến tài hiệu quả là một trong những “đòn bẩy” quan trọng, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Phú Vang.

Khuyến học và khuyến tài
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top