ClockThứ Bảy, 03/02/2018 06:11

Khoảng trống trong y tế trường học

TTH - 7% tổng nguồn thu bảo hiểm y tế (BHYT) của các trường sẽ được trích lại để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tiền đã có nhưng không phải trường nào cũng được giải ngân khi thiếu nhân viên y tế trường học (YTTH) và phòng y tế nhà trường đạt chuẩn.

Ngăn chặn nguy cơ trục lợi quỹ bảo hiểm y tếNợ bảo hiểm y tế, nhiều bệnh viện tuyến huyện gặp khóGặp khó khi thẻ bảo hiểm y tế gián đoạn

Tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh

Cần chuẩn hóa văn bằng cho YTTH

Thừa Thiên Huế có 594 trường học từ mầm non đến PTTH với 251.156 học sinh. Mỗi trường đều có một nhân viên YTTH, tuy nhiên, vẫn còn 80 trường học khuyết chức danh này, trong đó, khối tiểu học thiếu 60 người.

Công việc của nhân viên YTTH được ví như nuôi “con mọn” khi học sinh thường học bán trú, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà. Ở trẻ nhỏ thì cảm sốt, nôn trớ; trẻ lớn thì nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến tai nạn thương tích. Bếp ăn bán trú phải do cán bộ y tế chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi mùa có dịch bệnh, nhân viên YTTH phải xử lý môi trường...

Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Vĩnh (TP. Huế) kể như trút được nỗi lo: 4 năm trước, nhà trường chưa có cán bộ YTTH, bảo đảm sức khỏe cho học sinh tại trường luôn là bài toán “đau đầu”. Kể từ khi nhà trường có cán bộ chuyên trách về YTTH, những lo lắng trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh được “cởi bỏ”, giáo viên có thể dành toàn bộ tâm trí, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Con số mà Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đưa ra đáng lưu tâm khi có 40% trường không có phòng y tế đạt chuẩn. Nhiều trường thiếu thốn đủ điều, có nơi chỉ có mỗi tủ thuốc y tế với bông băng, thuốc sát trùng, còn nơi khám bệnh được tận dụng từ phòng bảo vệ, thư viện. Những trường thiếu nhân viên YTTH thì ký hợp đồng với trạm y tế. Không phải trường nào cũng hợp đồng với trạm y tế được khi chính trạm cũng không thể kham nổi hai vai. Ông Lê Quang Thẩm, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nam Đông, cho biết: Toàn huyện vẫn còn 11 trường tiểu học không có nhân viên YTTH. Mỗi khi các em đau bụng, đau đầu hay nóng sốt, giáo viên chỉ biết xoa dầu hoặc đem qua trạm y tế khám, nặng hơn thì chở học sinh về các bệnh viện tuyến huyện.

Phụ huynh cũng cảm thấy không yên tâm khi chất lượng đội ngũ YTTH được công bố. Trong số, 514 trường có cán bộ y tế, nếu tính theo chuẩn mới thì cần phải chuẩn hóa văn bằng y sĩ cho gần 400 người. Thực ra, 100% cán bộ YTTH chuyên trách tại các trường đều có trình độ trung cấp y hoặc cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, số điều dưỡng chiếm tỷ lệ cao khi có trên 320 người, 70 nữ hộ sinh (có chứng chỉ nghiệp vụ YTTH), 114 y sĩ...

Phụ huynh kỳ vọng YTTH phải là người xử lý chuyên nghiệp về tình hình bệnh, kiểm soát dịch bệnh…Một nhân viên y tế chuyên trách sẽ tự chủ nguồn kinh phí được cấp để đề xuất mua thuốc, vật tư trang bị cho một phòng y tế đạt chuẩn. Yêu cầu ấy xác đáng, bởi cán bộ y tế chuyên trách của các trường đều được đảm bảo lương, chế độ phụ cấp ưu đãi ngành và trợ cấp vùng khó theo quy định.

Tiền vào túi, nhưng chưa lấy ra được

Vấn đề kinh phí dành cho YTTH của các trường “trông chờ” từ nguồn BHYT trích lại. Tổng số tiền mà BHYT thu được của mỗi em là 621.000 đồng/12 tháng, các trường được trích lại 7% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số học sinh (43.000đ/năm/em).  Giả sử một trường có 1.000 học sinh thì mỗi năm có số tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu trên 43 triệu  đồng. Chỉ cần, dành 1 nửa số tiền này để sắm thiết bị thì sau 2 năm sẽ có một phòng y tế tươm tất.

Kinh phí có nhưng không hẳn trường nào cũng có thể đường đường chính chính sử dụng nguồn quỹ. Toàn tỉnh vẫn còn 60 trường chưa nhận được kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trường tiểu học ở Nam Đông, nhiều năm liền không có nguồn quỹ này khi thiếu cán bộ YTTH chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; không có phòng y tế để sơ cấp cứu, xử lý ban đầu. Riêng khối đại học và THCN có 3 trường không được trích quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu: Trường cao đẳng GTVT Huế, Trường cao đẳng Sư phạm Huế và Trường cao đẳng nghề du lịch vì không ký hợp đồng với BHXH. Thiệt thòi thuộc về học sinh, sinh viên.

Giám đốc Trung tâm Y tế học đường Đặng Ngọc Thanh Thảo, lý giải: Có nhiều trường ký hợp đồng với trạm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh gần trường, nhưng nhân viên y tế không thể đứng tên chuyên trách cho trường học. Bởi lẽ,  họ không thường xuyên có mặt tại trường và không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Thế nên, số trường không có cán bộ YTTH chuyên trách gặp khó khăn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, kể cả kinh phí khám sức khỏe định kỳ cũng không có để thực hiện.

Giao cho trạm y tế phường, xã đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe học sinh cũng là một ý tưởng được nhiều người đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu phòng y tế và nguồn nhân lực chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, bày tỏ: Nhân viên y tế sẽ không đảm bảo tính kịp thời của việc sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn, sự cố về sức khỏe của học sinh... Các trường học sẽ không chủ động trong tổ chức các hoạt động khi phải qua nhiều khâu lập tờ trình, xin ý kiến của địa phương. Hơn nữa, nhà trường sẽ rất khó khăn trong việc theo dõi sức khỏe, sự phát triển của học sinh tại nhà trường nên tốt nhất vẫn là mỗi trường học có một nhân viên y tế.

Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BHYT- BGDĐT gỡ “nút thắt” cho YTTH về chất lượng đội ngũ. Những trường chưa có y sĩ đa khoa nhưng đã có cán bộ YTTH với trình độ chuyên môn khác, thì khuyến khích họ tham gia lớp học chuẩn hóa để phù hợp với chức danh nghề nghiệp. Còn các trường chưa bố trí được nhân viên đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, chưa có cán bộ chuyên YTTH, thì thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với trạm y tế trên địa bàn. Như vậy, các trường sẽ được đảm bảo nguồn kinh phí từ quỹ BHYT nếu nhân viên YTTH được chuẩn hóa theo cách này.

Nên chăng, cần xây dựng một mô hình điểm để từ đó nhân rộng về mô hình YTTH như một trạm xá thu nhỏ với đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế cũng như cách xử lý các bệnh tật, dịch bệnh mà học sinh đang phải đối mặt. Ở đó, nhân viên YTTH hoàn chủ động trong chăm sóc sức khỏe, ứng phó dịch bệnh và kể cả việc chuyển học sinh lên bệnh viện khi xảy ra sự cố. Làm được điều đó, YTTH mới khắc phục những bất cập về sự nghèo nàn, đơn điệu “có tiếng mà không có miếng” như bấy lâu nay. Tại sao không ?

      Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Điểm cầu của tỉnh có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo Sở Y tế cùng các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

TIN MỚI

Return to top