ClockThứ Sáu, 01/04/2016 14:07

Gặp họa sĩ thiết kế poster cho Festival Huế 2016

TTH - Với những hình ảnh, họa tiết đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Huế, thiết kế của Hoàng Minh Tuyến, giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế được chọn làm poster của Festival Huế 2016. Lần đầu tiên, poster của Festival Huế do họa sĩ “sân nhà” thiết kế.

Không xuất hiện hình ảnh thiếu nữ quen thuộc như những kỳ trước, poster của Festival Huế năm nay được đánh giá hoàn toàn mới lạ, khác biệt. Đập vào mắt người xem là những hình ảnh, họa tiết rất Huế: lầu Ngũ Phụng, chùa Linh Mụ, lễ Tế Giao, Nhã nhạc Cung đình, thuyền trên sông Hương, hoa đăng, hoa sen, diều được sắp xếp theo bố cục chặt chẽ quanh vòng tròn mang biểu tượng hội tụ. Nói về Huế theo mạch nguồn văn hóa xuyên suốt 710 năm, Tuyến không chỉ nhắc đến triều Nguyễn với những di sản vật thể và phi vật thể mà còn đưa người xem trở lại thời chúa Nguyễn qua họa tiết hoa sen cách điệu.

Họa sĩ Hoàng Minh Tuyến

 Với thiết kế này, văn hóa Huế được Tuyến truyền tải đến người xem qua những hình ảnh gần gũi với người dân bản địa. Du khách thập phương và bạn bè quốc tế cũng sẽ nhận ra ngay Huế thông qua những nét đặc trưng ấy. PGS. TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế nhận xét: “Với poster này, Tuyến dùng thế mạnh của poster hiện đại, lắp ghép không gian các hoạt động lễ hội mang đậm màu sắc cung đình Huế một cách bài bản, kết hợp với nét vẽ phóng khoáng, mạnh mẽ của không khí lễ hội hiện đại”.

Trước khi bắt tay vào thiết kế poster cho Festival Huế 2016, họa sĩ Hoàng Minh Tuyến đã nghiên cứu kỹ lịch sử văn hóa Huế từ xưa đến nay. “Dựa trên chủ đề của Festival năm nay là “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, tôi muốn đưa vào thiết kế những hình ảnh đặc trưng riêng ấy mà nhìn vào, người ta thấy ngay đó là văn hóa Huế.

Với tác phẩm này, Minh Tuyến sử dụng ngôn ngữ đồ họa đặc trưng, tức là mảng, miếng theo khối mảng dẹt 2D; đồng thời, kết hợp giữa dùng hình ảnh với mỹ thuật tạo hình (trong poster, hình tượng vòng tròn, hình ảnh con thuyền được Tuyến vẽ). Sau đó đưa vào máy tính xử lý theo phương pháp bố cục tạo hình. Theo tác giả, việc vừa thiết kế trên máy tính kết hợp với vẽ (mang tính gia công) sẽ dễ dàng truyền tải cảm nhận, ý tưởng qua từng nét cọ. Poster sử dụng những gam màu ngũ sắc đặc trưng của Huế, pha trộn giữa đỏ, vàng, lục, xanh. Tuyến tâm sự: “Dù không sinh ra ở Huế nhưng tôi đã gắn bó với Huế từ rất lâu, am hiểu con người, tập quán, văn hóa của Huế. Tham gia thiết kế poster cho Festival, tôi rất tự hào, cảm giác giống như một người con làm ra sản phẩm cho quê hương, góp sức nhỏ để quảng bá văn hóa của Huế đến với bạn bè quốc tế”.

Ông Chế Công Chung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2016 – Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết: “Những kỳ Festival trước, việc thiết kế poster do nhà thiết kế Minh Hạnh đảm nhiệm. Năm nay, chúng tôi muốn phát huy nội lực của địa phương nên để Trường đại học Nghệ thuật Huế tổ chức thiết kế. Sau đó, họ đã gửi 16-17 tác phẩm sang để Ban Tổ chức lựa chọn và chúng tôi đã chọn mẫu thiết kế này”.

Hoàng Minh Tuyến sinh năm 1983 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Thời phổ thông, Tuyến đã mê vẽ. Ba mẹ không ủng hộ nên anh tự làm thêm kiếm tiền học vẽ. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuyến lên đường nhập ngũ. Những lúc rảnh rỗi trong quân ngũ, Tuyến lại tìm đến với niềm đam mê của mình. Nhiều chiến sĩ thấy Tuyến vẽ đẹp tìm đến nhờ vẽ chân dung bạn gái, thế là anh vẽ tranh giúp đồng đội tặng người yêu. Ra quân, Tuyến thi đậu vào Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Tốt nghiệp loại giỏi năm 2009, Tuyến được giữ lại trường dạy thiết kế đồ họa.

Ngoài thiết kế đồ họa, Tuyến còn vẽ những thứ mình thích. Tác phẩm của Tuyến thường thiên về những đề tài đương đại, phản ánh thực trạng của xã hội. Những tác phẩm, như “Vô thức”, “Stress”, “Chơi vơi”… đều phản ánh guồng quay của cuộc sống, sự tác động của những luồng văn hóa trong xã hội hiện đại khiến con người hụt hẫng, cô đơn, chơi vơi, không có điểm tựa tinh thần, tình người nhạt nhẽo, nhất là giới trẻ. Họ sống như những con rối, chịu sự chi phối của những “bàn tay” vô hình. Trong tranh, Tuyến thường dùng thủ pháp ước lệ để đặc tả hoặc dùng thủ pháp kéo hình, bóp hình nhân vật để tạo ra đặc trưng riêng.

Theo Hoàng Minh Tuyến, mỹ thuật tạo hình bổ trợ cho anh rất nhiều trong việc thiết kế đồ họa. Thiết kế đòi hỏi sự tính toán về bố cục, chi tiết về màu sắc, mỹ thuật tạo hình lại giúp anh có cảm xúc sáng tác. Khi còn là sinh viên, Tuyến từng đạt giải A tranh cổ động về chủ đề bảo vệ môi trường do tỉnh tổ chức, thiết kế logo biểu trưng về Khoa học công nghệ của anh cũng đạt giải thưởng Cố đô. Tuyến bày tỏ: “Ở Huế chưa tổ chức cuộc thi nào về thiết kế đồ họa. Tôi rất mong có thêm sân chơi cho những người thiết kế mỹ thuật ứng dụng”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”
Sen Huế trong tranh Lê Hòa

Buổi chiều cuối hạ, xe ngược dốc lên miệt đồi phía tây thành phố Huế. Nói là đi một vòng hóng gió, nhưng cũng chủ ý tìm ghé thăm một họa sĩ.

Sen Huế trong tranh Lê Hòa

TIN MỚI

Return to top