ClockThứ Sáu, 04/05/2018 09:45

Cảm hứng phát triển du lịch từ Festival Huế

TTH - Cách nay 10 năm, trong một bài viết trên Tạp chí Sông Hương, nhà nghiên cứu Bửu Nam cho rằng, các festival năm chẵn đã quá phong phú và đa dạng tới mức người thưởng thức bội thực. Đã đến lúc, cần xây dựng Huế trở thành thành phố festival đích thực và đúng nghĩa, sống được bằng cách tổ chức những festival liên tục.

Những con số ấn tượng về Festival Huế 2018Festival Huế 2018 dưới góc nhìn của nghệ sĩ quốc tếFestival Huế 2018: Ngập tràn cảm xúc lễ hộiTour đầu Festival Huế 2018: Công chúng hài lòngKhai mạc Festival Huế 2018: Lung linh sắc màu văn hóa

Đua ghe tại làng cổ Phước Tích. Ảnh: Thanh Toàn

Khung nền đã có sẵn

Qua 10 kỳ tổ chức, đặc biệt là sau Festival Huế 2018, điều dễ dàng nhận thấy là Huế đã hình thành được một không gian lễ hội. Đó là Kinh thành Huế với những khám phá về một nền văn hóa cung đình đầy bí ẩn. Đó cũng là đôi bờ sông Hương và được mở rộng về các vùng quê ven đô như làng Thanh Thủy Chánh với lễ hội “Chợ quê ngày hội” hay ngược ra phía bắc với làng cổ Phước Tích trong “Hương xưa làng cổ”.

Cố đô lâu nay về đêm yên ắng, thiếu những show diễn. Festival qua những thử nghiệm đã để lại cho Huế một hệ thống các sân khấu biểu diễn khác lạ và độc đáo. Bên trong Đại Nội, Huế đã có những sân khấu hoàng cung quý phái, phù hợp với hoạt động nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn hóa cung đình. Sân khấu Cung An Định là sự lựa chọn cho các hoạt động ca nhạc trẻ hiện đại. Trong khi đó, các sân khấu nằm ở đôi bờ sông Hương đều rất phù hợp cho hoạt động biểu diễn của các ban nhạc hay nhóm diễn, đặc biệt sân khấu Trịnh Công Sơn nơi ngã ba sông An Cựu là một điểm nhấn đẹp cho Huế lúc đêm về.

Vũ điệu nón lá. Ảnh: Thanh Toàn

Tour du lịch Festival Huế

Có thể hình dung về một kỳ festival như sau: Lễ hội khai mạc và bế mạc - chương trình nghệ thuật - lễ hội cung đình - lễ hội dân gian – sân khấu biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc quốc tế và trong nước - các hoạt động hưởng ứng mang tính cộng đồng. Đáng nói ở Festival Huế là cái gì cũng hay nhưng nhiều quá nên thiếu tập trung, “bỏ thì thương mà vương thì nặng” là tâm lý từ phía du khách và công chúng.

Tại nhiều thành phố festival trên thế giới, không phải đợi đến 1 hoặc 2 năm mà festival được tổ chức thường xuyên. Ở đó, có những festival quy mô lớn (như festival năm chẵn của Huế), festival quy mô vừa mang tính chuyên đề (như Festival Nghề truyền thống Huế), quy mô nhỏ hơn ở các mùa trong năm, nhỏ hơn nữa ở các tháng, các tuần… Nhà nghiên cứu Bửu Nam đã ví festival và thành phố festival như con lật đật của người Nga. Trong một con lớn chứa đựng con vừa, con vừa chứa đựng các con nhỏ hơn và cứ thế có hàm chứa các con nhỏ hơn nữa. Đó cũng nên là mục tiêu hướng tới của Festival Huế.      

Tôi đã đi du lịch nhiều nơi. Đi tour ra nước ngoài có sự khác biệt, ví như sang Thái Lan là một cảm giác tổng hợp, được nhìn - nghe và trải nghiệm. Nó khác với nhiều tour du lịch trong nước nhưng lại có điểm tương đồng với tour Festival Huế. Tôi nghĩ, chỉ bóc ghép một vài lễ hội, show diễn kết hợp với các trưng bày, triển lãm, tổ chức thêm các hoạt động hưởng ứng cộng đồng cùng với hoạt động tham quan một vài di sản văn hóa Huế là đã có thể hình thành nên một tour du lịch tạm gọi là tour Festival Huế và có thể rải ra theo một chu kỳ nhất định.

Từ Festival Huế 2018 có thể nghĩ tới một kịch bản, không cần đến lễ khai mạc khai mạc hay bế mạc hoành tráng mà chỉ với chương trình nghệ thuật “Văn hiến kinh kỳ” ở Đại Nội, “Âm Vọng sông Hương” ở công viên Trịnh Công Sơn, đêm nhạc Trịnh ở Phu Văn Lâu, vài đêm nhạc Việt và quốc tế ở cung An Định, lễ hội “Chợ quê ngày hội” cùng với một số trưng bày, triển lãm và hưởng ứng cộng đồng là có thể có được một Festival Huế có quy mô vừa. Với cách tư duy này, từ Festival Huế, ta có thể tạo nên nhiều festival trong năm là chuyện không khó.

Đoàn cà kheo Bỉ luôn được chờ đón, reo hò. Ảnh: P. Thành

Hướng đến mục tiêu kinh tế

Trong những festival đầu thế kỷ XXI, có một hoạt động hưởng ứng mang tính cộng đồng rất ấn tượng là hoa giấy Thanh Tiên ở Phú Mậu (Phú Vang) của họa sĩ Thân Văn Huy. Đã có biết bao du khách tìm đến với Festival Huế là để về với không gian nên thơ nơi ngã ba Sình này. Để góp mặt với festival, họa sĩ Thân Văn Huy trước đó đã phải bỏ ra nhiều công sức sáng tạo và sự chuẩn bị công phu. Vì nhiều lý do, hoa giấy Thanh Tiên không còn thấy xuất hiện trong Festival Huế gần đây. Tạo ra những sản phẩm du lịch để rồi bỏ quên là một sự lãng phí. Ở một góc nhìn nào đó, Festival Huế như một mâm cỗ đầy, có nhiều thức ăn ngon nhưng chủ nhân lại cứ muốn thay đổi món liên tục nên thực khách đôi khi cảm thấy mất hứng. Đó lại cũng là một sự lãng phí.

Qua gần 20 năm, Festival Huế từng bước hình thành nên những thiết chế văn hóa và những lễ hội, chương trình nghệ thuật cần thiết và quý báu. Bên cạnh Đại Nội, Cung An Định, cầu ngói Thanh Toàn… Festival Huế hình thành nên hệ thống các sân khấu biểu diễn và đó là cơ sở cho việc tổ chức các lễ hội hay chương trình nghệ thuật. Cùng với bộ máy chuyên trách là Trung tâm Festival Huế, còn có Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các trường nghệ thuật và âm nhạc, các ban tổ chức những lễ hội tiêu biểu như “Chợ quê ngày hội”. Festival Huế cũng có những đối tác và những cộng tác viên thường xuyên và tâm huyết ở trong và ngoài nước. Làm sao đội ngũ và thiết chế văn hóa lễ hội này thường xuyên vận hành có hiệu quả là mục tiêu cần hướng tới.

Trong buổi làm việc chuẩn bị cho Festival Huế 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, tổ chức festival thành công là cơ hội để Huế thúc đẩy hơn nữa việc khai thác tiềm năng về du lịch. Bộ trưởng cũng đề nghị Ban tổ chức cần phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng nhiều tour du lịch trong thời gian diễn ra festival. Còn về lâu dài, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải tạo được cơ chế nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến để xây dựng dự án du lịch làm điểm nhấn, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn nữa lĩnh vực này.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa đầy nửa năm, song với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nay là thành phố Huế (Trung tâm) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

TIN MỚI

Return to top