ClockThứ Bảy, 14/04/2018 06:00

Đợi chờ “Sóng nước Tam Giang”

TTH - Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” (SNTG) lần thứ 4-2018 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/4 nhằm quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch... vùng đất Quảng Điền.

Chờ người về cùng “Sóng nước Tam Giang”

Tái hiện nghề chơm cá sẽ có trong các hoạt động lễ hội.  Ảnh: Thanh Loan

Kỳ vọng

“Với tôi, lễ hội SNTG ở Quảng Điền là một trong những hoạt động có ý nghĩa, điểm giải trí đáng chờ đợi kể từ lần đầu tiên được tổ chức đến nay. Các kỳ lễ hội diễn ra trước đây tôi đều đến tham quan, thưởng thức những trò chơi dân gian, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đậm chất văn hóa, truyền thống vùng SNTG. Đến đây tôi còn hiểu biết sâu hơn lịch sử Bà Tơ ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú từng cứu chúa (Nguyễn Hoàng) thoát hiểm trong trận thủy chiến trên phá Tam Giang…”, anh Tôn Thất Toại ở TP. Huế tâm đắc.

Nghe nói nhiều về chiến tích lịch sử của Bà Tơ, niềm tự hào của không chỉ người dân Quảng Phú mà cả Thừa Thiên Huế, nhưng do điều kiện thường xuyên công tác xa quê nên anh Nguyễn Thao ở TP. Huế chưa có dịp về tìm hiểu, thưởng thức lễ tế bà trong các dịp lễ hội SNTG. Lần này anh quyết định sẽ đưa cả gia đình đến xem lễ hội SNTG để được tận mắt chứng kiến lễ tế và tìm hiểu sâu hơn lịch sử Bà Tơ. “Về với lễ hội SNTG lần này còn là dịp để thưởng thức những sản vật, trải nghiệm những nghề truyền thống đậm chất đồng quê, đầm phá Tam Giang”, anh Nguyễn Thao chia sẻ.

Làng nghề đan lát Bao La được du khách chú ý. Ảnh: Thanh Loan

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, ông Lê Quang Dựng rất tự hào về Bà Tơ là người quê hương Quảng Phú. Từ khi lần đầu tiên lễ hội SNTG được tổ chức đến nay, nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu lịch sử Bà Tơ. Vào các dịp lễ hội SNTG, du khách quy tụ về miếu thờ rất đông, nhất là vào thời điểm diễn ra lễ tế. Sau khi thưởng thức lễ tế Bà Tơ, du khách được xem hội đua thuyền trên sông Bồ, bên bến đò Quai Vạc; đến tham quan các làng nghề truyền thống như đan lát Bao La, làm nón, các vùng trồng rau… Sản phẩm các làng nghề không chỉ được quảng bá mà còn được nhiều du khách mua làm quà.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi phấn khởi khi lễ hội SNTG là điều kiện lớn để địa phương quảng bá sản vật, hình ảnh đồng quê, đầm phá yên bình và cả con người nơi đây vốn chân chất, thân thiện. Đây chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng đầm phá Tam Giang. Từ khi mùa lễ hội SNTG đầu tiên diễn ra, đến nay du khách đến tham quan, giải trí tại địa phương ngày càng nhiều. Du khách thường thuê đò của người dân để ngược xuôi trên phá, chiêm ngưỡng cảnh đẹp vùng sông nước, xem ngư dân chài lưới, hoặc trải nghiệm các nghề như chơm cá, bắt cua tại các khu rừng ngập mặn…

Sẵn sàng

Chương trình nghệ thuật tổng hợp đêm khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 24/4 với sự tham gia biểu diễn của 12 ca sĩ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hàng trăm diễn viên của Nhà hát ca kịch Huế. Đêm thứ hai (25/4) là đêm lửa trại của gần 900 đoàn viên thanh niên tham gia hội trại với chủ đề Hành trình về với Tam Giang. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thi dân vũ quốc tế, dạ hội hóa trang. Đêm bế mạc (26/4), người dân địa phương và du khách sẽ thưởng thức những tiết mục dân ca, dân vũ; trong đó nhiều tiết mục hấp dẫn do các ca sĩ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trình bày.

Ông Phạm Lượng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Điền thông tin, đến nay mọi khâu chuẩn bị cho lễ hội SNTG cơ bản hoàn thành, các chương trình, hoạt động gần như đã sẵn sàng.

Lễ tế Bà Tơ là một hoạt động nằm trong chương trình lễ hội SNTG năm 2018. Lễ tế được tổ chức tại miếu thờ bà ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú. Sau lễ tế Bà Tơ, du khách có dịp đến dâng hương tại miếu thờ và lăng mộ của ngài Đặng Hữu Phổ ở làng Bác Vọng (con trai cả của Phò mã Đặng Huy Cát và công chúa Tĩnh Hòa) để tìm hiểu về thân thế, công lao của ông đối với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở Quảng Điền. Di tích miếu-mộ Đặng Hữu Phổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Tại lễ hội SNTG lần thứ 4 này, ban tổ chức đã đưa vào một số hoạt động mới, như trò chơi dân gian Bài Chòi, sẽ tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội nhằm tạo sân chơi cho du khách, đồng thời góp phần gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa của địa phương. Hội thi ẩm thực Quảng Điền lần thứ I diễn ra vào chiều 24/4 với sự tham gia của các đội thi đến từ 11 xã, thị trấn, với các món ăn dân dã, mang đậm bản sắc, đặc trưng của các vùng quê, đầm phá Quảng Điền.

Đan xen với các lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác cũng được tổ chức, như đua ghe, câu cá trên phá; giao lưu các câu lạc bộ bi sắt; vật thiếu niên và thanh niên... Các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, bãi biển gắn với các di tích lịch sử văn hóa của địa phương sẽ được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hứa hẹn đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân mới trên non cao

Mùa xuân đầu tiên thoát khỏi huyện nghèo, người dân A Lưới phấn khởi hòa mình tham gia các hoạt động lễ hội trong tình đoàn kết, sẻ chia. Cùng với giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo, phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống dân sinh.

Xuân mới trên non cao
Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

Những phiên chợ vùng cao tại Thừa Thiên Huế đang dần khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời phát triển du lịch và tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

TIN MỚI

Return to top