ClockThứ Sáu, 19/04/2019 05:45

Chưa có quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

TTH - Việc hạn chế về kinh phí khiến du lịch Huế không thể triển khai giải pháp thiết yếu trong phát triển, nhất là xây dựng sản phẩm mới.

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hóa vùng miềnKhởi nghiệp du lịch thông minh trên vùng đất di sảnMỗi người dân là một “đại sứ” du lịch

Tàu du lịch hạng sang đưa khách cập cảng Chân Mây tháng 3/2019. Ảnh: M.Lê

Làm gì cũng khó

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, ở Huế có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) có ý tưởng hay, nếu triển khai hiệu quả, có thể trở thành những sản phẩm du lịch mới, có tính hấp dẫn nhưng lại thiếu nguồn vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về quảng bá, tìm kiếm nguồn khách… cũng không có nên chỉ hoạt động một thời gian thì DN gặp khó khăn. Nếu có những hỗ trợ nhất định cho DN sẽ góp phần tăng tính đa dạng về sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Chi nhánh Huế cho biết, khi DN đầu tư vào một điểm du lịch cộng đồng nào đó nhưng người dân không có kinh phí để cùng tham gia khai thác thì không hiệu quả. Nếu có nguồn quỹ, có thể hỗ trợ cho người dân bước đầu về các dịch vụ, homestay… khi mô hình đi vào hoạt động thì thu phí để hoàn lại tiền quỹ. Như việc đầu tư khai thác du lịch ở phố cổ Bao Vinh được đề cập nhiều, nhưng các DN không dám dồn toàn lực đầu tư.

Ngành du lịch cho biết, hiện đang trong quá trình hình thành cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Huế và đang gặp vướng mắc ở khâu kinh phí hỗ trợ cho người dân phát triển dịch vụ, homestay… khiến các điểm du lịch cộng đồng ở Huế còn thiếu tính hấp dẫn đối với du khách.

Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, so với các ngành nghề khác thì khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch dịch vụ ở Huế luôn gặp khó khăn hơn, do đa số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên đòi hỏi có nguồn vốn cao, nhất là phải ký quỹ mới có thể hoạt động. Tài chính là thách thức đối với những cá nhân, DN trẻ có ý tưởng khởi nghiệp; trong khi đó, về phía ngành du lịch Huế chưa có một nguồn kinh phí nào đủ lớn để hỗ trợ khởi nghiệp.

Công tác xúc tiến quảng bá của du lịch Huế so với trước có nhiều thay đổi tích cực hơn, nhưng để có những chuyến xúc tiến đúng thị trường, đúng định hướng phát triển thì Huế vẫn chưa thực hiện được. Trao đổi với các DN du lịch trong công tác xúc tiến quảng bá năm 2019, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, nếu dồn lực xúc tiến quảng bá một cách bài bản ở thị trường Pháp sẽ tốn kinh phí lớn, khi đó sẽ không còn kinh phí để thực hiện các công tác khác. Đó là lý do mà nhiều năm qua, những thị trường Tây Âu hay Bắc Mỹ chưa thể quảng bá đúng với kỳ vọng.

Các doanh nghiệp Huế và TP. Hồ Chí Minh trao đổi trong liên kết đưa khách đến Huế

Vướng cơ chế

Ông Vũ Văn Chương cho rằng, quỹ hỗ trợ sẽ tạo nền tảng cho du lịch phát triển. Trước mắt có thể thống nhất một mức đóng cố định nào đó, tùy vào doanh thu của DN đối với các thành viên trong Hiệp hội Du lịch, sau đó mở rộng thành phần. Phương án đóng quỹ dựa trên số lượng khách cần có tính toán kỹ hơn vì sẽ thiếu công bằng, không rõ ràng, bởi thực tế có nhiều đơn vị phục vụ khách nhiều hơn so với khi thông báo.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh được đưa ra bàn luận không ít lần, phía DN cũng đồng thuận đóng góp. Tuy nhiên, trước đây chưa thể hình thành do chưa có các quy định, cơ chế cụ thể.

Sở Du lịch thông tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đại diện chủ sở hữu. Kinh phí hoạt động hằng năm do ngân sách Trung ương cấp 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam của người nước ngoài; 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan tại các điểm du lịch. Ngoài ra, có tiền lãi từ tiền gửi của quỹ tại ngân hàng; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của DN, tổ chức, cá nhân.

Theo ông Lê Ngọc Sanh, đây là quỹ hỗ trợ phát triển chung của ngành du lịch cả nước, còn cơ chế cho các địa phương hiện vẫn chưa có. Trong hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” được tổ chức ở Huế vào tháng 2/2019, lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội và DN du lịch. Đề xuất này nếu được thông qua mới gỡ được nút thắt lâu nay cho các địa phương nói chung và Huế nói riêng.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến Huế “sống lành”

Huế phát triển từng ngày, nhưng không "đánh rơi" nhịp bình yên. Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, nhiều du khách tạm gác âu lo đến Huế để tận hưởng sự tĩnh tại, thuần khiết của thiên nhiên.

Đến Huế “sống lành”
5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách dịp Tết

Ngành du lịch Cố đô dự kiến thu hút lượng khách dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng khoảng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Để phục vụ và tạo ấn tượng cho du khách, Sở Du lịch, cộng đồng các doanh nghiệp du lịch và các điểm du lịch đã xây dựng nhiều sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách.

Sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách dịp Tết

TIN MỚI

Return to top