|
Khách du lịch trải nghiệm nghề làm hoa giấy Thanh Tiên |
Là một trong 2 nghề nằm trên địa bàn quận Thuận Hóa được UBND tỉnh (cũ) công nhận là nghề truyền thống, nghề hương trầm Thủy Xuân (phường Thủy Xuân) hiện có 14 cơ sở tham gia sản xuất, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa, cơ sở hương trầm ở đường Huyền Trân Công Chúa, những năm trở lại đây thành phố Huế và quận Thuận Hóa đầu tư hạ tầng du lịch khu vực đồi Thiên An, Vọng Cảnh và hoàn thiện hệ thống đường giao thông kết nối các tour tuyến du lịch ở khu vực phía tây quận nên lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm và tham gia thao diễn nghề hương trầm khá đông. Vì vậy, các cơ sở đầu tư chỉnh trang cửa hàng, mua sắm thêm trang phục phát triển dịch vụ cho thuê áo dài, phụ kiện và chụp ảnh lưu niệm góp phần phát triển du lịch tại đây.
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, phường Dương Nỗ được công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2013 và sản phẩm hoa giấy của làng cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Huế mang trong mình những giá trị văn hóa và tín ngưỡng lâu đời. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách, gần đây các nghệ nhân cũng như người dân làng nghề phát triển thêm nhiều loại mẫu mã mới, đẹp mắt với thay đổi kích cỡ sản phẩm tạo điều kiện cho du khách dễ dàng vận chuyển khi lên máy bay hay các phương tiện xe khách, tàu hỏa, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ giúp người dân yên tâm phát triển nghề.
Theo thống kê, đến thời điểm này trên địa bàn quận Thuận Hóa có 2 nghề được công nhận là nghề truyền thống, gồm nghề hương trầm Thủy Xuân và bánh chưng Phú Dương và 3 làng nghề được công nhận là Làng nghề truyền thống, gồm: Đúc đồng, hoa giấy Thanh Tiên và tranh làng Sình; 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, gồm: yến sào Anna của Công ty TNHH yến xào xứ Huế Anna, hoa sen giấy Thanh Tiên của hộ kinh doanh Nguyễn Hóa, bánh ép HUE ONE FOOD của Công ty TNHH MTV HUE ONE FOOD, bánh chưng Phú Dương, tranh làng Sình của hộ kinh doanh Kỳ Hữu Phước…
Ông Nguyễn Thanh Trị, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Kinh tế quận Thuận Hóa cho biết, để phát triển nghề và làng nghề truyền thống cũng như nâng tầm sản phẩm đặc sản trên địa bàn, sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để quảng bá và khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hạ tầng, hình thành các tour tuyến du lịch kết nối với làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, như: kết nối tour du lịch làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình với cụm du lịch Rú Chá - Cồn Tè, biển Hải Dương; phát triển du lịch cộng đồng Thủy Biều và Thủy Bằng. Song song với đó là xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, du lịch gắn với văn hóa Huế, con người Huế nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề, như: tổ chức định kỳ lễ hội Thanh Trà ở Thủy Biều, Hội vật làng Sình ở Dương Nỗ, Festival Thuận An biển gọi ở Thuận An...
Nhiệm vụ quan trọng nữa là xúc tiến, kêu gọi đầu tư, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic phục vụ kinh doanh xuất, nhập khẩu, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.