ClockThứ Tư, 02/03/2022 15:30

Vọng mãi ngàn năm

Thuở bé, thi thoảng thức giấc lúc tảng sáng, tôi thường nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ trầm, ấm vọng về, độ vài hồi rồi lại chìm vào giấc ngủ trẻ thơ. Chùa Thiên Mụ cách làng tôi chừng 5 - 6 cây số đường chim bay, còn chùa làng cách nhà tôi khoảng 300 - 400m, vậy mà chưa bao giờ tôi nghe được tiếng chuông chùa làng. Tương truyền, sợ tiếng chuông chùa làng tôi ngân xa, kinh động đến tai vua, bị quở trách, dân làng đã trám hai lỗ trên đỉnh! Thực hư ra sao chẳng rõ, vết trám vẫn vẹn nguyên từ trước đến nay.

Văn chuông khắc trên thân chuông, nét chữ chân phương, mềm mại, ghi nhận: “Hội chủ Lê Văn Học, làng La Chử, huyện Hương Trà, tín cúng. Điện tiền Thái bảo giá ngự quận công Võ Văn Dũng, chánh thất Lê Thị Vi công đức. Viên chức lính tráng và hương lão cùng tất cả dân làng lớn nhỏ bổn giáp chú tạo vào ngày lành tháng bảy mùa thu Tân Hợi (1791).

Kính nguyện: Trên thấu thiên đường, dưới thông địa ngục để tất cả dân làng văn thì đỗ giáp khoa, võ xếp hàng của tướng, tứ thú, tứ dân đều hưởng phước lành tốt đẹp, kẻ thất phu, thất phụ được un đúc thuở ấm no, năm được sống lâu, ngày thêm phú quý. Kính lạy viết” (Trần Đại Vinh - Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế - NXB Thuận Hóa 2006, tr.36).

Giới sử học khẳng định, đây là quả chuông duy nhất đúc vào năm Quang Trung thứ tư còn sót lại trong cả nước, là quả chuông kỳ lạ và độc đáo như nhận xét của nhiều người am hiểu. Nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm, trong cuốn “Những ngôi chùa Huế” (NXB Thuận Hóa, 2000), phần viết về chùa làng La Chử (từ trang 386-396) khảo tả: Chuông có hình dáng đẹp, cao 1m26, phần quai chuông cao 0m34, phần thân chuông cao 0m92; chu vi thân chuông, đoạn giữa thân đo được 1m74, chu vi phần gần miệng chuông là 1m80; đường kính lòng chuông ở phần thân đo được 0m57… Cách trình bày hoa văn, văn khắc trên chuông La Chử có phần đặc trưng về văn hóa dung hợp tam giáo và tư tưởng bình dân hơn là biểu bộ đạo Phật thuần túy. Thân chuông được chia dọc thành bốn phần cách nhau bằng bốn chỉ gân song, mỗi khung đề tên một mùa trong “tứ thời”: khung chữ “Xuân” trình bày hoa văn không nơi nào có; bên góc phải trên có hình hai cái lược - lược dày và lược thưa - bằng sừng trâu; khung chữ “Hạ” có hình quạt lá và hai cuốn sách; khung chữ “Thu” có hình bầu rượu đang bốc khói, quanh cổ bầu rượu có cột vấn dải lá, bên trái cũng bầu hồ lô vấn dải lá nhưng đặt xiên; khung chữ “Đông” bên phải là hình hai ngọn lá, phía trái hình gươm.Bên dưới mỗi khung có hình hai võ tướng được đúc nổi áo giáp, mũ trụ và vũ khí như gươm, giáo, chùy. Mỗi khung ở phía dưới rộng 0m12, dài 0m20 khắc “tứ linh” - Xuân là chim phụng bay, Hạ là con nghê, Thu là con rồng, Đông là con rùa mang hòm kinh Phật trên lưng, miệng phun lửa. Miệng chuông loe ra, nhiều đường gân chạy vòng quanh đế nâng lưng phần miệng chuông cao lên và rộng dần ra rất mỹ thuật”.

Hơn 200 năm qua, dân làng trân trọng giữ gìn, hết lòng bảo vệ chuông. 13 vết đạn, bom lổ đổ trên thân chuông là chứng tích cho quãng thời gian khốc liệt với chiến tranh, loạn lạc diễn ra tại quê hương tôi. Quả chuông quý hiếm này nằm phía trái chùa làng - ngôi chùa đặc biệt - bởi tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng, mặt hướng nam, phía trước không xa là miếu Thành Hoàng (còn gọi là miếu Ông) thờ Hà Công, “người làng La Chử, huyện Kim Trà, theo Lê Thái Tổ ở Lam Sơn bình định giặc Ngô có công, được phong tước đại liêu” (Dương Văn An - Ô châu cận lục - Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, NXB Thuận Hóa 2001, tr.107); sau lưng là dinh trấn của tướng Võ Văn Dũng thời Tây Sơn, ngăn cách bởi con khe nhỏ nước chảy quanh năm mà dân làng gọi là “hà”; đặc biệt còn vì từ một thảo am dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) được ban biển hiệu “Sắc tứ Chúc Thánh Đạo tràng”, tiếp tục được các vua Nguyễn ban tặng, hiện chùa còn lưu giữ được sắc phong thời Duy Tân (1908) và Khải Định (1924).

Câu ca: “Gió đưa mười tám lá xoài/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” luôn nằm trong tâm trí dân làng tôi, ngụ ý bà Lê Thị Vi lấy Võ Văn Dũng năm 18 tuổi. “Dài đường đi” nhưng có thể tính được, song công đức của ông bà Đại Tư đồ để lại Đại hồng chung cho làng thật khó nói hết, muôn đời tụng ca.

Hà Xuân Huỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cứ liệu” vững chắc

Ghé Morin đón người đồng nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh đang ra Huế công tác. Đang phụ trách một tờ báo ở thành phố phương Nam, công việc khiến anh mỗi năm phải ra Huế khá nhiều lần. Lần này anh chọn khách sạn Morin ngay đầu cầu Trường Tiền để ở. Giá thuê phòng có thể hơi cao tí, nhưng anh nói, bù lại ở gần sông Hương để được ngắm mọi cung bậc của dòng sông huyền thoại qua từng khung thời gian trong ngày mà anh vẫn hằng nghe truyền tụng. Nhất là buổi sáng dậy sớm, được thỏa thuê thả bước theo các con đường đi bộ rợp bóng cây xanh dọc 2 bờ sông, hít thở bầu không khí trong lành, mát rượi mà không dễ đô thị nào cũng có…

“Cứ liệu” vững chắc
Hẹn với xứ mưa

Cơn mưa đêm qua vừa ngớt, phố thở nhẹ thênh trong làn gió dịu mát. Những con đường long não thoảng mùi nhựa cây với đám lá lục già hớn hở. Phố đã chuyển mùa.

Hẹn với xứ mưa
Một ngày & 500 ngàn đồng

Nếu du lịch Huế có thêm nhiều sản phẩm mới, dịch vụ đa dạng, đẳng cấp hơn thì việc du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn không phải là điều gì quá xa vời.

Một ngày  500 ngàn đồng
Chùa Thiên Mụ & những dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu

Với các công trình kiến trúc uy nghiêm cổ kính, ngoại cảnh thanh thoát nên thơ, lại bảo lưu được một số văn vật lâu đời quý báu của Phật giáo, chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời xứng đáng được đứng vào hàng các di tích tôn giáo và kiến trúc nghệ thuật của Việt Nam và thế giới.

Chùa Thiên Mụ  những dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu

TIN MỚI

Return to top