ClockThứ Năm, 11/07/2024 17:51

“Cứ liệu” vững chắc

TTH.VN - Ghé Morin đón người đồng nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh đang ra Huế công tác. Đang phụ trách một tờ báo ở thành phố phương Nam, công việc khiến anh mỗi năm phải ra Huế khá nhiều lần. Lần này anh chọn khách sạn Morin ngay đầu cầu Trường Tiền để ở. Giá thuê phòng có thể hơi cao tí, nhưng anh nói, bù lại ở gần sông Hương để được ngắm mọi cung bậc của dòng sông huyền thoại qua từng khung thời gian trong ngày mà anh vẫn hằng nghe truyền tụng. Nhất là buổi sáng dậy sớm, được thỏa thuê thả bước theo các con đường đi bộ rợp bóng cây xanh dọc 2 bờ sông, hít thở bầu không khí trong lành, mát rượi mà không dễ đô thị nào cũng có…

Dạo bước dòng Hương

 Du khách thăm Huế.

“Đúng là Huế mình đẹp thật, mọi khi vẫn thấy Huế đẹp, nhưng qua ô cửa xe, nó cứ lướt lướt nên không thể cảm nhận hết được vẻ đẹp lắng sâu, tinh tế, nền nã của Huế…”, anh bày tỏ. Rồi trong dòng suy nghĩ của mình, anh bảo, thành phố nơi anh đang sống to lớn, giàu có thật đấy, nhưng không tìm đâu ra một đường dạo hoành tráng, nên thơ, đẹp đẽ như của Huế. Anh lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe tôi bảo, những con đường mà anh vừa dạo qua mỗi sáng thật ra chưa thật hoàn thiện. Huế đang tiếp tục tôn tạo cảnh quan đoạn đường dạo nối từ cầu Dã Viên lên chùa Thiên Mụ. Ở phía đối diện, con đường dọc bờ sông Hương sẽ còn được nối tiếp lên giáp đường Huyền Trân Công Chúa. Phía hạ nguồn, 2 tuyến đường dạo dọc sông Như Ý cũng đang được xây dựng, và cho dù chưa xong, cũng đã khiến cư dân xứ Huế cảm thấy hào hứng, trầm trồ… “Huế mình số dzách!”, anh thốt lên hào hứng khi nghe tôi mô tả.

 Công viên Huế là nơi checkin tấp nập mỗi dịp lễ, tết.

Không phải mèo khen mèo dài đuôi, nhưng quả thật, chưa kể những tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chỉ riêng mảng chỉnh trang đô thị, những năm gần đây Huế đã có những đổi thay vô cùng ấn tượng. Hệ thống công viên, đường dạo, hè phố, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ… đã thực sự khoác cho Huế một bộ cánh rạng rỡ và sang trọng. Nhiều lần ghé qua công trường đường dạo dọc sông Hương từ cầu Dã Viên lên chùa Thiên Mụ, công trường chỉnh trang đồi Vọng Cảnh khi vẫn đang còn “nghênh ngang” cát đá, vẫn bắt gặp rất nhiều người đến vui chơi, tập thể dục, check-in…

Một thoáng Vọng Cảnh. 

Đó quả là “hiện tượng” hiếm gặp ở bất cứ công trường nào đang trong thời gian thi công. Phải chăng là vì người ta quá yêu, quá quan tâm, muốn dõi theo từng ngày sự đổi thay của Huế; và nữa, là vì cái “phông nền” của Huế vốn dĩ đẹp sẵn, cho nên dẫu cho công trường có ngổn ngang cát đá đi nữa thì vẫn không khiến cho vẻ đẹp ấy mất đi, mà thậm chí còn điểm tô vào đó những gam màu của háo hức, của kỳ vọng… Một vài bức ảnh trong cái không gian ấy do vậy không chỉ vẫn đẹp mà còn có những giá trị rất riêng.

Không thể quên công lao của các anh, các chị công nhân làm việc trong ngành công viên cây xanh, môi trường đô thị. 

Cùng với đầu tư chỉnh trang, Huế cũng đồng thời phát động nhiều phong trào, nhiều hoạt động có ý nghĩa: Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Ngày Chủ nhật xanh; Nhặt một cọng rác bạn đã làm cho Huế sạch hơn; Mai vàng trước ngõ; Thành phố 4 mùa hoa… Những hoạt động, những phong trào ấy không chỉ mang tính “bổ trợ” tích cực đối với công cuộc chỉnh trang đô thị mà quan trọng là nó có sức lay động, truyền cảm hứng và được đại bộ phận cán bộ, người dân ủng hộ, hưởng ứng. Từ đó làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, khiến ai cũng thấy tự hào, thấy có trách nhiệm hơn với Huế, với quê hương nơi mình đang sống.

 Cầu gỗ lim nay đã thành một điểm đến nổi tiếng.

Những đổi thay ngoạn mục của môi trường và cảnh sắc phố thị; những chuyển biến ngày càng tích cực trong nhận thức của người dân, phải chăng đó là những “cứ liệu” vững chắc cho phép chúng ta nghĩ về một xứ Huế trong tương lai gần - Một xứ Huế xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương, một xứ Huế luôn đậm đà bản sắc văn hóa miền Hương Ngự.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top