ClockThứ Tư, 14/10/2020 15:14

Tương lai cho vùng đất “mới”

TTH - Giữa trưa, những người dân khu vực gần sân bay A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) cùng ngồi lại bàn câu chuyện trồng rau, nuôi bò vài năm tới. Nụ cười của họ tươi hơn, khi một số người trong đó khẳng định chắc nịch: “Xử lý xong đất nhiễm độc dioxin, cuộc sống của chúng ta sẽ khác”.

Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở A Lưới

Người dân dự lễ khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So

Niềm vui sớm

Vợ chồng anh Hồ Ngân là những người cảm nhận rõ niềm vui khi dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới” vừa khởi công. Anh Ngân nhớ lại: “Chúng tôi đã đối mặt với không ít khổ đau khi chứng kiến hậu quả chiến tranh gây ra với người thân. Một số người đã mất, nhưng những người thân còn sống thì sức khỏe đều không được bình thường. Vừa chăm người thân, vừa lo miếng ăn, nhưng cái nghèo thời gian qua mãi không thể dứt. Chúng tôi đã chờ đợi sự kiện tẩy độc rất lâu ”.

Ký ức buồn đã đeo bám người dân A Lưới, đặc biệt là những người sinh sống ở xã Đông Sơn ngót nghét gần 60 năm kể từ khi xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam. Giờ đây, họ lại đặt chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian, chờ đợi những ngày vui. Lật lại một vài dòng thông tin ghi những con số đáng rùng mình, như trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) xuống miền Nam thì riêng huyện A Lưới đã phải hứng chịu 432.812 lít (chứa 11kg dioxin), ông Hồ Văn Lợi, người dân ở địa phương, bật ra câu nói khiến người khác ngỡ ngàng: “Đây là lần đầu đọc những thông tin buồn mà lòng tràn đầy niềm vui. Quá khứ có những khó khăn đó để giờ khi dự án tẩy độc khởi công, chúng tôi mới có cảm giác chờ đợi như một niềm vui sớm”.

Những người dân Đông Sơn ví hoạt động tẩy độc như một cuộc hồi sinh diệu kỳ trên vùng rốn da cam. Hàng chục năm gánh chịu nỗi đau da cam, nước mắt của người dân địa phương không chỉ rơi vì hậu quả để lại trên cơ thể người thân mà hoạt động làm ăn kinh tế của họ cũng luôn gặp khó. Mở đoạn ghi âm lời phát biểu của các đại biểu ngày khởi công, ông Ngát bảo, họ sẽ lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất tiến tới xử lý triệt để khối lượng đất nhiễm chất độc da cam dioxin tại sân bay A So phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam. Công nghệ chôn lấp, cô lập từng được Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện trong một số dự án tại sân bay Phù Cát – Bình Định, sân bay Biên Hòa – Đồng Nai mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái. “Một giai đoạn dài người dân nhiều nơi còn nghi ngại về một vùng đất vẫn còn chất độc hóa học khiến rau màu trồng ra khó bán, người dân làm kinh tế gặp không ít khó khăn. Nhưng chỉ 3 năm nữa, khi dự án hoàn thành, chúng tôi sẽ có một cuộc sống khác”, ông Lợi phấn khởi.

Môi trường không còn nhiễm độc

Khu vực sân bay A So là một trong những nơi bị ô nhiễm chất độc hóa học dioxin với khối lượng đất, trầm tích khoảng 35.000 mét khối cần phải xử lý, tẩy độc trên diện tích khoảng 5ha. “Vùng rốn da cam” chịu quá nhiều thiệt thòi trong thời gian qua. Khi dự án tẩy độc dioxin được khởi công, những dự tính để định hình cho một vùng đất “mới”, với môi trường đất không còn bị nhiễm độc đã được lãnh đạo địa phương hướng tới.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ, mô hình phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên những thửa đất của Đông Sơn sẽ hiện ra khi dự án tẩy độc dioxin hoàn thành. A Lưới đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Quế Lâm để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Với vùng đất khu vực sân bay A So hậu tẩy độc, có thể hỗ trợ người dân theo định hướng chung của huyện, vừa phát triển sản xuất nông sản an toàn, vừa bảo vệ môi trường.

Con theo ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, trong dự án xử lý đất nhiễm độc, các bên đã xác định khu vực nhiễm độc dioxin trong sân bay A So,xã Đông Sơn, huyện A Lưới thuộc quy hoạch làm khu chứng tích chiến tranh, một phần khu A sẽ được cải tạo thành khu vui chơi giải trí, sân bóng hoặc nhà văn hóa thôn. Đối với người dân địa phương, đó không chỉ là niềm an ủi mà là mang lại nhiều giá trị, nhất là giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống.

Khu vực sân bay A So như một vùng đất lịch sử một thời đã vang danh thế giới về độ khốc liệt, bi hùng; nơi đây vẫn còn khu chứng tích chiến tranh và những địa điểm để làm du lịch di tích lịch sử. Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, huyện sẽ tìm các nguồn vốn để khôi phục lại các điểm di tích không chỉ phục vụ hoạt động du lịch mà còn để giáo dục truyền thống, lịch sử cho con em thế hệ sau.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):
Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu

Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Châu Á - Thái Bình Dương: Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và sinh kế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực này có thể cải thiện khả năng bảo vệ tài chính trước các rủi ro khí hậu nghiêm trọng và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giải quyết các khoảng cách về khả năng chi trả bảo hiểm, khả năng tiếp cận và nhận thức.

Châu Á - Thái Bình Dương Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương
Những ý tưởng mới, táo bạo hướng đến Hội nghị thượng đỉnh Tương lai

Làm cho thế giới công bằng, an toàn và bền vững hơn dành cho tất cả mọi người là trọng tâm được thảo luận bởi các đại biểu tham dự, những người ủng hộ các ý tưởng mới, táo bạo được đưa ra tại phiên họp cuối cùng tại sự kiện “Ngày hành động” của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, với những thông điệp về hy vọng và thay đổi từ những người trẻ cho đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres.

Những ý tưởng mới, táo bạo hướng đến Hội nghị thượng đỉnh Tương lai

TIN MỚI

Return to top