ClockChủ Nhật, 14/02/2021 13:42

Từ một bình minh mưa

TTH - Tôi gọi sáng Huế ấy là bình minh mưa, là bởi nó gợi nhớ tới truyện ngắn giàu chất thơ cùng tên của Pauxtốpxki, nhà văn Nga tôi từng đọc một cách mê say thời trai trẻ. Có vẻ như hơi lãng mạn. Nhưng quả thật, cái bình minh mưa ấy không chỉ lãng mạn, mà còn rất lạ, ít ra là đối với tôi, dù đã nhiều lần đến Huế.

Mưa xuân. Ảnh: Lê Ngọc

Dừng chân ở Huế chưa trọn 24 giờ trong một ngày mưa bão, tôi không đành bỏ lỡ một buổi thả bộ ven sông Hương sau cả một năm trời cứ hẹn lại nhỡ vì con COVID-19. Vậy là mưa thì mưa, mượn được cậu lễ tân khách sạn cây dù, tôi hòa vào một bình minh mưa xứ Huế. Ra là không chỉ mình tôi. Rất nhiều người Huế, cũng mang dù đi bộ trong mưa, trên con phố rất nhiều cây xanh bên sông Hương. Bắt chuyện với một anh bạn trẻ, được biết năm nay mưa to hơn năm 1999, nhưng nước sông Hương chỉ mấp mé hè đường Lê Lợi. Là do hệ thống kiểm soát lũ trên sông Hương và hệ thống thoát nước của thành phố đã được nâng cấp, tốt hơn nhiều.

Mưa càng nặng hạt, mặt sàn cây cầu lát gỗ loáng nước chợt có một khoảng khô ráo khi chạy qua vòm cầu Phú Xuân. Quả là nơi dừng chân tập thể dục lý tưởng trong buổi sáng mưa ấy. Một bác người Huế bảo, mưa suốt, mình cứ tập thôi, không lẽ nghỉ cả tháng?

Có một điều gì đó như sự hài lòng, bình thản… qua câu chuyện của anh bạn trẻ và bác cao tuổi tôi tiếp chuyện. Xa xa, trên những cây cầu Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, ánh đèn xe xuôi ngược mau dần. Một ngày mới lại bắt đầu từ bình minh mưa.

Rời Huế khi cơn bão Vàm Cỏ đang rập rình ngoài Biển Đông, tôi trở lại vào mươi hôm sau. Trời khéo chiều lòng người, đón tôi là một Huế trong nắng gió làm nhớ những ngày thu Hà Nội. Vậy là, tôi có một buổi chiều đẹp trời để trở lại hành trình trong bình minh mưa từng trải nghiệm hôm nào. Nước dòng Hương dù chưa trong xanh như cũ, nhưng đã hiền hòa trở lại. Trong ánh nắng chiều, tôi càng cảm nhận hết vẻ đẹp của cây cầu đi bộ lát gỗ lim, một trong những niềm tự hào của người Huế bên mênh mang trời nước dòng Hương. Đã qua những ngày mưa, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng trên Phu Văn Lâu như đẹp hơn trên nền trời xanh thẳm.

Trước ngày trở lại vài hôm, tôi đọc được một dòng tin: cây xà cừ cổ thụ bị bão quật ngã trong cơn bão số 13 đã được Trung tâm Công viên cây xanh Huế huy động lực lượng, máy móc trồng lại bên sông Hương, cách chỗ cũ vài chục mét. Trong buổi chiều đẹp trời xứ Huế ấy, tôi quyết dành thời gian thả bộ qua cầu Phú Xuân, tới công viên trước cửa bến xe Nguyễn Hoàng để thăm cây xà cừ. Và cũng từ hình ảnh cây xà cừ được công nhân cắt mé, chăm sóc để hồi phục, tôi mới cắt nghĩa được nguồn cơn những dáng vẻ đặc biệt của nhiều cây cổ thụ ở Huế, nhất là trên đường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo ven sông Hương. Tỷ như cây bàng trong khuôn viên Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, nơi góc đường Lê Lợi và Trần Thúc Nhẫn. Trên gốc chủ xù xì, dễ có tuổi đến hơn nửa thế kỷ, là nhiều lớp cành, nhánh xum xuê khiến ta liên tưởng đến những thế hệ con cháu quấn túm trong một gia đình. Chiều ấy ngắm cây xà cừ đang “dưỡng thương”, chợt hiểu cây bàng có dáng vẻ đặc biệt ấy là bởi trải nhiều mùa mưa bão, mỗi mùa lại có những cành bị gãy và từ cái gốc kiên cường ấy lại thêm một lứa cành mới. Cây bàng cổ thụ vẫn đứng đó, tỏa bóng mát, chứng kiến bao lớp người lớn lên, trưởng thành. Và đó cũng là hình ảnh của nhiều cây xanh bên đường Lê Lợi này. Những gốc cây có dáng xiêu xiêu, chứng tỏ từng vật vã trong gió bão để trụ vững, ra những chồi, những lộc cho một mùa mới.

Một chiều ngắm sông Hương từ quán cà phê trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế, công trình kiến trúc độc đáo mới xây dựng gần đây, tôi thắc thỏm: Biết bao giờ sông Hương mới xanh trong trở lại? Chia sẻ với bạn, một người viết xứ Huế, cô trầm ngâm mà đoan chắc: Chắc phải là Tết, anh à…

Đúng rồi, Tết là cái mốc cho mọi hy vọng mong ước. Tôi cũng mong và tin đến Tết Tân Sửu này, nước dòng Hương sẽ trong trở lại, bãi cỏ xanh ven bờ sẽ lại nở hoa vàng. Và cây xà cừ cổ thụ bên bờ Bắc sẽ hồi sinh, nảy ra những lộc, những cành  mới, cũng như bao thế hệ cây xanh ở thành phố này, sẵn sàng đón và vượt lên những cơn phong ba, những ngày nắng, ngày mưa, để Huế mãi luôn là thành phố tràn ngập màu xanh.

Với chút tâm tình cùng Huế, xin coi đó là một mong ước cho mùa xuân này…

Tạ Việt Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vị cay thương nhớ

Xứ Huế lắm nắng nhiều mưa và mùa mưa Huế thường kéo dài đến gần nửa năm, chưa kể dăm ba ngày mưa cắc cớ chen vào những tháng nắng. Mà cứ mưa xuống là lạnh. Cái lạnh kèm độ ẩm khá cao rất đặc trưng của Huế cứ buôn buốt từ chân tóc vào đến ruột gan, không chỉ với những người phải dãi dầu mưu sinh mà còn với bất cứ ai đã từng ở, từng sống và gắn bó với mảnh đất hiền hòa này từ bao đời đã thiệt thòi cam chịu những khắc nghiệt của thời tiết.

Vị cay thương nhớ
Dịu ngọt ngày mưa

Cơn gió lướt qua vườn, mang theo những hạt mưa rắc xuống từng tán lá, ngọn cây phía sau nhà, làm nảy nở bao âm thanh dịu ngọt. Trong những đêm mưa như thế, tôi thích nằm nghe những âm thanh từ khu vườn nhỏ rớt vào nhà qua những ô cửa gỗ.

Dịu ngọt ngày mưa
Huế đẹp trong mưa

“Chỉ một cơn mưa Huế là thành mùa đông” là cách mà nhà báo Minh Tự mượn ý người xưa nói về mưa Huế trong câu chuyện dài kỳ “Những cơn mưa chờ đợi” của báo Tuổi trẻ. Cũng có thể ấy là do những cơn mưa luôn làm Huế đượm buồn, kể cả là những cơn mưa đổ về giữa ngày hạ.

Huế đẹp trong mưa
Hoàn thành “mục tiêu” (?!)

Cây thông ở trước số nhà 105 đường Lê Ngô Cát, phường Thuỷ Xuân (TP.Huế) cao chừng 5m, vanh gốc phải đến 50 phân tây, tuổi đời gần 20 năm mà nay đành chấp nhận chết đứng, cho dù thông là loài cây nổi tiếng có sức chịu đựng dẻo dai trước khắc nghiệt thời tiết, và tuổi thọ đến vài trăm năm là chuyện bình thường.

Hoàn thành “mục tiêu”
Giấc mơ không mưa

Nhà bạn ở làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế. Tôi điện thoại hỏi “nước tới vô mô rồi?”, hắn nói “nửa nhà rồi anh, vô nửa đêm, dọn kê đồ đạc đuối luôn”.

Giấc mơ không mưa

TIN MỚI

Return to top