ClockThứ Hai, 29/11/2021 08:19

Quản chặt phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở nuôi dưỡng tập trung

TTH - Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh thuộc Sở LĐTB&XH đang nhận chăm sóc, dạy nghề và phục hồi chức năng cho khoảng 515 đối tượng là bệnh nhân tâm thần và học viên cai nghiện ma túy, chiếm hơn 1/3 trong số 22 cơ sở bảo trợ xã hội toàn tỉnh. Việc phòng, chống dịch dù khó vẫn được trung tâm tập trung đề phòng, kịp thời xử lý tình huống.

Tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh cho cơ sởTình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn được chủ động kiểm soát

Hơn 500 bệnh nhân tâm thần, học viên cai nghiện ma túy được tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa COVID-19

Phòng ngừa chặt từ đầu vào

Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết, việc kiểm soát chặt đầu vào rất quan trọng. Đơn vị bố trí người, máy quét kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào đơn vị; yêu cầu viên chức, người lao động và khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, quét mã QR khi vào đơn vị hoặc liên hệ công việc. Trường hợp nhân viên trung tâm thuộc vùng đỏ sẽ cho nghỉ tại nhà, vùng cam phải được test nhanh kháng nguyên âm tính và đảm bảo không được tiếp xúc với ai, tuân thủ 5K trong thời gian làm việc tại trung tâm, nhằm đảm bảo an toàn chung cho cán bộ, nhân viên, học viên cai nghiện và bệnh nhân tâm thần.

Thời gian này, trung tâm tuyệt đối không cho bệnh nhân thăm gặp người nhà, gia đình. Nếu cần thiết có thể trao đổi, liên hệ qua điện thoại. Kể cả việc bàn giao học viên cai nghiện sau hoàn thành hoặc tiếp nhận cũng không tổ chức lễ bàn giao như trước mà tiến hành bàn giao học viên tại cổng trung tâm. Việc tiếp nhận học viên cũng phải qua các bước, thời gian kiểm tra, giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt. Định kỳ 2 lần/tuần, trung tâm test nhanh kháng nguyên, tầm soát toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động và tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho học viên cai nghiện và bệnh nhân tâm thần; đồng thời, chú trọng xử lý môi trường, khử khuẩn thường xuyên quanh khu vực nhà ở, nhà ăn, bếp, khu chăn nuôi...

Theo ông Ngô Duy Bình, mặc dù Trung tâm BTXH đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, thành lập Tổ an toàn COVID-19; đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị và các phương án phòng, chống dịch theo các mức độ nguy cơ, "3 tại chỗ", cũng như chủ động dự trù cơ số thuốc, các thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho công tác phòng, chống dịch..., song vẫn còn nhiều khó khăn, bị động. Quản lý số lượng đối tượng rất đông, nhưng không có khu cách ly. Đơn vị tận dụng phòng cắt cơn để cách ly những học viên cai nghiện ma túy mới tiếp nhận trong thời gian chờ kết quả lấy mẫu xét nghiệm PCR COVID-19, hay dành riêng 1 điểm ở của bệnh nhân tâm thần để làm khu cách ly, song đây chỉ là phương án tạm thời, bất đắc dĩ.

Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện

Nhờ từng bước được cải tạo nơi ăn, ở, khu lao động sản xuất, khu học tập, vui chơi giải trí, hội trường... nên ngoài được nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, điều trị bệnh, các bệnh nhân, học viên cai nghiện còn được tham gia học nghề và các hoạt động lao động trị liệu, vui chơi giải trí như đọc sách, tập thể dục, giao lưu văn nghệ..., giúp họ tăng cường sức khỏe, thể lực, lạc quan hơn trong cuộc sống.

Anh Phan Cảnh Đ., ở xã Quảng An, Quảng Điền vào điều trị bệnh lý về tâm thần tại Trung tâm BTXH 8 năm. Sau thời gian điều trị, bệnh tình ổn định, anh Đ. được phân công tham gia tổ tự quản. Mặc dù được cho tái hòa nhập cộng đồng, nhưng anh Đ. vẫn muốn ở lại trung tâm vì về nhà không còn ai, buồn và dễ phát bệnh trở lại khi không được chăm sóc và uống thuốc theo đúng phát đồ.

Chị Hà Thị Hồng Phương, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Giáo dục - Dạy nghề, Trung tâm BTXH tỉnh chia sẻ, mừng là cách đây ít hôm, 515 bệnh nhân, học viên cai nghiện tại trung tâm được tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa COVID-19 nên mọi người cũng tạm yên tâm.

Chị Hồng Phương cho biết thêm, để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19, ngoài thực phẩm cần mua bên ngoài được đưa đến ngang cổng và có người, xe ra vận chuyển vào, trung tâm còn dự trữ nguồn lương thực thực phẩm đảm bảo phục vụ trong vòng 3-4 tháng và có nguồn rau sạch, thịt heo, gà, vịt, bò từ hoạt động lao động chăn nuôi, tăng gia sản xuất, dạy nghề ở trung tâm, giúp đơn vị "tự cung tự cấp", chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ hằng ngày.

Là 1 trong 3 cơ sở bảo trợ tập trung của tỉnh, Trung tâm BTXH tỉnh có số đối tượng đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng cao gấp hơn 5 lần tổng số đối tượng ở 2 đơn vị: Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công. Nên trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trên địa bàn tăng mạnh, công tác quản lý, theo dõi mọi hoạt động, sức khỏe của cán bộ, nhân viên và người được chăm sóc, nuôi dưỡng càng hết sức chú trọng.

Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đang tăng cao, Sở LĐTB&XH chỉ đạo các cơ sở bảo trợ tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, quản lý chặt thăm nuôi các đối tượng, tạm dừng các hoạt động vui chơi, thăm viếng, có phương án chuẩn bị lực lượng trực ban nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giám sát phát thải cơ sở sản xuất giấy Thủy Bằng

Cơ sở sản xuất giấy (CSSXG) ở tổ dân phố Cư Chánh 2 (phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa) nằm ở thượng nguồn sông Hương, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Người dân kiến nghị chính quyền địa phương giám sát quá trình phát thải của cơ sở này, đồng thời có kế hoạch di dời khỏi khu dân cư.

Giám sát phát thải cơ sở sản xuất giấy Thủy Bằng

TIN MỚI

Return to top