ClockThứ Sáu, 06/12/2019 22:07

Nợ bảo hiểm xã hội, khó cũng kiên quyết đòi

TTH - Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đủ mọi kiểu cách là chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi". BHXH Thừa Thiên Huế đã và đang kiên quyết với vấn nạn này, trong đó có việc công khai doanh nghiệp nợ lên cơ quan truyền thông địa phương.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện qua fanpageĐổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hộiĐưa chính sách bảo hiểm y tế tới người dân

Đảm bảo các chế độ BHXH, người lao động yên tâm làm việc (ảnh minh họa)

Nợ trên 100 tháng!

Tính đến tháng 11/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT và BHTN trên địa bàn tỉnh là 162.292 triệu đồng, chiếm tỷ lệ nợ là 5,39% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam giao trong năm 2019. Trong tháng 10/2019, chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ BHXH giao của tháng là 3,39%. Tổng tiền nợ của các đơn vị cùng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tháng tuy đã giảm so với tháng trước 3.254 triệu đồng và so với cùng kỳ năm trước 5.275 triệu đồng nhưng vẫn còn ở mức cao: 151.621 triệu đồng (trong đó, nợ lãi là 30.932 triệu đồng).

Đến ngày 31/10/2019, địa bàn do BHXH thành phố Huế quản lý có 112 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN. Ở các huyện, thị còn lại, tình hình cũng khá căng thẳng, BHXH Hương Thủy quản lý có 3, Hương Trà có 11 , Quảng Điền có 1, Phong Điền có 1, Quảng Điền có 1, Phú Vang có 5, Phú Lộc có 2 và A Lưới có 2 đơn vị.

Số tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN chủ yếu ở vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Cá biệt có trường hợp, như Công ty cổ phần May xuất khẩu Đại Việt nợ trên 4,5 tỷ đồng, Công ty TNHH SP Bio Energy trên 4,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế và Công ty Đầu tư xây dựng giao thông – thủy lợi Thừa Thiên Huế hơn 3,8 tỷ đồng mỗi đơn vị. Một số đơn vị chỉ nợ vài tháng nhưng cá biệt có trường nợ đến 100 tháng BHXH, BHYT và BHTN, như Công ty TNHH Việt Đức hay Doanh nghiệp tư nhân đá Granite Bảo Nhân.

Đủ mọi lý do

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT và BHTN; trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động và giải thể.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khách; ý thức về thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp chưa được chú trọng, còn tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận, chủ động trốn đóng BHXH, đóng không đúng mức quy định, cũng như sự hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế, chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thực tế ở Thừa Thiên Huế còn cho thấy, nguyên nhân dẫn đến nợ còn do nhận thức của người lao động và sử dụng lao động hạn chế về BHXH, BHYT và  BHTN. Trong khi đó, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc, như việc khởi kiện ra tòa án chỉ được khi đơn ủy quyền của người lao động. Mặt khác, công tác phát triển đối tượng đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (chỉ có 2 - 3 lao động) chưa thực hiện ký hợp đồng với người lao động theo Luật Lao động, một số doanh nghiệp không tồn tại theo đại chỉ đang ký với cơ quan thuế.

Do có đủ mọi kiểu nợ đóng BHXH, BHYT và BHTN nên việc truy tìm nguyên nhân xác thực và kiên quyết xử lý là vấn đề đặt ra đối với cơ quan BHXH.

Công khai đơn vị nợ

Cùng với việc gửi trực tiếp các văn bản đôn đốc thu nợ, BHXH Thừa Thiên Huế tăng cường lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra các đơn vị, DN sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động. Đồng thời, phân tích các loại nợ BHXH gửi các ngành phối hợp thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, thu đòi các khoản nợ đọng. Quá trình thanh, kiểm tra nếu phát hiện các đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH của người lao động sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật và chuyển hồ sơ các đơn vị này cho cơ quan công an để xử lý hình sự.

9 tháng đầu năm 2019, qua thanh tra và kiểm tra đã truy thu, truy hoàn tổng số tiền BHXH, BHYT và BHTN (chưa gồm lãi truy thu) hơn 1,78 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10/2019, ngành BHXH đã tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch tại  5 đơn vị sử dụng lao động và phối hợp với cơ quan công an thanh tra đột xuất ở 10 đơn vị sử dụng lao động khác. Kết quả, đã chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 2 đơn vị là Công ty THHH Hồng Quang và Công ty TNHH DVTM Điền Lộc; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hoàng Phong.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ Luật Hình sự có tác động rất lớn trong việc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH. Cụ thể, nghị quyết tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, buộc chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Trong bối cảnh đó, việc BHXH Thừa Thiên Huế cho công khai danh tính doanh nghiệp nợ đóng BHXH trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh trong thời gian qua mang tính cảnh báo đối với các doanh nghiêp nợ BHXH, BHYT và BHTN. Nợ BHXH, BHYT và BHTN là vi phạm luật pháp.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top