ClockThứ Sáu, 30/11/2018 08:06

Người khuyết tật khó tìm việc

TTH - Đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) là phương thức giúp họ chứng tỏ năng lực và có thu nhập ổn định để hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho NKT vẫn còn ít.

Trao quà và xe lăn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tậtNgười khuyết tật hưởng chế độ trợ cấp đúng đối tượng, đúng chính sách

Anh Trần Hoàn Thiện do khó giao tiếp nên xin việc làm tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho Người tàn tật, có mức thu nhập tương đối

Vẫn khó tìm việc

Thừa Thiên Huế có trên 29.000 NKT, trong đó, có khoảng 30% trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia học nghề và làm việc. Tuy vậy, chỉ có khoảng 50% số NKT trong độ tuổi lao động có việc làm và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc công việc tạm thời, thiếu tính ổn định.

Anh Nguyễn Đình Thanh (38 tuổi) bị khuyết tật tay trái bẩm sinh. Sau 7 năm học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, anh được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần may xuất khẩu Ngọc Châu (huyện Phú Lộc). Sau hơn 3 năm làm việc, anh đang giữ vị trí tổ trưởng tổ may của công ty. Anh tâm sự: “Thu nhập của tôi ổn định với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Gia đình tôi tằn tiện cũng đủ trang trải cuộc sống và chăm sóc, nuôi dưỡng con cái”.

Anh Thanh chỉ là một trong số ít NKT được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Còn rất nhiều NKT gặp khó khăn khi tìm việc, bởi doanh nghiêp lo NKT không đáp ứng được nhu cầu công việc khi phải làm theo dây chuyền. Hơn nữa, NKT tật gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận được trang thiết bị ở nơi làm việc hay nhiều nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật phù hợp với NKT. Ngoài ra, mặt bằng trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của NKT còn hạn chế, vẫn còn nhưng rào cản từ xã hội do thái độ phân biệt đối với NKT. Sức khỏe hạn chế cũng là yếu tố khiến NKT mất đi cơ hội tìm việc làm dù được đào tạo nghề bài bản.

Giải quyết việc làm tại chỗ

Mắc chứng câm điếc bẩm sinh, Trần Hoàn Thiện (23 tuổi) có dáng vẻ trầm lặng. Em sinh ra ở huyện miền cao A Lưới, gia cảnh khó khăn. Để không là gánh nặng của gia đình, em về thành phố đăng ký học lớp may công nghiệp. Học xong, em ở lại xưởng may của Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật và trẻ mồ côi được hơn 4 năm. Đường kim, mũi chỉ của em khá sắc sảo lại may nhanh nên có tháng em có mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Do khó giao tiếp nên em xin làm việc tại trung tâm, có một mức thu nhập tương đối giúp em ổn định cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên, giáo viên dạy may tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật, chia sẻ: “NKT được xem là đối tượng đặc thù. Họ có thể bị khiếm khuyết ở những chức năng khác nhau nên dạy nghề cho NKT không thể áp dụng phương thức dạy nghề thông thường mà đòi hỏi phải có những phương pháp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng”.

Tại lớp sửa chữa xe máy, học viên được đào tạo từ 6 – 9 tháng là đã “thạo nghề”. Những người có điều kiện sẽ mở tiệm sửa chữa xe máy, số khác làm công tại các tiệm sửa chữa xe trong thành phố. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, giáo viên dạy sửa chữa xe máy tại trung tâm, các học viên làm việc tại Huế lương tháng 1 – 1,5 triệu đồng, có những trường hợp có mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, rất nhiều học viên ra Hà Nội làm việc với mức lương lên đến 10 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật cho biết, để tạo điều kiện cho học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đồng thời nâng cao tay nghề, trung tâm đã tổ chức mô hình tạo việc làm tại trung tâm cho 3 ngành nghề: May, mộc mỹ nghệ - chạm trổ và thêu truyền thống. Mức thu nhập bình quân từ 1 – 2 triệu đồng/em/tháng. Quan trọng hơn, giúp các em tự tin và vững tay nghề khi làm việc trong các doanh nghiệp. Sau khi kết thúc khóa học, trung tâm đã liên hệ với các đơn vị có nhu cầu tuyển lao động ở các ngành nghề trên để tìm việc làm cho các em. 

Để thường xuyên có đơn đặt hàng giúp người khuyết tật có việc là, ổn định, trung tâm chủ động tìm kiếm, tranh thủ liên hệ với các doanh nghiệp. Mô hình tạo việc làm còn đóng góp một phần để giải quyết nguồn kinh phí hoạt động hỗ trợ về đời sống, sinh hoạt của học viên đang còn học nghề tại trung tâm.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

Ngày 20/12, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức ngày hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) với chủ đề "Cơ hội không của riêng ai". Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 - Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" trong chiến tranh do USAID tài trợ.

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

TIN MỚI

Return to top