ClockChủ Nhật, 01/12/2019 07:45

Gió vẫn thổi & đò cứ trôi

TTH - Một thời, khi nhắc đến phá Tam Giang là nghĩ ngay đến nỗi ám ảnh. Nhưng nay, “Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” đã là quá khứ. Nơi khởi nguồn con phá đã có những mảng màu tốt tươi, người dân dần đánh thức vẻ đẹp tiềm năng tiềm ẩn hàng trăm năm qua.

Những cây cầu vượt đầm, băng pháSớm mai trên phá Tam GiangNhững trang viết bên phá Tam Giang

Về nhà sau đêm dài lênh đênh trên phá Ảnh: HOÀNG HẢI

Nơi khởi nguồn không phải là một kho tàng tài nguyên giàu có như ở phía đầm Cầu Hai. Thế nhưng ở đó, các làng chài nép mình bên con nước không chỉ lưu dấu trầm tích một thời mà còn có những con người hàng ngày “vật lộn”, gắn chặt đời mình với đuôi cá, tôm.

1. Hành trình bắt đầu từ lâu, hẳn nhiên chưa dừng lại. Đến bây giờ, dẫu cuộc sống có nhiều đổi khác nhưng khi gặp lại, ông Nguyễn Văn Nhất (thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt xưa cũ. Đò rời bến, ông khua mái chèo, đưa tôi lững lờ trôi. Ông bảo, đời người bên phá, nhắm mắt lại, mở mắt ra đều nhìn thấy con nước. Hơn 60 năm gắn bó với đầm phá, con cá, con tôm vẫn được ông trân quý bởi đã nuôi người làng qua dặm dài, thế kỷ.

Khó có thể tả hết cảm xúc của ông mỗi lần buông lưới, đổ lừ hay gõ tách tách vào mạn đò dụ cá. “Đời sóng nước, rời bến nghĩa là rong chơi cùng con nước. Dù cơ cực, được hay mất mùa thì tay vẫn chèo, mắt vẫn phải nhìn hướng”, ông nói. Hành nghề trên phá, từng con cá, đuôi tôm tên gì, sống ở vùng nước nào ông am tường trong lòng bàn tay. Nếu đầm Cầu Hai là nơi dung dưỡng cho nhiều loại đặc sản giá trị cao thì thủy sản vùng nước phía Bắc chỉ giản đơn, chân chất như con người làng Ngư Mỹ Thạnh, Thủy Nịu, trằm Nầy, trằm Dét…

Trong câu chuyện, ông Nhất dừng rất lâu ở chợ nổi của dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh. Đò là nhà, chợ là bến, từ đó cưu mang dân làng, đưa trẻ vào bờ tới trường, đến lớp. Mặt trời tỏ, nghĩa vòng tròn buôn thúng, bán bưng khép lại, mở ra ngày mới với nhiều hy vọng. “Người ta nói nhiều đến chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh như là nét văn hóa tồn tại ngàn đời. Nhưng để giữ được nó là cả một hành trình, ở đó không có cảnh chèo kéo, than thở hay mặc cả”, ông Nhất chia sẻ.

Ngư dân thôn 9, xã Điền Hòa sau chuyến đánh bắt hến tiền. Ảnh: QUỲNH VIÊN

Ý ông Nhất tôi hiểu, bởi qua thời gian, dẫu cuộc mưu sinh có khó khăn đến nhường nào thì những thế hệ con dân làng chài này quyết không bỏ xứ mà đi, họ bám víu con nước như là định mệnh. Đời sóng nước lúc thăng lúc trầm. “Làm giàu thì khó những để có cái ăn chỉ cần siêng năng. Có nhiều đêm sau trộ nò chỉ là mớ cá vụn, nhưng dân không vì rứa mà buồn. Chợ nổi vẫn xôm tụ, bến đò nhộn nhịp tiếng cười nói”, ông Nhất chia sẻ.

Từ phía Quảng Thái và Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), ngó sang bên kia phá là dải đất Ngũ Điền (huyện Phong Điền) đầy nắng gió. Nhắc đến vùng đất ven phá này, một thời ám ảnh về sự nghèo đói, cơ cực. Từ Thanh Hương, Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí Tây và Thế Chí Đông, những bến đò xuyên phá đã trở thành huyền thoại giờ chỉ còn những dấu tích. Thuở trước, chuyến đò dọc cũ kỹ vận chuyển người lẫn hàng hóa xuyên phá đến thành phố - vùng đất mơ ước. Những cứ liệu lịch sử chỉ rằng, mạng lưới đường thủy phá Tam Giang giúp đò dân được chèo chống đến tận vùng Quảng Trị để giao thương.

Khách du lịch tham quan rừng ngập mặn ở đầm phá xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). Ảnh: QUỲNH VIÊN

Đò dọc không còn nhưng bến cũ vẫn còn nguyên. Dẫu không sầm uất nhưng từ dấu tích một thuở đã hình thành nên cộng đồng không phải nơi nào cũng có. Ở bến đò chợ Biện (xã Điền Hòa) mỗi sáng tinh sương, ngư dân vẫn kháo nhau về loại hến tiền đặc sản to hơn ngón tay cái một chút; chợ đò Điền Hải vẫn được biết đến như thương cảng một thời; chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc) được xem như trung tâm thương mại của vùng Ngũ Điền; ngã ba Thanh Hương (xã Điền Hương) đông vui mỗi lần vào hội hay làng kim hoàn Kế Môn (xã Điền Môn) nép mình bên phá đi vào sử sách.

Từ dòng Ô Lâu xanh màu ngọc bích đi dọc theo chiều dài đầm phá, vẽ nên vòng cung tuyệt đẹp, lướt qua những ngôi làng, trầm tích văn hóa. Đẹp và yên bình. “Nhờ con cá, con tôm đầm phá mà tui nuôi cả đàn con khôn lớn. Những đứa theo con đường học hành thì chúng không còn ở quê. Còn lại vẫn mưu sinh trên phá. Không như lúc trước, thời nay khai thác thủy sản đầm phá đã bài bản hơn nên tôm cá được tái sinh. Ngoài đánh bắt còn có nuôi trồng. 2 đứa con trai tui có thu nhập cũng nhờ mấy lồng cá trên đầm phá”, bà Nguyễn Thị Gái (làng Minh Hương, xã Điền Hải) tâm sự.

2. Ngày nay, nhắc đến hệ sinh thái phá Tam Giang, người ta nói nhiều về du lịch. Nhưng hãy khoan bàn!

Dọc các ngôi làng ven phá, đằng sau cổng làng hoành tráng là những ngôi nhà nằm san sát. Cảnh cả gia đình chen chúc trên chiếc đò nhỏ đã thưa dần theo năm tháng. Ngoài đánh bắt thủy sản, họ còn trồng lúa, hoa màu và phát triển cả các loại hình dịch vụ. Đường sá thông thương, đò dọc lùi vào dĩ vàng. “Vợ ốm, con đau, hay gia đình có việc chỉ cần nhấc điện thoại là có xe về đưa đón. Cá tôm đánh bắt được không mang ra chợ bán thì cũng sẽ có tiểu thương đến tận nhà để mua”, ông Nguyễn Văn Anh (làng Minh Hương, xã Điền Hải) tâm sự.

Phá Tam Giang nổi tiếng với các đặc sản tôm cá. Ảnh: NPN

Cuộc sống thay đổi từ những điều tưởng chừng rất nhỏ. Ít ai nghĩ rằng, gần 2 thập kỷ trước người dân thôn Vận Chuyển (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) được lên bờ, nhưng bây giờ họ thay đổi hẳn tư duy mưu sinh, thay vì đánh bắt tôm cá tự nhiên, bên dòng Ô Lâu họ đầu tư nuôi cá lồng, trồng sen. Hàng trăm lồng cá mọc lên khiến đời sống thay đổi trông thấy. Những lời kỳ thị về dân vùng “nốôc” ngày trước không còn và vị thế con người trong xã hội ngày càng đổi thay. “Trà dư tửu hậu” sau chuyến mưu sinh họ lại bàn đến chuyện… bất động sản. “Đánh bắt trên đầm phá khó hơn trước. Mỗi đêm đánh bắt nhiều lắm được 200 ngàn đồng, nhưng bữa đực bữa cái. Chừ mỗi khi rảnh rỗi tui vẫn giữ nghề đánh bắt, nhưng công việc chính là nuôi cá lồng. 10 lồng cá trắm cỏ của tui mỗi năm cũng mang lại thu nhập kha khá. Ở vùng tái định cư này, dân xây được nhà là nhờ lộc trời ban phát ở phá Tam Giang nhưng có của ăn, của để là biết vận dụng kinh nghiệm sông nước để nuôi cá lồng”, ông Lê Thế Quang (thôn Vận Chuyển, xã Điền Lộc) chia sẻ.

Phá Tam Giang giới hạn phía Bắc là cửa sông Ô Lâu, phía Nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Để mô tả cư dân ven phá, chỉ nói ngắn gọn thế này: Da ngăm đen, rắn rỏi, giỏi bơi lặn, đánh bắt thủy sản. Ấy nhưng, đằng sau vẻ ngoài mộc mạc, suốt đời lênh đênh sông nước, bây giờ họ chuyển hướng sang làm nghề dịch vụ du lịch. “Mấy năm ni được Nhà nước quan tâm du lịch ở Quảng Lợi rất phát triển. Nhưng nếu không có sự góp sức tụi tui sẽ không thành công”, ông Nhất quả quyết.

Lời khẳng định của ông Nhất không sai, tại một diễn đàn trao đổi về việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp liên quan đến du lịch ẩm thực và thủ công mỹ nghệ mới đây, ông Nguyễn Đăng Tiến Founder & CEO (người sáng lập và là giám đốc) của LBD nhắc đến một chi tiết rất nhỏ về thủy sản phá Tam Giang. Ông Tiến bảo rằng, tại sao khi thưởng thức cá kình, cá dìa đầm phá lại ăn luôn cả ruột? Vì sao phải là ăn loại cá đánh bắt vào buổi sáng mới ngon?... Những điều ấy chỉ có cư dân đầm phá mới thực sự tinh tường. Vị CEO này đặt ra một ý tưởng kết nối về du lịch ẩm thực và thủ công mỹ nghệ ngay trên phá Tam Giang. Ở đó có mặt nước tuyệt đẹp, yên bình; thức ăn đầm phá được liệt vào dạng đặc sản và cả làng nghề thủ công mỹ nghệ nức tiếng.

Diện mạo nơi vùng khởi nguồn phá Tam Giang đang mang một hình hài khác. Cư dân không còn cô độc, lẻ loi sau những đêm mưu sinh. Những tour du lịch trên phá của các đơn vị lữ hành hay một số điểm du lịch cộng đồng ở Quảng Lợi như là điểm nhấn, hứa hẹn lan tỏa dù trên đầm phá lúc nào thì gió vẫn thổi và đò vẫn mãi cứ trôi.

QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Đồi Thịt Băm, từ thẳm sâu ký ức

Đồi A Biah/đồi Thịt Băm (Hamburger hill) hay cao điểm 937 là một trong hai điểm đến lịch sử của vùng cao A Lưới. Càng đi vào sâu, đường càng hẹp, hoang vu. Ấy vậy mà địa danh này vẫn có sức hút kỳ lạ với du khách, nhất là các cựu chiến binh trong và ngoài nước. Nhiều vị khách lớn tuổi phải chặt cây làm gậy chống, chinh phục hơn 850 bậc cấp dài 1,5km tiến lên cao điểm.

Đồi Thịt Băm, từ thẳm sâu ký ức
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

TIN MỚI

Return to top