ClockThứ Năm, 25/04/2019 13:45

Dân hiểu, dân đồng thuận

TTH - Trên 95% tuyến đường giao thông của phường Thủy Xuân, TP. Huế đã được bê tông hóa; đường làng, ngõ xóm mở rộng từ 3 đến 5m, đường liên tổ 6 đến 7m. Thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường và các đoàn thể trong công tác vận động Nhân dân.

Cần mẫn làm dân vậnĐấu tranh đến cùng với cái xấuLương y Lê Hữu Mạch và tiệm thuốc Đồng Cát

Đường Vũ Ngọc Phan sau khi được mở rộng

10 năm trước, tuyến đường Vũ Ngọc Phan (tổ dân phố 9, phường Thủy Xuân) chỉ là con đường liên thôn Thượng 3 - Hạ 2 - Hạ 1 rộng chừng 3m. Năm 2009, nhờ chủ trương “Nhà nước đầu tư kinh phí thực hiện, Nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường không nhận đền bù”, tuyến đường này đã “lột xác” với bề ngang 7m, toàn bộ được bê tông hóa. Trong đó, diện tích đất Nhân dân tự nguyện đóng góp không nhận đền bù hơn 6.000 m2.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Trương Văn Dũng, người từng hiến 215m2 đất mở rộng đường. Bên rừng tràm gió của gia đình, ông Dũng kể, trước đây diện tích rừng rộng hơn. Chặt nhiều cây để hiến đất mở rộng đường khiến bản thân ông băn khoăn rất nhiều, nhưng vì cái chung nên ông đã đồng ý. Nhiều gia đình xung quanh cũng rất đắn đo khi hiến đất vì giá trị không hề nhỏ. Nhưng nhờ chính quyền và các đoàn thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động nên mọi người mới dần nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, sẵn sàng hiến đất vì lợi ích của cả cộng đồng. “Rất may nhờ mở đường mà giá đất khu này ngày một tăng, bà con ai nấy đều phấn khởi”, ông Dũng cười tươi.

Gần đó, tập thể dòng họ Trương cũng từng tự nguyện hiến hơn 170m2 đất tại khu vực nhà thờ họ. Anh Trương Văn Lành, người trông coi nhà thờ họ cho biết, việc vận động mọi người cùng chấp thuận không mấy dễ dàng vì “9 người 10 ý”. Nhờ cán bộ địa phương tiếp xúc với các thành viên để vận động nên việc mới thành.

Ông Đỗ Văn Niệm, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Thủy Xuân cho biết, thời điểm đó Thủy Xuân được chọn làm điểm trong công tác vận động người dân hiến đất mở đường. Đa phần bà con đều đồng thuận khi nhận thấy đây là lợi ích của cả cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là các phần đất chung của dòng tộc với nhiều chủ sở hữu, cần nhiều thời gian để tìm tiếng nói chung.

Theo ông Niệm, quan trọng nhất là ý thức tự nguyện của người dân. Trong đó, Mặt trận và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc mở đường; đồng thời, các đảng viên gương mẫu đi đầu để tạo tiền đề.

Không chỉ riêng đường Vũ Ngọc Phan, việc hiến đất mở đường tại Thủy Xuân còn lan tỏa đến nhiều đường làng, ngõ xóm, tạo thành phong trào sâu rộng, được Nhân dân ủng hộ, chung sức tham gia. Nhờ đó, hệ thống giao thông tại địa phương ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ trong việc nâng cấp từ xã lên phường.

Ông Huỳnh Tấn Tuấn (tổ dân phố 17) kể: Đoạn đường Quảng Tế - Từ Hiếu được mở rộng từ năm 2017. Khi chính quyền về vận động hiến đất mở đường, người dân đều phấn khởi. Biết là “tấc đất tấc vàng” nhưng vì cái chung nên mọi người vẫn tình nguyện hiến đất mở đường. Đó cũng là cho con cháu mình sau này chứ mất đi đâu. Một số gia đình ban đầu chưa chấp nhận, nhưng thấy nhiều người ủng hộ nên cũng "xuôi theo". Ông cùng một số hộ xung quanh còn tích cực vận động, dùng mối quan hệ bà con lối xóm để thuyết phục. Nhờ đi đầu làm gương nên cũng dễ ăn nói với mọi người hơn.

Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Thủy Xuân cho biết, từ năm 2009 đến 2018, phong trào vận động Nhân dân hiến đất mở đường đã được triển khai thực hiện tại 25 đường kiệt, đường liên tổ như: Kiệt 65, 69 Lê Ngô Cát, kiệt 79 Minh Mạng, đường Quảng Tế - Từ Hiếu… Tổng cộng có hơn 7.000m2 đất đã được hiến; trong đó có 12 hộ hiến đất từ 100 đến hơn 200m2, 24 hộ hiến từ 50 đến 100m2...

Theo ông Lân, để làm tốt công tác vận động người dân hiến đất mở đường, trước hết cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Trong đó, Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể từ phường đến các tổ dân phố đóng vai trò nòng cốt.

Đối với những trường hợp khi mở rộng đường có liên quan đến cất bốc mồ mả, di dời tường rào đều có sự hỗ trợ phù hợp của chính quyền các cấp. Từ đó, Nhân dân càng tin tưởng hơn vào các phong trào “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

“Quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn do một vài hộ dân vẫn còn băn khoăn, thờ ơ với cuộc vận động. Tuy nhiên, nhờ chủ trương hợp lòng dân; phương pháp vận động kiên trì và triển khai thực hiện khoa học, công khai, minh bạch, dân chủ và rõ ràng nên người dân đồng thuận cao, đạt được kết quả tốt”, ông Lân chia sẻ.

Ông Hoàng Viết Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế đánh giá: Ủy ban MTTQVN phường Thủy Xuân là một trong những đơn vị làm tốt công tác vận động người dân hiến đất mở đường. Nhiều đoạn đường được mở rộng đã tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, sinh hoạt. Tuy nhiên, cần phải làm tốt công tác quản lý quỹ đất đã vận động được và cắm mốc lộ giới nhằm tránh tình trạng lấn chiếm xây dựng trở lại.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Bám cơ sở thực hiện “Dân vận khéo”

Phong trào “Dân vận khéo” được các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh cụ thể hóa bằng các mô hình thiết thực, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao.

Bám cơ sở thực hiện “Dân vận khéo”
Dân vận trong hành trình đi tìm liệt sĩ tại Lào

Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa giúp đỡ người dân bản địa, Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 đã góp phần thắt chặt thêm tình cảm gắn bó, đoàn kết với Nhân dân các bộ tộc Lào trong hành trình tìm kiếm, cất bốc, quy tập các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh.

Dân vận trong hành trình đi tìm liệt sĩ tại Lào

TIN MỚI

Return to top