ClockThứ Năm, 27/02/2020 10:27

“Chiến sĩ” áo trắng nơi tuyến đầu biên giới

TTH - Kiểm dịch y tế quốc tế có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện kiểm soát dịch bệnh ngay tại khu vực cửa khẩu, biên giới; đồng thời, ngăn chặn dịch bệnh tràn vào nội địa Việt Nam. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu công việc của kiểm dịch y tế quốc tế là gì và họ phải đối diện với những nguy hiểm như thế nào…

Những “chiến sĩ” áo trắng thầm lặng

Kiểm tra y tế cho thuyền viên trên tàu biển

Khi được hỏi về những vất vả của kiểm dịch y tế quốc tế, thay câu trả lời, BS.CKII. Trần Đạo Phong (Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế) cho chúng tôi xem một đoạn clip “người thật việc thật”. Đoạn clip dài gần ba phút, do một người đứng từ dưới một chiếc cano nhỏ xíu, tròng trành không yên theo nếp sóng quay ngược lên thành tàu cao vút. Trên thành tàu cao độ 30m so với mặt nước biển, có hai con người mặc đồ bảo hộ y tế đang cheo leo di chuyển một cách cẩn trọng, từng bước một theo chiếc thang dây để trở lại ca nô, sau khi làm xong nhiệm vụ kiểm dịch y tế trên tàu. Tiếng sóng đánh thành tàu, tiếng gió rít vù vù át cả tiếng “hướng dẫn viên” bên dưới: “Bám sát dây anh ơi! Sát vô”… Bấy nhiêu cũng đủ để nhận ra rằng, kiểm dịch y tế quốc tế là công việc không dành cho kẻ chân yếu tay mềm và cả tâm, chí không vững.  

Không phải lần kiểm dịch tàu biển nào kiểm dịch viên cũng phải cheo leo leo tàu như hình ảnh trong clip. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bất cứ tàu nào có quá cảnh Trung Quốc hoặc có thuyền viên người Trung Quốc thì bắt buộc tàu phải đậu ở phao số 0 ngoài hải phận quốc tế để kiểm dịch y tế. Không còn cách nào khác, kiểm dịch viên buộc phải leo lên tàu thì mới có bằng chứng y tế cho việc cho cập cảng hay cách ly. Khi sự an toàn về mặt y tế được đảm bảo, hoa tiêu mới lên tàu và dẫn tàu về cảng. “Việc leo lên tàu là nguy hiểm lớn nhất của anh em làm kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng biển, vì không có nghiệp vụ hàng hải. Xem clip để hiểu được nỗi vất vả của anh em, còn nói thì không hết được. Bản thân tôi cũng đã từng hai lần leo tàu mà gần rớt xuống biển. Nhưng không còn cách nào khác”, ThS. BS. Trần Đạo Phong nói.

Theo quy định, để tiến hành kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý dịch bệnh tại các cửa khẩu, kiểm dịch viên y tế phải kiểm tra y tế đối với tất cả các đối tượng phải kiểm dịch nhập, xuất, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới; xử lý y tế đối với các đối tượng phải kiểm dịch đến từ vùng có dịch hoặc nghi ngờ có dịch; lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm đối với đối tượng nghi nhiễm các bệnh thuộc diện kiểm dịch y tế quốc tế…

BS. Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giới thiệu thêm: “Bất kể ai nhập cảnh Việt Nam đều phải qua kiểm dịch y tế. Bình thường chỉ làm tờ khai sức khỏe để phát hiện những trường hợp thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nhưng trong tình hình dịch bệnh do COVID-19 như hiện nay, việc kiểm dịch yêu cầu phải đo thân nhiệt, làm tờ khai, ghi rõ lịch trình đã qua để nắm rõ yếu tố dịch tễ. Qua đó, kịp thời đề ra những biện pháp ngăn chặn, như đề xuất cách ly tại chỗ hoặc cho nhập vào cách ly điều trị… Mục đích là phát hiện yếu tố liên quan đến dịch bệnh để có biện pháp kịp thời khuyến cáo cho các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện”.

Nhân viên kiểm dịch y tế trên tàu biển

Ngày không có dịch, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế có 5 người thực hiện nhiệm vụ. Mùa dịch COVID-19, Khoa được tăng cường thêm 6 người để hỗ trợ. Các hoạt động kiểm dịch được tập trung thực hiện ở Cảng Chân Mây và hai cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt. Sân bay Quốc tế Phú Bài, do chưa đón trực tiếp chuyến bay quốc tế nên việc kiểm dịch chỉ được tăng cường thực hiện trong mùa có dịch bệnh phức tạp.

Lực lượng mỏng nên lượng công việc vốn đã nhiều, mùa dịch càng nhiều và áp lực hơn. Khó khăn ở chỗ, không phải cán bộ nào cũng có thể được điều động tăng cường cho công việc kiểm dịch y tế quốc tế. Thực hiện nhiệm vụ đặc thù này, yêu cầu kiểm dịch viên phải có chứng chỉ kiểm dịch thì mới đảm bảo đủ tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ.

Trở lại câu chuyện về sự vất vả, nguy hiểm của đội ngũ kiểm dịch y tế quốc tế, BS. Hoàng Văn Đức nói thêm: Ngoài sự nguy hiểm khi phải đối diện nguy cơ nhiễm bệnh vì luôn thực hiện nhiệm vụ ở khoảng cách mặt đối mặt, lại trong điều kiện bảo hộ tương đối, anh em còn không có nghiệp vụ hàng hải. Để đảm bảo an toàn, trung tâm đã trang bị thêm áo phao cho kiểm dịch viên, phòng trường hợp bất trắc giữa biển.

Đến 27/2, thời điểm tàu du lịch Diamond Princess cập Cảng Chân Mây đã tròn một tháng, nỗi lo trong những người trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm dịch trên tàu như BS. Đức, BS. Phong đã nhẹ hơn rất nhiều. “Khi bên Nhật phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, bên mình cũng đã gần qua thời gian 14 ngày. Kiểm tra danh sách, thấy ca bệnh đầu tiên ở Nhật cũng không nằm trong nhóm du khách cập cảng nên anh em cũng yên tâm phần nào. Tuy vậy, ai cũng có chút lo lắng nên bản thân mỗi người đã trực tiếp làm nhiệm vụ đều tự giữ khoảng cách với anh em, người thân một chút. Thời điểm này đã có thể nói chúng ta thật sự may mắn. Bởi lẽ, trong thời gian ủ bệnh, du khách chưa có biểu hiện bệnh thì không có cách nào khác để xác định trường hợp nghi nhiễm. COVID-19 lây lan trong thời điểm ủ bệnh là tình huống bất khả kháng với lực lượng kiểm dịch”, BS. Đức chia sẻ.

Khuya lạnh bắt đầu chuyển ngày, chúng tôi lại nhận được những hình ảnh tác nghiệp trong đêm của BS. Trần Đạo Phong, kèm lời nhắn: “Tàu ORIENTAL BREEZE từ Nhật Bản nhập cảnh vào Cảng Chân Mây lúc 22h30 ngày 23/2/2020. Tàu gồm 21 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc. Kiểm dịch viên lên tàu triển khai tờ khai y tế, đo nhiệt độ bằng nhiệt kế đo trán. Tất cả 21 thuyền viên đều không sốt, không có triệu chứng hô hấp, sức khoẻ bình thường và được phép làm hàng tại cảng, nhưng không được rời tàu xuống bờ”. Cảm xúc rưng rưng trước hình ảnh của những kiểm dịch viên trắng xóa trong bộ đồ bảo hộ. Họ - những chiến sĩ áo trắng thầm lặng xung kích ở các tuyến đầu biên giới, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

TIN MỚI

Return to top