ClockChủ Nhật, 18/02/2018 08:09

Bia ghi công hai chú chó của cụ Phan

TTH - Sinh thời, cụ Phan từng cho dựng bia mộ, ghi công trạng hai chú chó có tên là Vá và Ky. Qua thời gian, hiện 6 tấm bia hi hữu ấy vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong khuôn viên Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự (TP.Huế).

“Thiên cẩu” giữ làngNgười họ Viên tri ân loài chó

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế giới thiệu ý nghĩa các tấm bia mộ chó tại Nhà lưu niệm Phan Bội Châu được cụ Phan cho dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.     

Theo tài liệu do GS. Chương Thâu thu thập (trong Phan Bội Châu Toàn tập), một trong 6 tấm bia ấy được cụ Phan dựng vào khoảng năm 1934, sau cái chết do bệnh của con Vá. Tấm bia cao ước một thước ta, lòng bia khắc năm chữ “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” bằng chữ Hán và có thêm chữ “con Vá” bằng tiếng Việt dưới chữ cẩu

Cụ Phan từng có một bài viết khá dài kể chuyện “Lịch sử con Vá” đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14, phát hành ngày 15/4/1936. Qua bài viết, Phan Bội Châu kể nhiều chuyện về Vá, từ việc nó chết ra sao, cụ dựng bia mộ cho nó thế nào. Bài báo còn kể những câu chuyện thú vị ca ngợi đức “dũng” và “nghĩa” của Vá những năm kề cận bảo vệ cụ trước sự rình rập của kẻ gian, người ác trong thời gian chủ nhân bị quản thúc ở Huế.

Hai bia mộ cụ Phan dựng cho hai con chó trung thành là Vá và Ky, ca ngợi đức tính dũng, nghĩa, nhân, trí của chúng

Kể chuyện chó, cụ Phan kết thúc bài viết bằng một nhận xét chua xót: “Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa…”.

Ngoài bia mộ, cụ Phan cho lập hai tấm bia đá ghi công trạng của Vá, một bằng chữ Hán và một khắc bản dịch bằng chữ Quốc ngữ. Với lời lẽ trang trọng, ẩn dụ, bài minh rằng: “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó. Ôi! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó”.

Năm 1937, tức ba năm sau sự ra đi của Vá, con chó Ky cũng bỏ cụ mà đi. Cụ Phan lại dựng bia mộ cho Ky. Tấm bia đá lòng khắc mấy chữ: “Nhân trí cẩu (con Ky) chi trủng”. Dù không có vinh hạnh lên báo như Vá nhưng hai tấm bia ghi công trạng của Ky cũng được cụ Phan khắc tạc một bài minh lời lẽ thống thiết ca ngợi chó để so với loại mặt người dạ thú. Nội dung bia được cụ Phan dịch sang chữ Quốc ngữ:

“Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con Ky này lại đủ hai đức ấy…

Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thiệt là nhân đó.

Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dận dụ, thiệt là trí đó.

Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết. Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kia những hạng muôn người”.

Phan Bội Châu là chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ 20. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925, cụ Phan bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải do có kẻ trong phong trào Đông Du phản bội. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân cả nước, thực dân Pháp buộc phải ân xá, giam lỏng cụ.

Theo tư liệu tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, để ổn định nơi ăn ở cho cụ Phan khi bị quản thúc ở Huế, từ số tiền do đồng bào ba Kỳ quyên góp, cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Võ Liêm Sơn (giáo viên Trường Quốc Học) đã mua một mảnh vườn trên dốc Bến Ngự, sau đó dựng một ngôi nhà tranh ba gian, được hoàn thành vào khoảng năm 1927, làm nơi ở cho cụ Phan cho đến khi qua đời vào năm 1940.

Trải qua thời gian, sau nhiều lần tu sửa, ngôi nhà tranh ba gian năm xưa trên dốc Bến Ngự được phục dựng nguyên trạng. Cạnh ngôi nhà, ngay phía trước huyệt mộ của cụ Phan là 6 tấm bia mộ chó, những di vật hiếm hoi còn lại gắn với cuộc đời yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu.

Mười lăm năm bị quản thúc, giam lỏng, ngôi nhà tranh ba gian ở dốc Bến Ngự cũng là nơi cụ Phan tổ chức các buổi diễn thuyết, dạy học… để truyền bá tư tưởng yêu nước trong sự dòm ngó, bao vây của mật thám nhằm ngăn cản cụ tiếp xúc với đồng bào.

Trong những năm hẩm hút ấy, cụ Phan càng thấm thía nỗi đau của một người dân nô lệ, tấm lòng yêu nức của đồng bào và thấu rõ bản chất của những kẻ tay sai “mặt người lòng thú” bán nước cầu vinh. Ấy là hạng người mà theo chí sĩ Phan Bội Châu, còn chưa thể sánh được với con Ky và con Vá…

Bài, ảnh: Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bên ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự”

Đi qua cây cầu vắt qua sông An Cựu, lên dốc Bến Ngự đến khu di tích lưu niệm chí sĩ Phan Bội Châu, trong đó có ngôi nhà cũ của cụ Phan Bội Châu - nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người mà dân Huế gọi với cái tên thân thương “Ông già Bến Ngự”.

Bên ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự”
Bệnh dại đe dọa cộng đồng

Trong 3 tháng đầu năm, tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.

Bệnh dại đe dọa cộng đồng
Chủ có thể truyền bệnh COVID-19 cho thú nuôi

Một tác giả người Hà Lan cho biết, một số lượng lớn thú nuôi có thể bị nhiễm COVID-19 từ người, qua đó cảnh báo những gia đình có người bị nhiễm COVID-19 không nên tiếp xúc quá gần đối với vật nuôi để đảm bảo an toàn.

Chủ có thể truyền bệnh COVID-19 cho thú nuôi
Nhức nhối nạn trộm chó

Với nhiều người, chó được xem là vật nuôi thân thiết nên khi chó bị mất thì chủ nhân không chỉ mất ăn, mất ngủ, mà còn rất gian nan trong việc tìm kiếm.

Nhức nhối nạn trộm chó

TIN MỚI

Return to top