ClockThứ Bảy, 17/02/2018 06:26

Người họ Viên tri ân loài chó

TTH - Bao thế hệ họ Viên người dân tộc Tà Ôi vẫn lưu truyền câu chuyện về gốc tích của dòng tộc. Theo truyền thuyết, gốc tích của họ chính là loài chó...

Mất chó thương... mèo

Với ông Mường, chó như một thành viên trong gia đình

Tri ân

Ông Viên Hồ Mường (70 tuổi, xã A Ngo, huyện A Lưới) đưa tôi trở về thuở hồng hoang hình thành cộng đồng dân tộc mình với ánh mắt xa xăm. Lúc ấy, người Tà Ôi sống trên một ngọn đồi, phía Tây dãy Trường Sơn, cạnh một con sông đoạn đi qua nước bạn Lào.

Một ngày nọ, nhóm người Tà Ôi muốn sống cùng nhau trong một căn nhà dài, kiên cố nên băng rừng, vượt suối vén mây, đốn gỗ dựng nhà. Theo tục lệ, nhà chung được dựng trước lúc mặt trời mọc, cúng tế đất trời bằng những mâm lễ vật đặc biệt. Ông Mường kể, khi đó, những cây gỗ to cỡ người ôm không biết vì cớ gì chẳng đỡ được mái nhà tranh tre. Nhà dựng lên lại đổ sập trong tích tắc khiến già làng cùng con dân đau đầu suy nghĩ.  Dân làng bàn bạc dựng nhà lần cuối trước khi buông xuôi. Đến khi sắp hoàn tất, hai chú chó bỗng nhiên sủa vang cả ngọn đồi. “Cho là có dấu hiệu lạ. Chó vừa sủa, vừa nhìn lên hai thanh kèo đỡ phần mái. Không ngờ, nguyên nhân là do sự sơ suất của người dân, không cố định được bộ phận này khiến nhà dựng mãi không thành. Để tri ân chúng, già làng tuyên bố lấy họ Viên”, ông Mường nói.

Già làng Hồ Viên Pưng cùng những kỷ vật mà tổ tiên để lại

Để tăng thêm tính xác thực, tôi mang chuyện hỏi già làng Hồ Viên Pưng (tức Viên Pưng, thôn A Hưa, xã Nhâm, huyện A Lưới), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhâm. Sau tuần trà ấm, già Pưng mang ra chiếc trống cùng chiếc vòng bằng đồng hai trăm năm tuổi được lưu truyền qua nhiều đời rồi kể thêm một “dị bản” tương tự câu chuyện trong “Truyền thuyết các dòng họ dân tộc Tà Ôi” (NXB Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2016). Theo già Pưng, trong truyền thuyết về sự ra đời của họ Viên, chiếc trống là phương tiện đưa tổ tiên vượt qua khó khăn, tìm vùng đất mới để định cư.

Già Pưng thuật lại, từ xa xưa, ở một bản làng nọ, vì dịch bệnh nên chỉ còn một cô gái cùng chú chó. Cô gái cùng chú chó chui vào một chiếc trống lớn trôi trên dòng suối tìm đến vùng đất mới, nơi có ngọn đồi với nhiều chim cu. Sau một thời gian sinh sống, cô gái đem những hạt giống từ miệng chim đi gieo trồng. Không lâu sau, giống đâm chồi thành lúa, thành bắp xanh mướt. Cô quyết định chọn vùng đất mới này làm quê hương của mình và lấy họ là Viên để tri ân loài chó đã giúp đỡ cô khai canh, lập làng.

Đối xử như con người

Ngày nay, người họ Viên dân tộc Tà Ôi kiêng ăn thịt chó. “Chó được đối xử như con người. Nếu ở những nơi khác loài chó thường ăn thức ăn dư thừa của con người thì với người họ Viên, chó như một thành viên trong gia đình, được ăn phần thức ăn riêng. Bởi sự tích từ xa xưa nên người họ Viên không bao giờ ăn thịt chó. Họ xem chó là con vật giúp đỡ cho con người. Sự kiêng kị đó vẫn được duy trì đến ngày nay”, ông Viên Văn Trung (xã A Roàng, huyện A Lưới) cho biết.

Ngày trước, người họ Viên vi phạm những quy định như ăn thịt chó, đánh đập chó sẽ bị phạt rất nặng. Nếu con cái ăn thịt chó, người cha phải tắm cho con họ bằng nước lấy từ đầu nguồn các con suối để gột rửa đi những tội lỗi. Chó không chỉ là người bạn, thành viên trong gia đình mà còn là một “trợ thủ” đắc lực trong lao động sản xuất và đời sống hàng ngày. Mỗi khi “tuần rừng”, người họ Viên luôn mang theo chó để đánh hơi, bảo vệ chủ. Bởi thế, họ rất am tường về chó. Gia đình nào cũng nuôi một con chó trong nhà. Nghe tiếng sủa dồn dập thì sẽ có người lạ vào nhà; đi rừng, chó sủa đứt đoạn thành tiếng báo hiệu chúng gặp những loại thú rừng nguy hiểm...

Lần lại kí ức, ông Viên Hồ Mường, nhớ không ít lần nhờ chó, gia đình ông thoát nạn. “Lúc nhỏ, nhiều lần lên rừng đốn củi, hái quả cùng ba mẹ gặp phải rắn độc cũng như thú dữ. Khi gặp rắn, rết chó phát hiện sủa đứt đoạn thành tiếng rồi chạy đến chúng tôi để ra hiệu. Chó thường rất giỏi việc đánh hơi nên khi dẫn chúng theo sẽ không bị lạc trong rừng. Bây giờ, mỗi lần lên rừng kiếm mật ong hay chặt mây, người họ Viên đều dẫn theo một chú chó” ông Mường bày tỏ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới, gốc tích của những câu chuyện về dòng họ xuất phát từ tín ngưỡng và sự trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của dân tộc Tà Ôi. Những câu chuyện là để đồng bào tự trấn an với muôn ngàn trở lực cuộc sống mà chính họ không thể lường trước được; tạo niềm tin cho cộng đồng. Ngoài ra còn hạn chế việc tác động, khai thác hoặc phá hoại về những sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất mà họ tôn thờ hoặc kiêng kị. Về mặt làng xã, xã hội, sẽ áp dụng chế tài xử phạt những người vi phạm và lên tiếng phản đối, phê bình những hành vi đi ngược với điều được tôn thờ hoặc kiêng kị…

“Ngày nay có khá nhiều dòng họ liên quan đến loài chó. Nhưng nổi bật là họ Vean (Viên). Nét đẹp từ câu chuyện và dòng họ về loài chó là sự tôn trọng, yêu quý mọi tộc người ở mọi thành phần xã hội và hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời đó còn thể hiện sự thương yêu của con người đối với vật nuôi trong gia đình. Cũng có một sự tích khác là người cha chó đã hướng dẫn người Tà Ôi cách đẽo gỗ, dựng nhà. Do vậy, hình tạng người ở các cột nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Tà Ôi đẽo đều có nét ngồi của chó. Cách tạc tượng này cũng là cách thờ cúng của người Tà Ôi”, bà Sửu lý giải.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“David Nộp” chàng trai Tà Ôi viết rap

Từ những clip có nội dung mang tính giải trí, quảng cáo cho sản phẩm để kiếm sống ở phố thị những ngày đầu “bỏ rừng xuống phố”, đến nay cái tên “David Nộp” đã xuất hiện một cách “mặc định” trên không gian mạng, thu hút được sự yêu thích của giới trẻ Cố đô và ngày càng lan tỏa trong giới trẻ cả nước.

“David Nộp” chàng trai Tà Ôi viết rap
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP. Huế

Ngày 17/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã đến đình làng Dương Xuân Hạ chung vui và phát biểu chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân (TP. Huế). Cùng dự có bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP Huế
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

Ngày 9/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

TIN MỚI

Return to top