ClockChủ Nhật, 16/05/2021 15:46

“Áo cây” giữ làng

TTH - Các làng ven sông Ô Lâu thuộc xã Phong Bình (huyện Phong Điền) được bao bọc bởi hàng cây cổ thụ có tuổi đời đã vài trăm năm. Hàng cây ấy đã cùng dân làng vượt qua biết bao mùa bão lũ, từ đợt lụt lịch sử năm 1999 đến những ngày giông tố năm 2020. Hàng cây được người dân xem như “chiếc áo” của làng, che chở, bảo vệ cho làng qua bao nhiêu năm tháng.

Ký ức Ô Lâu

Nhìn từ xa, hàng cây như bức tường thành vững chắc

“Chiếc áo” giữ làng

Cách thành phố Huế chừng 50km về phía bắc, làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền nổi bật từ xa với hàng nghìn cây cổ thụ bao bọc quanh làng từ tây sang đông với chiều dài hơn 3km. Hàng cây gồm nhiều loại cây như đa, lộc vừng (còn gọi là mưng), ma kê, sanh, bội... Những thân cây cao hàng chục mét, hai ba người ôm mới xuể. Lũy cây ấy sừng sững như “thành lũy”, ngăn cản nước cuốn vào làng mỗi mùa mưa bão, ngăn gió mang cát xâm hại từ biển mỗi độ hè về. Cũng nhờ thế, trâu bò của người dân cũng phần nào tránh rét, tránh gió mỗi bận rét đậm, rét hại. “Chiếc áo” ấy đóng vai trò lớn trong việc điều hòa nhiệt độ cho làng, nên mùa hè thì mát mẻ mà mua đông lại ấm áp.

Ông Trần Văn Chúc, nguyên Phó Bí thư xã Phong Bình là người con của làng Phò Trạch. Gắn bó với làng xã, với lũy cây ken dày đã gần 70 năm, ông đã chứng kiến biết bao thăng trầm của ngôi làng này. Ông nhớ lại: “Đợt lũ lụt vừa qua, nước lên nhanh, chảy xiết. Làng Phò Trạch ở vùng trũng thấp, tưởng chừng hơn 500 hộ dân không trở tay kịp. Tuy vậy, nhờ lũy cây cổ thụ đóng vai trò như một con đê chắn nước, người dân đã kịp thời sơ tán đến vùng cao. Thậm chí, có người trong làng bị lũ cuốn trôi, nhưng nhờ có lũy cây chặn dòng nước xiết, kịp thời bám vào thân cây nên bình an vô sự”. Sau đợt lũ, dân làng kéo nhau ra lũy cây thì thấy nào là bàn ghế, mái ngói, sách vở bị nước lũ cuốn trôi mắc lại ở bờ cây ven làng.

Ông Trần Văn Chúc bên hàng cây quý của làng

Không biết tự bao giờ, hình ảnh của làng Phò Trạch luôn gắn liền với hàng cây cổ thụ của mình. Có tích kể lại rằng, năm 1365, đời vua Lê, vị quan khai sinh ra làng khi theo dòng lưu dân vào khai phá vùng Thuận Quảng, đã nhắm cồn đất được bao bọc chung quanh là đầm lầy làm nơi định cư. Sau đó, ngài vào làm quan Ngự y trong triều. Mỗi khi về thăm làng, ngài khuyến khích con cháu trồng cây và treo giải thưởng: “Ai trồng nhiều thì sẽ được thưởng gạo, thưởng áo”. Dân làng nghe theo, đắp đất, trồng cây trên một con đê bao bọc quanh làng và nhận được rất nhiều gạo, còn áo thì chờ mãi vẫn không thấy đâu. Vài ba năm sau, khi hàng cây đã lên xanh, vị Ngự y chọn thời điểm giá rét để về thăm làng. Ngài cưỡi ngựa thị sát dọc bờ đê, từ đầu làng đến cuối làng. Từ ngoài làng, gió thổi rất mạnh nhưng đến khi vào trong làng thì ấm áp. Lúc này dân làng chợt nhận ra rằng “chiếc áo” mà ngài hứa ban thưởng cho người dân chính là hàng cây ken dày mà ngài khuyến khích dân làng trồng. Thế nên từ đấy, dân làng gọi con đường đi dọc rừng cây ấy là “đường quan” hay “áo quan cho”. Ðã hơn 600 năm nhưng dân làng vẫn lập miếu thờ, nhớ ơn vị Ngự y khai sinh ra vùng đất, nhất là nhớ ơn ngài đã giúp dân “may áo” bảo vệ làng.

Lại có tích khác cho rằng, từ năm 1789, vị quan của triều Tây Sơn Trần Văn Kỷ vốn là người con xuất thân từ làng Vân Trình (xã Phong Bình), ngôi làng gần sát với làng Phò Trạch. Sau khi đánh trận trở về, chứng kiến cảnh thôn làng tan hoang vì mưa bão, ông đã bày cho bà con của hai làng đắp đê cao rồi trồng cây mưng để chắn gió. “Cây mưng vốn thân dẻo dai, gió có quật mạnh cũng rất khó gãy. Tán cây lại rộng, tầng tầng lớp lớp tạo nên thành lũy chắn gió, chắn nước rất kiên cố”, ông Chúc chia sẻ. Dần dần, hàng cây trở nên xanh tốt, chim chóc đến làm tổ ngày một nhiều nên vô tình đưa thêm nhiều loại cây khác đến, làm phong phú cho lũy cây của làng. Từ khi có hàng cây đó, khí hậu trong làng ngày một trong lành, không còn bị đe dọa bởi bão lụt và cát xâm lấn từ biển. Dân làng biết ơn của danh tướng Trần Văn Kỷ nên đã xây miếu thờ tự người con có công với làng.

“Các tích hình thành nên lũy cây của làng dẫu có khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng, lũy cây này là linh hồn của làng. Từ tấm bé, tôi đã được nghe các bậc cha anh dặn dò, rằng cây còn thì làng còn, cây mất thì làng mất.”, ông Chúc cho hay.

Giữ gìn “chiếc áo”

“Vì là hàng cây giữ làng, giữ xóm nên người dân trong làng coi trọng lắm. Lúc nhỏ, tôi cùng chúng bạn có đi ngang đường quan, cũng tuyệt nhiên không dám bẻ cây hay phá cành. Làng có quy ước không được phá cây. Nếu ai có lỡ tay xem như có tội với làng, gia đình sẽ bị bắt phạt 30 roi và phải cúng heo tại đình làng. Ngày ấy, để thêm phần răn đe, trước đình làng còn có một cây nêu, phía trên cây nêu có buộc một cây roi như để nhắc nhở dân làng không được vi phạm. Nay mặc dù không còn chiếc roi buộc trên cây nêu hay phạt vạ cúng heo mỗi lần “lỡ tay”, nhưng người dân trong làng cũng trân quý cây lắm, chẳng ai có ý định phá hoại cả”, ông Chúc nhớ lại. Tuy vậy, việc chặt phá cây vẫn là điều cấm kị, lệ làng vẫn được giữ đến ngày nay và đưa vào hương ước của làng: “Không ai được chặt cây của làng. Nếu bắt được, phạt từ hai đến năm triệu đồng. Người bị phạt phải đội mâm cau, trầu, rượu ra đình làng cúng bái để tạ tội”.

Có mấy bận mưng lên giá, làng phát hiện bị mất cây. Dân làng lo lắng lắm, vì hàng cây ngoài tác dụng che chắn, còn được xem là linh hồn của làng, có ý nghĩa về mặt tâm linh khi dân làng xem đây là một công trình để tưởng nhớ cho những người đã khai phá vùng đất của làng ngày hôm nay. Người dân trong làng đã thay phiên nhau, rình để bắt được kẻ trộm. Làng phạt vạ, rồi bắt phải trồng lại cây mới để thay cho cây cũ đã bị trộm mất.

Thú vị hơn khi không chỉ những bậc cao niên trong làng mà những người trẻ cũng rất mong muốn gìn giữ và phát triển thêm “chiếc áo” của làng. Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, người làng Phò Trạch kể lại: “Cách đây gần 15 năm, làng thiếu kinh phí để tu bổ, làm mới đình làng. Lúc đó giá của mưng cao lắm. Nếu chặt cây bán đi thì có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Tuy vậy, người dân trong làng lại đồng lòng lắm. Có chị buôn thúng bán bưng, có anh đi làm thợ mộc, thợ xây ngày ngày ráng làm thêm một chút, chắt chiu từng đồng để góp tiền xây dựng đình làng. Có người lại đi làm ăn xa, nghe tin thì vội trở về quê, lấy tiền tiết kiệm để góp sức cùng bà con tu sửa đình làng, quyết không cho bán cây ở “đường quan”. Hằng năm, làng cũng thường tổ chức lễ hội ở đình làng, với mục đích nhắc lại truyền thống, kể lại những tích về sự hình thành “chiếc áo” của làng cho con, cháu.

Nhận thức được tầm quan trọng của hàng cây, một đội tự quản đã được xã Phong Bình thành lập từ nhiều năm nay, chủ yếu là thanh niên trai tráng trong xã. Bất kể nắng mưa, họ đều đặn đi tuần quanh làng để giữ hàng cây quý, tránh bị mất trộm. “Mấy năm gần đây, mưa bão triền miên nên dân làng sợ lắm. Họ không phá cây cũng như chặt cây gỗ quý để bán dẫu nó rất có giá trị. Bởi với người dân, giá trị mà họ nhận lại từ lũy cây này còn lớn hơn giá trị tiền bạc gấp bội lần”, ông Chúc cho biết. Xã Phong Bình từ lâu cũng đã nghiêm cấm mua bán, vận chuyển cây lộc vừng, cây sanh... đồng thời ràng buộc người dân bảo vệ rừng cây quý này theo hương ước, quy định của làng. “Phương án phối hợp được thực hiện quyết liệt từ việc đưa vào hương ước của làng đến xử lý đối tượng theo pháp luật nhằm quyết tâm giữ “chiếc áo” của làng cho thế hệ hiện tại và mai sau”, ông Chúc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng quê bên dòng Ô Lâu

Thuận Hòa là một thôn nhỏ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc phường Phong Hòa (TX. Phong Điền). Trước năm 1993, bà con ở đây sống lênh đênh trên sông nước. Từ năm 1993, người dân Thuận Hòa được huyện cấp đất làm nhà dọc theo bờ sông thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.

Làng quê bên dòng Ô Lâu
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

TIN MỚI

Return to top