ClockThứ Bảy, 12/08/2023 07:25

Ai còn lồng nhãn nữa không?

TTH - Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim Long đều lắc đầu. Một nhà ba đời chuyên hái buôn trái cây vườn Huế cũng tiếc rẻ, bởi “cầu” không có nên “cung” ắt đứt đoạn. Ấy là bởi có nhiều nguyên nhân khiến trái nhãn lồng xứ Huế ngày càng hiếm dần…

Nức lòng vải trạng, ân điển vua ban

leftcenterrightdel
Thu hoạch nhãn ở nhà vườn Huế 

“Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên”

Dạo này trên nhiều tuyến đường quanh Thành Nội, người ta bán nhãn Huế khá nhiều. Điều dễ phân biệt với nhãn vùng khác là hầu hết quả nhãn Huế nhỏ, cơm còn mỏng, có vị ngọt nhẹ. Giá mỗi cân từ 25.000-40.000 đồng nhưng vẫn đắt khách. Bà Dương Thị Hoa, một người theo nghề bán nhãn 45 năm lý giải cho việc bán nhãn sớm khi chưa tới ngày thu hoạch: “Nhãn mình ra quả tự nhiên có dùng thuốc thang chi mô nên ai cũng ưng. Mỗi ngày hái tầm vài chục cân bán lai rai rứa. Bữa ni lồng nhãn tiền công cao, lại dễ mất trộm, bán sớm may ra còn kiếm được ít tiền chợ búa”.

Tương tự, anh Dương Văn Lợi, một người chuyên bán nhãn cũng lắc đầu khi tôi hỏi mua nhãn lồng Huế làm quà. “Mấy năm ni mần chi có nhãn lồng chị ơi. Có ai lồng nữa mô mà mua. Nhãn to từng mô họ hái bán từng nấy”, anh nói.

Nhãn Huế vốn có tiếng từ lâu, không chỉ trong văn thơ mà còn cả trong đời sống. Riêng nhãn lồng Đại Nội nằm trong ba thứ quả trứ danh được nhắc đến trong câu ca dao: “Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu”.

Hệ thống lăng tẩm thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý hiện có hơn 500 cây nhãn. Trong đó, Đại Nội chiếm hơn một nửa, ngoài ra, nhãn còn được trồng ở lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, Tam Tòa… Mùa này, dạo quanh viện Cơ Mật, Tôn Nhơn phủ, Khâm Thiên Giám… từng cành nhãn trĩu quả la đà sà xuống mái công trình rêu phong phủ bóng thời gian. Những cây nhãn lớn khu vực Tử Cấm Thành, cung Diên Thọ, điện Phụng Tiên có tuổi đời lâu năm, khả năng là giống nhãn được tiến cung từ xưa.

leftcenterrightdel
 Nhãn Huế tại vườn nhà trên đường Đặng Thái Thân

Cách đây vài năm, tôi từng được nếm thử nhãn ở chốn Hoàng cung, nghe hương vị ngọt lành thấm qua từng thớ lưỡi đến nỗi phải dùng từ “trác tuyệt”. Ấy là khi bóc lớp vỏ vàng ươm đã thấy dậy mùi thơm thoang thoảng. Hạt nhãn nhỏ, đen láy, có quả hạt bé như hạt tiêu, cơm dày trong, vị ngọt thanh. Quả thực ai đã từng thưởng thức nhãn Đại Nội đều thấy thỏa lòng thích thú vô cùng.

Theo một số nhà nghiên cứu, khả năng những cây nhãn thâm niên chốn Hoàng cung được gầy giống từ nhãn Hưng Yên tiến cống. Dưới triều Minh Mạng thứ 11, người dân Hưng Yên đã chọn những quả nhãn thơm ngon đưa vào Kinh đô dâng tiến. Có lẽ giống nhãn ấy ủ nắng, ăn sương, dầm mưa, đón gió nên mới cho ra vị quả nhãn đặc trưng hấp thụ sinh khí đất trời xứ này. Từ những gốc nhãn trong Đại Nội, loài cây này được truyền về các vườn phủ ươm trồng, phát triển rộng khắp.

Nếu tính theo số lượng thì Đại Nội chính là vùng sở hữu cây nhãn lớn nhất Huế, ngon nhất Huế. Một chủ thầu cây ăn trái cho hay, cha ông từng bỏ ra gần cây rưỡi vàng mua đệm cói đấu thầu lồng 3 tấn nhãn ở Đại Nội những năm 80. Ông Hồ Xuân Đài, chủ một nhà vườn Thủy Biều (TP. Huế) thuật lại rằng, gia đình ông từng đón dân buôn ngoại tỉnh đến ở trọ, dựng lò sấy nhãn Đại Nội để đưa ra Bắc.

Nhãn Huế ra hoa vào khoảng tháng 3, 4 và thu hoạch tầm tháng 6, 7 dương lịch. Tuy nhiên, bù lại cho cái sự ngon ngọt, trông đợi của người sành ăn thì tầm 2-3 năm, nó mới ra quả một lần. Khi hạt nhãn vừa chuyển màu đen, tựa chín tới, người ta sẽ lồng nhãn. Gần một tháng sau, trái nhãn “kết” thì thu hoạch sẽ cho quả ngon, thơm, giá trị bán cao hơn.

Năm nay, Đại Nội vẫn có vài gốc nhãn ngon được lồng để làm quà biếu tặng, số còn lại vẫn tung tảy dưới nắng hè. Bên ngoài những bức tường thành rêu phong, dân gian vẫn chộn rộn cảnh hái nhãn, bán nhãn từ các nhà vườn Huế mang về hệt như câu ca: “Tháng sáu buôn nhãn, bán trâm”.

Không còn gánh nặng, thang mang

Nhiều năm trở lại đây, rất hiếm nhà lồng nhãn bởi tiền công thuê cao hoặc chấp nhận chia theo tỷ lệ 5:5, 6:4 cho người làm. Duy nhà nào cây được bảo quản tốt, không bị trộm cắp hoặc loại ngon đặc biệt mới đầu tư cho công đoạn này.

Xứ Kim Long có nhiều phủ đệ, quanh vùng này đến nay vẫn còn lắm gốc nhãn cổ thụ. Dạo quanh nhà vườn Phú Mộng (Kim Long, TP. Huế), màu nhãn vàng ươm phủ sắc khắp các vườn. Nguyên con kiệt 42 Phú Mộng, hầu như nhà nào cũng có một vài gốc nhãn tuổi đời trăm năm nhưng chả ai còn lồng nhãn.

Nhà ông Huỳnh Viết Cẩn cũng là một trong số đó. Nhiều năm qua, cứ độ nhãn chín, ông gọi người đến bán và mua lại một ít để dâng cúng bàn thờ tiên tổ. Nhìn vườn nhãn, ông bồi hồi nhớ lại cảnh cả nhà làm thang tre, kết mo cau rộn ràng cùng nhau lồng nhãn. Cái thời ấy qua rồi. Vườn nhãn giờ chỉ còn vài gốc giữ lại hương vị xưa, không còn giá trị kinh tế như ngày trước.

Nhắc đến nghề lồng nhãn, xứ Kim Long đều nhớ đến cha con ông Mai Khắc Tăng. Ông Tăng năm nay 62 tuổi. 10 tuổi, ông theo phụ cha làm việc và học nghề từ đó. Hồi trước, cha mẹ, vợ chồng hai anh em ông đều lồng nhãn, hái nhãn khắp vùng Kim Long, Hương Hồ, Thủy Biều…

“Mo cau mua với số lượng lớn, đặt bạn hàng từ vùng Mỹ Lợi (Phú Vang) gom mỗi đợt vài trăm cái. Sau đó đem mo ngâm nước, dùng lạt tre để buộc lại. Sáng 4,5 giờ phụ nữ dậy nấu thức ăn mang theo. Cả nhà rồng rắn dắt nhau đi bộ, người gánh thang, người gánh mo, kẻ lo cơm nước. Lồng nhãn là làm cả ngày, ăn ngủ tại vườn, chiều tối mới về”, ông Tăng chậm rãi lần theo dòng hồi ức.

Lồng nhãn có khi bị ong đốt, gãy cành, may mắn là cha con ông Tăng không hề hấn chi. Mạ ông mang những thúng nhãn lồng đổi công về cột thành từng chùm bỏ mối cho bạn hàng chợ Đông Ba. Tiền bán nhãn mua gạo đồ dùng trong nhà, nuôi con cái lớn khôn. Cha mất, ông cùng vợ nối nghiệp cho đến khi gần 50 tuổi thì chuyển sang phụ thợ nề bởi không còn ai thuê lồng nhãn nữa.

Nhớ lại tháng ngày tất bật gắn bó với nghề, ông kể: “Nhãn Huế mình ngon nhứt là nhãn ráo. Quả to bằng quả dâu đất, cơm dày mà trong, vị thanh mùi thơm nhè nhẹ. Vùng Kim Long thuở xưa có vườn trồng tới mười mấy gốc nhãn, lồng cả tuần không hết. Có cây 700-800 lồng nhãn, mần tới 4 ngày mới xong. Hồi trước, rằm tháng Tư là đã có nhãn lồng bán, sau này tiết trời thất thường thời điểm thu hái bắt đầu muộn hơn”.

Hơn chục năm cầm bay, xi măng song đến nay, ông Tăng vẫn nhớ thao tác ghép góc, buộc mo. Vừa trò chuyện với tôi, ông vừa tỉ mẩn làm cho mấy đứa cháu nội xem cách lồng nhãn bằng mo cau rồi tiếc rẻ: “Âu cũng là thời thế, tránh sao được sự thịnh suy của nghề”!

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn từng viết: “Những trái nhãn lồng là hiện thân của những người con gái Huế. Phải biết lồng trái tim giữa mùa ươm trái dậy thì. Mơ mộng, lãng mạn, đam mê, vương vấn, dậy sóng tới đâu... thì cũng phải “lồng” mới chín mọng, mới ngọt ngào, thơm tho, danh giá được”. Thứ quả ngon đi vào thơ văn một cách lãng mạn đến vậy nhưng giờ đây, ở chính nơi vùng Hương Ngự, tìm ra quả nhãn lồng đúng nghĩa thơm tho, ngọt mọng ấy đã không còn dễ dàng như xưa.

Bài, ảnh: Tuệ Ninh - Phan Thắng
ĐÁNH GIÁ
4.8
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản cho vụ Tết

Nông sản, đặc sản vùng cao A Lưới đang vào thời điểm hoạt động rộn ràng phục vụ đơn hàng và nhu cầu người tiêu dùng. Đây là mùa sản xuất được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao, đồng thời quảng bá các mặt hàng đến với nhiều thị trường.

Đặc sản cho vụ Tết
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
“Săn” cá bống suối

Hôm đến xã Hồng Thủy xa xôi của huyện biên giới A Lưới, tôi gặp hình ảnh dưới dòng suối uốn lượn giữa núi rừng, người phụ nữ Pa Cô đang mải miết “săn” cá bống. Mồ hôi ướt lưng chiếc áo cũ, dệt bằng vải zèng truyền thống, nhỏ giọt trên đôi má hồng rực lên dưới nắng. Nụ cười cũng rạng rỡ như nắng và mộc mạc, hiền lành như lá rừng. “Bức tranh” thật đẹp khiến chúng tôi không thể nào không “chốt” cái hẹn ngược suối.

“Săn” cá bống suối

TIN MỚI

Return to top