ClockThứ Hai, 14/12/2020 06:30

Hướng đến phát triển bền vững Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - Bài 1: Bộc lộ xung đột, kìm hãm trong phát triển

TTH - Với diện tích hơn 27 ngàn ha, Chân Mây – Lăng Cô là một trong 18 khu kinh tế (KKT) ven biển của cả nước, được định hướng phát triển cùng lúc du lịch và công nghiệp. Làm gì để tránh xung đột, sự phát triển của lĩnh vực này không kìm hãm lĩnh vực kia; hay ưu tiên một lĩnh vực để tập trung phát triển đang tiếp tục đặt ra.

Tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư phát triển vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

KKT Chân Mây - Lăng Cô được biết đến là vịnh đẹp thế giới, lợi thế để phát triển du lịch biển; trong khi đó, cảng nước sâu Chân Mây lại được đánh giá là cửa ngõ quan trọng, để công nghiệp tỉnh nhà bứt phá. Dù những năm qua tốc độ phát triển ở KKT này ở mức trung bình, song ít nhiều bộc lộ xung đột, trong tương lai khả năng sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh giữa du lịch và công nghiệp nếu không kịp điều chỉnh.

 

Nhiều dự án mới đã triển khai ở Khu Kinh tế Châm Mây - Lăng Cô. Ảnh: Nguyễn Phong

Lợi thế tương đương, song hành tồn tại

Không phải ngẫu nhiên mà Chân Mây – Lăng Cô được Chính phủ quyết định phê duyệt là 1 trong 18 KKT ven biển của cả nước. KKT ven biển này được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 05/12/2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 1771/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển KKT đến năm 2025.

KKT Chân Mây – Lăng Cô có diện tích tự nhiên 27.108 ha, trong đó diện tích khai thác phát triển khoảng 10.000 ha, thuộc thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh (Phú Lộc). KKT được phát triển theo mô hình tổng hợp với cơ chế chính sách “mở”, bao gồm 3 khu vực chức năng chính: khu vực cảng biển; khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp và khu du lịch biển.

Khác với nhiều KKT ven biển trong cả nước, Chân Mây – Lăng Cô được định hướng phát triển cả hai lĩnh vực kinh tế nghe qua đã hình dung sự trái ngược nhau là du lịch và công nghiệp. Trong khi du lịch thiên hướng về môi trường, đô thị xanh, sạch, nơi để du khách đến nghỉ dưỡng trong khung cảnh yên bình, thì công nghiệp lại được biết đến với các nhà máy, hoạt động sầm uất, mật độ các loại xe trọng tải lớn lưu thông và đặc biệt là sự nghi ngại về môi trường.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh, khi quy hoạch phát triển một mô hình, KKT nào đó đều dựa trên tiềm năng sẵn có. Xét về phương diện tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, KKT thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nằm giữa hai đô thị lớn là TP. Huế và Đà Nẵng, KKT chỉ cách Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài 35km về phía bắc và cách Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng 30km về phía nam. Cùng với đó, tuyến điện quốc gia 500KV đi qua đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Hệ thống đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A đi qua KKT được sử dụng làm trục giao thông đối ngoại chính, đảm bảo sự phát triển vững chắc trong quá trình xây dựng, phát triển.

Cảng nước sâu Chân Mây (sâu 6 - 14m) có hai mũi Chân Mây đông và tây che chắn sóng gió từ 2 hướng. Cảng được xác định là cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông nối các nước trên hành lang kinh tế thương mại Đông – Tây. Đây là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), tạo thành chuỗi KKT ven biển miền Trung, là hạt nhân tăng trưởng chính của khu vực này. Năm 2018, đê chắn sóng được đầu tư xây dựng và đến năm 2020 đã hoàn thành, giúp cảng Chân Mây đảm bảo tính an toàn trong quá trình khai thác, kể cả vào mùa mưa bão.

Trong khi đó, tiềm năng về du lịch cũng không kém cạnh. Những điểm đến như đầm Lập An, hệ thống suối thác gồm suối Voi, thác Mơ, suối Tiên… đã được xây dựng thương hiệu. Năm 2010 tại thành phố Setubal - Bồ Đào Nha, vịnh Lăng Cô được trao giấy chứng nhận là vịnh biển đẹp nhất thế giới, khẳng định tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển của Chân Mây – Lăng Cô.

Nhìn từ trên cao có thể thấy sự nhếch nhác, lộn xộn ở Cảng Chân Mây

Cảnh Dương, Bình An cũng đánh giá thuộc “top” bãi biển đẹp của khu vực miền Trung. Khu vực này đang sở hữu và thu hút số lượng nhiều nhất các nhà đầu tư về dịch vụ nghỉ dưỡng biển. Trong đó, Laguna Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng tầm cỡ. Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển Địa Trung Hải, Minh Viễn cũng đang được tiếp tục xây dựng.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Chân Mây - Lăng Cô là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ những tiềm năng, thế mạnh trên, KKT được định hướng là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Khó tránh khỏi xung đột

Quá trình phát triển tại KKT Chân Mây – Lăng Cô luôn được sự quan tâm, giám sát và có những điều chỉnh kịp thời, song thực tiễn phát triển cho thấy KKT Chân Mây – Lăng Cô đang nảy sinh những xung đột trong quá trình phát triển giữa hai lĩnh vực công nghiệp và du lịch.

Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Vĩnh, thực tiễn tại địa phương cho thấy, khi công nghiệp được đẩy mạnh, lượng xe có trọng tải lưu thông lớn, chở đất đá, nguyên vật liệu của ngành công nghiệp gây ảnh hưởng đến an toàn trên địa bàn. Quá trình vận chuyển, san lấp mặt bằng làm đất đá rơi vãi, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Ở góc độ địa phương, không thể có những phân tích mang tính chuyên môn đầy đủ, song về cảm quan, khu du lịch chỉ cách khu công nghiệp khoảng 2-3 km đường chim bay, sẽ khó tránh gây tâm lý e ngại từ du khách.

Sau những cơn bão lũ xảy ra trong năm 2020, đã làm sạt lở và hạ độ cao của các bãi biển Cảnh Dương và Bình An gần 1m. Theo người dân địa phương, nguyên nhân khả năng là do quá trình xây dựng thêm 2 cầu cảng ở cảng Chân Mây khiến cát ở trong bờ di chuyển ra các khu vực sâu hơn.

Hiện nay, cả phương tiện du lịch và công nghiệp đều di chuyển trên cùng một tuyến đường, nên khó tránh khỏi xung đột về giao thông

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây thông tin, hiện nay, có nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp trong tỉnh cần nguyên liệu đốt là than đá. Để giảm thiểu chi phí, sẽ có những chuyến tàu lớn cập cảng, nhưng trên bờ lại chưa có quy hoạch hay quy định về địa điểm làm nơi tập kết. Mặc dù theo quy định kinh doanh than đá là được xây dựng các kho bãi, nhưng tỉnh không có chủ trương và không có quy hoạch địa điểm trong KKT nên gây ra nhiều khó khăn, đội chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh về sản phẩm.

Một “nút thắt” khác mà đến nay chưa thể khắc phục là đối với những hộ dân nằm trong quy hoạch của KKT, dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi xây nhà mới thì chỉ được cấp phép xây dựng nhà tạm. Nếu có dự án đến đầu tư, khi tiến hành thu hồi và đền bù thì chỉ đền bù đất, còn những giá trị trên đất mới xây dựng sẽ không được thống kê. Quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nằm trong KKT, bị vướng bởi quy hoạch đô thị, nguồn quỹ đất để xây dựng các công trình thiết yếu không có.

Ông Lê Văn Tuệ thẳng thắn, việc phát triển song song cả hai lĩnh vực đúng là có những xung đột nhất định. Định hướng phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường khiến suốt thời gian dài KKT khó thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến, nhưng lĩnh vực sản xuất lại tác động đến môi trường, du lịch nên đã đến  đầu tư ở nơi khác và hiện trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, một số nhà máy sản xuất trên địa bàn KKT Chân Mây – Lăng Cô chưa đảm bảo yếu tố môi trường vì đã hoạt động một thời gian dài, công nghệ đã lạc hậu, tác động ngược đến sự phát triển của du lịch. Trong tương lai, bắt buộc các nhà máy, cơ sở sản xuất này phải được sắp xếp, bố trí và có những thay đổi công nghệ sản xuất để hướng đến yếu tố môi trường.

TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, qua quá trình nghiên cứu, phân tích sự phát triển tại KKT Chân Mây – Lăng Cô, so với nhiều KKT biển khác trong cả nước, Chân Mây – Lăng Cô có diện tích nhỏ, nhưng lại “gánh” luôn cả hai lĩnh vực phát triển kinh tế quan trọng nhất là du lịch và công nghiệp. Điều này khó có thể tránh khỏi sự xung đột xảy ra. Nhìn xa hơn trong tương lai, khi tốc độ phát triển nhanh, đô thị hóa mạnh, các dịch vụ đều tăng trưởng, xung đột tiếp tục diễn ra là điều được dự báo.

KKT Chân Mây - Lăng Cô hiện thu hút đầu tư được 47 dự án, với vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 79.300 tỷ đồng; trong đó, có 22 dự án đang hoạt động, chiếm 46,8% tổng số dự án, 14 dự án đang triển khai thực hiện và 11 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Bài, ảnh: Quang Sang

Bài 2: Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, hài hòa trong phát triển

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Chân Mây ngày ấy, bây giờ

Đầu xuân 1976, tôi theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc ông Lê Thái Tâm về xã Lộc Vĩnh, tiện thể được ông dẫn đi thăm nơi Phú Lộc dự định sẽ xây một con đập. Từ cửa Kiễn, chiếc U-oat chạy một mạch qua bãi cát phẳng lì và dừng lại bên bờ bắc của con lạch có tên là Chu Mới.

Chân Mây ngày ấy, bây giờ
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Bước đệm phát triển sau sáp nhập

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) “về chung một nhà” với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.

Bước đệm phát triển sau sáp nhập
Hướng đến sự hài lòng của du khách

Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài 9 ngày, dự báo lượng khách du lịch đến Huế sẽ tăng cao. Để quảng bá, kích cầu, thu hút khách và đẩy mạnh phát triển du lịch, ngành du lịch Cố đô tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.

Hướng đến sự hài lòng của du khách

TIN MỚI

Return to top