ClockThứ Ba, 26/11/2024 08:39

Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền

Tạo dựng thói quen sử dụng của người tiêu dùng với các sản phẩm, dịch vụ có bản quyền đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - một vấn nạn đang gây thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú trọng thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng kiểm tra đột xuất và lập biên bản vi phạm hành chính một doanh nghiệp không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước 

Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy, năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, bắt giữ 5.464 vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng 48% so với cùng kỳ. Công bố nêu trên cho thấy vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại nói chung ở Việt Nam vẫn đang ở mức báo động với nhiều diễn biến phức tạp.

Tình trạng này không chỉ gây ra những thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng, đối tác và các bên liên quan, nếu không xử lý triệt để sẽ đe dọa đến tương lai của nền kinh tế. Vì vậy tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang là vấn đề được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hết sức quan tâm. Trong tháng 5/2024, Liên minh Phần mềm (BSA) gồm các tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới đã gửi lời kêu gọi Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp cần có các giải pháp để giảm tình trạng vi phạm bản quyền.

Trước đó, Báo cáo năm 2022 của Media Partner Asia, tính riêng trong ngành công nghiệp video trực tuyến, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Cũng theo báo cáo này, tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia - cho biết ở Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số khiến Việt Nam thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7.000 tỷ đồng. Nếu theo đà tăng này, thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ video trực tuyến có thể lên đến 456 triệu USD vào năm 2027.

Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy, năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, bắt giữ 5.464 vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng 48% so với cùng kỳ.

Tương tự, trong một khảo sát được tiến hành vào năm 2022, Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á từng nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming (một hình thức phát trực tiếp nội dung đến với những người xem khác thông qua kết nối internet), mạng xã hội hay ứng dụng tin nhắn trực tuyến. Sự thiếu ý thức và hiểu biết, bất chấp đạo đức kinh doanh, quy định pháp luật của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Sự bùng nổ các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội ngoài việc cho phép người dùng bán hàng cũng tạo ra nhiều kẽ hở cho các gian thương lộng hành.

Về mặt quy định, các nền tảng đều nhấn mạnh không cho phép mua, bán, trao đổi hoặc cổ xúy hàng giả cũng như nhanh chóng xóa bất kỳ nội dung nào vi phạm chính sách về quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trên thực tế, hầu hết sàn thương mại và nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam chưa có một chế tài hữu hiệu nào đủ sức ngăn chặn triệt để vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

Thậm chí, có nền tảng vì mục tiêu lợi nhuận còn làm ngơ, cho phép nhiều đối tượng giả danh các thương hiệu nổi tiếng chạy quảng cáo để bẫy người tiêu dùng. Việc hình thành nhanh chóng của các dịch vụ livestream, lưu trữ và xử lý dữ liệu không giới hạn với giá thành rẻ tại Việt Nam đã vô tình trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng nở rộ. Nhờ vào các nền tảng này, các đối tượng vi phạm pháp luật dễ dàng đăng tải, chia sẻ, phát sóng các sản phẩm giải trí, phim ảnh, chương trình truyền hình, giải trí trong một khoảng thời gian dài trước khi lực lượng chức năng có thể phát hiện và xử lý.

Điển hình là trường hợp của Fmovies - đường dây phim lậu có quy mô lớn nhất thế giới từng bị triệt phá. Theo đó, hệ thống phim lậu này bắt đầu được xây dựng từ năm 2016 và trở thành trang web phổ biến thứ 11 toàn cầu trong danh mục TV, phim và phát trực tuyến vào năm 2023. Dù vậy, phải đến tháng 8/2024, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) cùng Công an thành phố Hà Nội mới đóng cửa được Fmovies và hệ thống website chân rết của đường dây này.

Cuộc chiến chống lại hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chắc chắn không thể kết thúc trong một sớm, một chiều, nhất là giữa bối cảnh, nhiều mặt trái của sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật vẫn đang bị các đối tượng xấu lợi dụng triệt để nhằm sản xuất, mua bán, lưu thông những mặt hàng bất hợp pháp. Trong khi đó, việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật về chống xâm phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, nâng cao nhận thức, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm bản quyền đóng vai trò hết sức quan trọng. Tâm lý ham rẻ và cả tin đã khiến không ít khách hàng rơi vào ma trận hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Nhiều người lầm tưởng đã mua được món hời khi “săn sale” về những món đồ có giá bán chỉ bằng 1% so với mặt hàng cùng loại có mặt trên thị trường, nhưng khi nhận được sản phẩm, họ mới “ngã ngửa” vì phát hiện ra mình đã bị lừa.

Cá biệt, có người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền để “khoe mẽ”. Đáng trách hơn, có một vài người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng cũng đang cổ xúy mọi người dùng hàng giả vì mục đích này.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện nay vẫn còn khó tiếp cận với người sử dụng. Đặc biệt là các sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ nước ngoài chưa có đại lý chính hãng tại Việt Nam hoặc chỉ được phân phối độc quyền bởi một đơn vị trong nước. Phương thức thanh toán, vận chuyển các mặt hàng, dịch vụ như vậy thường phức tạp, trải qua nhiều bước trung gian khiến chi phí bị đội lên cao. Hơn nữa, các nhà phân phối độc quyền cũng chưa có chính sách, mức ưu đãi phù hợp đối với người tiêu dùng trong nước.

Chính vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức đã lựa chọn sử dụng các phần mềm lậu, dịch vụ vi phạm bản quyền thay vì mặt hàng chính hãng. Hiện nay, để tạm thời giải quyết vấn đề này, một số cá nhân đã lập ra các nhóm, website để mua, dùng chung, chia sẻ tài khoản chứa ứng dụng, phần mềm bản quyền. Tuy nhiên, biện pháp này của người tiêu dùng chỉ mang tính tự phát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vì những bất cập này, không ít người Việt Nam vẫn duy trì thói quen sử dụng những sản phẩm vi phạm bản quyền bất chấp những tác hại nhãn tiền do chúng gây ra. Theo nhận định của ông Adam Coates, Tổng cố vấn của BSA, hành vi này không chỉ làm tổn thất doanh thu của các nhà sản xuất phần mềm mà còn kéo theo hệ lụy mất an toàn thông tin. Bởi lẽ, tin tặc có thể lợi dụng các kẽ hở của phần mềm lậu để mở những cuộc tấn công vào hệ thống mạng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Số khác lựa chọn các dịch vụ truyền hình và nền tảng phim lậu bởi cảm thấy chúng được thuyết minh, biên dịch hấp dẫn hơn. Bất chấp khi sử dụng những dịch vụ “lậu” như vậy, họ không thể loại bỏ các quảng cáo “rác”, vi phạm pháp luật về hành vi cờ bạc trực tuyến, mại dâm, khiêu dâm. Không ít đường link trên các nền tảng này cũng chứa mã độc có thể gây hại cho thiết bị máy tính, điện thoại thông minh nếu người dùng không may ấn phải. Ngạc nhiên là trong khi ngần ngại chi tiền cho nền tảng bản quyền, nhiều người lại mạnh tay ủng hộ, duy trì hoạt động của một số website phim lậu, chương trình phát sóng thể thao trái phép dưới hình thức quyên góp trực tuyến (online donate).

Chính vì vậy trong khi kêu gọi Chính phủ mạnh tay với nạn mua bán hàng giả, sản phẩm xâm phạm bản quyền, các tổ chức, doanh nghiệp cần có biện pháp nhằm cải thiện nhận thức, thói quen của người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa độ nhận diện thương hiệu bằng cách công bố trên các phương tiện truyền thông, đại chúng: hệ thống website, fanpage, địa chỉ đại lý chính thức và ủy quyền. Song song đó, doanh nghiệp cần thường xuyên thay đổi mẫu mã, tem chống hàng giả, thông báo kịp thời cho khách hàng khi có những cải tiến mới; chủ động cung cấp số hiệu, mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin hàng hóa thông qua kiểm tra hệ thống tin nhắn, mã vạch.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm phần mềm, phim, âm nhạc cần thay đổi chính sách, phương pháp tiếp cận khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng như: Cung cấp gói dùng thử; thuê phần mềm, dịch vụ theo tháng; hỗ trợ, ưu đãi với đối tượng là học sinh, sinh viên, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp.

Các ứng dụng, dịch vụ truyền hình, phim, nhạc số cần lắng nghe góp ý của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên kết với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong nước và quốc tế, ví điện tử, thẻ nạp điện thoại để tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Các nền tảng phim, nhạc số và kho ứng dụng cần có đầu mối liên hệ để phối hợp cơ quan chức năng trong nước trong việc quản lý, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật và bảo vệ trước các hành vi xâm phạm bản quyền.

Song song đó, doanh nghiệp cần phối hợp cơ quan nhà nước để khẩn trương hoàn thiện quy định pháp luật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm chế tài xử phạt đối với hành vi cố tình mua, sử dụng và quảng cáo cho các mặt hàng vi phạm pháp luật này; chủ động đề xuất những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng vi phạm bản quyền từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top