ClockThứ Sáu, 04/03/2022 15:30

Từ định canh, định cư đến phát triển bền vững

TTH - Những khu định canh, định cư (ĐCĐC) mới dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh liên tiếp được hình thành. Cùng với đó, các đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS mang tính toàn diện, bền vững là điều kiện và cơ hội để “miền ngược tiến kịp miền xuôi”.

Ra Va Lục sang Nhật lập nghiệpTrải nghiệm khác biệt ở Hồng Hạ

Bà con được hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang ở dự án định canh định cư Cu Mực - Kăn Hoa

Ghi ở Cu Mực - Kăn Hoa

Năm 2015, 66 hộ gia đình đồng bào Cơ Tu và Pa Kô ở xã Hồng Hạ (A Lưới) đã được đưa vào khu vực Cu Mực - Kăn Hoa sinh sống. Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Quy hoạch điểm ĐCĐC khu vực Cu Mực - Kăn Hoa có đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho người dân đến sinh sống, phát triển sản xuất. Tổng kinh phí của dự án hơn 6,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực A Lưới làm chủ đầu tư.

Để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, điện đã được đưa về khu vực Cu Mực - Kăn Hoa. Đó là cả một chặng đường gian truân, vất vả. Với địa hình hiểm trở, đèo dốc quanh co nên toàn bộ công nhân ngành điện phải băng rừng, vượt suối và ăn ở cùng dân bản. Sau hơn 6 tháng thi công liên tục, công trình với tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đồng, bao gồm 3,158km đường dây 35kV trên không, gần 0,8km đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp hoàn thành, cấp điện cho toàn bộ các hộ đồng bào nơi đây.

Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt và tiếp tục triển khai đầu tư 4 tuyến đường với tổng chiều dài 1.330m trong nội khu ĐCĐC Cu Mực - Kăn Hoa nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo các điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân đi lại, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Có điện lưới quốc gia về với dân bản, hệ thống giao thông được mở mang, những mô hình kinh tế như trồng ngô xen lạc, trồng rừng, nuôi lợn rừng hay dịch vụ cà phê, giải khát bắt đầu phát triển ở Cu Mực - Kăn Hoa. Con em trong bản được đến trường nhiều hơn, và buổi tối còn có cả học xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

Gia đình chị Hồ Thị Si đến định cư ở đây từ năm 2015, đến nay chị đã có một cơ ngơi rộng rãi khang trang, với các vật dụng, tiện nghi trong gia đình đầy đủ. Chị Si chia sẻ: “Khi mới đến định cư chỉ có vài hộ. Lúc đó khó khăn đủ bề. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, vợ chồng em vay vốn chăn nuôi, từng bước xây dựng kinh tế gia đình tại nơi ở mới”.

Chí thú làm ăn, vợ chồng chị Si phát triển dần đàn lợn, dê. Tích lũy nguồn thu từ chăn nuôi, chị mở thêm cửa hàng kinh doanh. Hôm đến thăm, quầy tạp hóa của gia đình chị rất đông người ra vào, chị bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho bà con trong vùng... “Mỗi năm, tổng nguồn thu của gia đình em trên 200 triệu đồng”, chị Si phấn khởi.

Nâng cao năng lực cộng đồng

Cu Mực - Kăn Hoa là một trong 9 dự án (DA) ĐCĐC hình thành từ chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ĐCĐC cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện hơn 95,3 tỷ đồng. Cùng với các DA Ta Ay, xã Trung Sơn; thôn 5 và 6, xã Hồng Thủy; La Tưng và Tam Lanh, xã Lâm Đớt (A Lưới); DA bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (Phong Điền) và 3 DA cũng đã hoàn thành đưa dân về ĐCĐC ổn định đó là DA ĐCĐC tập trung thôn Tà Rỵ, xã Hương Hữu; DA Ta Rinh xã Thượng Nhật (Nam Đông) và DA ĐCĐC Khe Bùn xã A Ngo (A Lưới).

Có dịp ghé thăm khu tái ĐCĐC thôn Ta Rinh và thôn Tà Rỵ, chúng tôi cảm nhận được một sự "an cư lạc nghiệp" của người dân nơi đây. Để giúp người dân yên tâm và ổn định cuộc sống, bên cạnh được hỗ trợ xây dựng hạ tầng (giao thông, điện sinh hoạt, nước sạch), những hộ đồng bào vào ĐCĐC còn được hỗ trợ trực tiếp trong việc làm nhà ở. Sau khi chuyển đến ĐCĐC, người dân nhanh chóng bắt tay vào phát triển vườn, rừng, cải tạo đất sản xuất qua hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng tối đa diện tích đất được cấp để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, ông Hoàng Trung Nam cho hay, các hợp phần hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con từ dự án ĐCĐC đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn về phát triển cộng đồng. Thông qua các lớp đào tạo, cán bộ và Nhân dân tích lũy được những kinh nhiệm, kiến thức, nâng cao năng lực trong việc điều hành phát triển các mô hình kinh tế bằng nguồn vốn dự án đầu tư.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh - Hồ Xuân Trăng, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS mới lập gia đình ra ở riêng, hoặc hộ nhà ở còn tạm bợ, thiếu đất sản xuất... có nơi ở ổn định và điều kiện phát triển sản xuất tại các điểm ĐCĐC tập trung và ĐCĐC xen ghép. Qua đó, góp phần thực hiện việc ổn định định cư, giảm thiểu tối đa tình trạng xâm canh, xâm cư, nhất là đối với các xã biên giới.

Hướng tới phát triển bền vững

Ông Hồ Xuân Trăng cho rằng, việc tổ chức tốt các DA ĐCĐC và hỗ trợ di dân là một trong số vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Hiện tại, 3 DA mới nhằm ổn định dân cư đang được tiếp tục triển khai tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới, dành cho các đối tượng khó khăn về nhà ở và vùng nguy cơ sạt lở. Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến vào cuối năm 2021, cũng đã chú trọng các giải pháp về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, hợp phần dự án vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTS.

Cũng theo ông Hồ Xuân Trăng, từ tổ chức tốt ĐCĐC đến phát triển vùng DTTS mang tính bền vững là bài toán đang cần lời giải thỏa đáng. Đề án với những giải pháp cụ thể về kinh tế - xã hội khi được thông qua sẽ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS, miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng, đến năm 2030 thành phố cần khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội (NOXH). Song hiện nay cung chưa đáp ứng cầu. Vì vậy, các sở, ngành đang đề xuất tháo gỡ những khó khăn liên quan để phát triển NOXH, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian tới.

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội
Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top