ClockThứ Hai, 31/07/2023 14:20

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thận trọng, phù hợp, bảo đảm hiệu quả

Sáng 31/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Tìm giải pháp bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dưGiảm được bộ máy là giảm được chi ngân sáchChuyển biến sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xãSắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã: Tinh gọn bộ máy, nâng cao trách nhiệm đội ngũSắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021: Hiệu quả bước đầu

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị. 

Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bất cứ thời kỳ nào, chúng ta đều sắp xếp, tổ chức bộ máy phù hợp tình hình, diễn biến thực tiễn. Đây là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, đụng đến nhiều người, ảnh hưởng hoạt động của người dân. Tuy nhiên, chúng ta không thể không làm vì bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Sự phát triển, tình hình của đất nước thay đổi, cho nên bộ máy hành chính phải thay đổi.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm địa bàn, kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý, bỏ cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì từ nhiệm kỳ trước, chúng ta đã làm.

Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Như vậy, cơ sở chính trị và pháp lý chúng ta đều có, căn cứ quy định của Quốc hội, chúng ta cũng có.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu khai mạc hội nghị.

Từ thực tiễn địa phương, chúng ta phải sắp xếp lại phù hợp, đơn giản, linh hoạt, không quá ảnh hưởng hệ thống chính trị, cuộc sống của người dân. Chúng ta phải nhận thức đây là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải làm thận trọng, chắc chắn, không xáo trộn, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị vận hành bình thường, cuộc sống của người dân không quá đảo lộn. Đây là việc khó, cho nên việc lãnh đạo, điều hành phải rất quyết liệt.

Kinh nghiệm cho thấy nơi nào, chỗ nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì công việc suôn sẻ, nếu không thì sẽ gây ách tắc, chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực. Những gì được thì phát huy, những gì chưa được cần khắc phục với tinh thần là tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ, giai đoạn này, trên thực tế chúng ta chỉ còn hơn 1 năm (nếu chỉ tính giai đoạn 2023-2025), vì vậy, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực, hiệu quả.

Quá trình sắp xếp có ảnh hưởng có ảnh hưởng về mặt điều hành, quan hệ hành chính trong cơ quan hành chính các cấp, ảnh hưởng người dân liên quan giấy tờ, thủ tục, các công việc. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm, do đó các địa phương có kinh nghiệm quý, bài học hay trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy thì chia sẻ với hội nghị.

Thủ tướng cũng lưu ý, cần trước các khó khăn để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; quá trình thực hiện, cơ sở vật chất, các hoạt động có phát sinh dôi dư cần sắp xếp tiếp theo thì phải có giải pháp phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp tình hình cụ thể mỗi giai đoạn, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Qua mỗi lần sắp xếp, chúng ta lại có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn; bảo đảm phù hợp, không phát sinh khiếu kiện, việc phục vụ nhân dân được cải thiện tốt lên, những nơi được sắp xếp lại vẫn ổn định, hoạt động bình thường.

Thủ tướng nêu rõ, chủ trương của Đảng phù hợp thực tiễn, trên cơ sở đó, chúng ta cần tiếp tục phát huy, tiếp tục làm bài bản công tác này.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức, xem đây là việc khó, liên quan tâm tư, tình cảm, tâm lý cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp nơi sắp xếp; liên quan truyền thống lịch sử, văn hóa, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất cả nhận thức và hành động.

Cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, các đoàn thể phải vào cuộc; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng để tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện sắp xếp; thực hiện sắp xếp phải được tiến hành bài bản, khoa học, không vội vàng mà phải chắc chắn trên cơ sở công khai, minh bạch; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, trong đó có nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp; việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp phải kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, đúng quy định của Đảng;

Công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến các yếu tố đặc thù, mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, khả năng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và quản lý của chính quyền địa phương.

Thủ tướng lưu ý, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, không dàn trải; không cầu toàn, không nóng vội; bảo đảm ổn định hệ thống chính trị, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân, các chủ thể liên quan, chịu tác động trong quá trình sắp xếp; chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp tình hình, hoàn cảnh từng cơ quan đơn vị, địa phương; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phải có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp.

Sắp xếp đơn vị hành chính phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, thực hiện có lộ trình, bước đi theo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; nơi có điều kiện thuận lợi thì làm trước, nơi chưa có điều kiện thuận lợi thì xác định lộ trình phù hợp để thực hiện; quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm phù hợp các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số; việc sắp xếp phải tạo ra không gian phát triển mới, giá trị mới; căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù hài hòa, hợp lý về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý-tự nhiên, cộng đồng dân cư.

Quá trình sắp xếp phải đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019-2021; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người dân liên quan tại các đơn vị sau sắp xếp; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; việc sắp xếp phải tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống người dân, mở rộng không gian phát triển mới, phát triển đô thị, nông thôn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an toàn, an dân, giải quyết tốt các quan hệ dân sự của người dân.

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: căn cứ Kế hoạch của Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, nhất là ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; quá trình ban hành phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, nếu chưa khả thi, hiệu quả thì phải điều chỉnh ngay.

Đối với các địa phương: phải tổ chức quán triệt, phổ biến và xây dựng Kế hoạch phù hợp thực tiễn của địa phương, xác định cụ thể từng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn; xây dựng phương án tổng thể, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét; tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.

Đề án phải có lộ trình, bước đi, làm tốt công tác vận động tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ đảng viên, nhân dân; chủ động có kế hoạch cân đối, chuẩn bị ngân sách, nguồn lực từ sớm, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trên địa bàn chủ động, tích cực, hiệu quả; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình sắp xếp; chú ý giải quyết và củng cố, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử của các đơn vị, địa phương…

* Ngày 30/7, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị.

Xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng năm của giai đoạn 2023-2025, bảo đảm phù hợp thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan liên quan (gọi chung là các bộ, ngành, địa phương) trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, về lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, năm 2023, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định của pháp luật liên quan sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và tạo thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Các địa phương tiến hành việc xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.

Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn) để giảm số lượng đơn vị hành chính, tăng quy mô của từng đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Năm 2024, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

leftcenterrightdel
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Năm 2025, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 (trong đó có những đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025). Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025…

Theo Nhân Dân điện tử
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top