ClockThứ Bảy, 08/05/2021 06:30

Thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bầu cử của công dân

TTH - Tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng Nhân dân (HĐND) là quyền và nghĩa vụ của công dân. Cử tri thông qua lá phiếu để bầu ra người đại diện cho mình tham gia bộ máy lãnh đạo Nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho Nhân dân, của chính bản thân mình. Đó còn là niềm tự hào được thực hiện đầy đủ quyền của công dân.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bầu cử đến nhân dânĐưa tuyên truyền bầu cử đến ngư dân

Cử tri tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp để lựa chọn những người có đức, có tài. Ảnh: THÁI BÌNH

1. Ngày 6/1/1946, cử tri được cầm lá phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người dân được thực hiện quyền công dân của một đất nước độc lập. Trải qua hàng ngàn năm dưới ách nô lệ, phong kiến và đô hộ của thực dân Pháp, lần đầu tiên, người dân được quyền dân chủ, bình đẳng tham gia bầu cử người đại diện cho mình. Thời điểm đó, Nhân dân ta vừa thoát khỏi nạn đói, 95% người dân mù chữ, khó khăn trăm bề, nhưng tất cả đều hết sức xúc động, hồ hởi cầm lá phiếu trên tay tham gia cuộc Tổng tuyển cử.

Không lâu sau thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Sau 9 năm kháng chiến giành thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ 1954 về hòa bình được ký kết, đất nước tạm thời chia làm 2 miền. Theo Hiệp định, 2 năm sau sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, những người con miền Nam tập kết ra Bắc mang theo hy vọng trở lại quê hương sau Tổng tuyển cử. Nhưng Mỹ và chính quyền tay sai đã cố tình vi phạm, đàn áp những người yêu nước, chia rẽ dân tộc, chống lại thống nhất đất nước. Nhân dân ta phải một lần nữa kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 6 của một đất nước thống nhất được tổ chức trên toàn bộ đất nước. Như vậy để thấy rằng: Đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất để người dân được làm chủ thực sự là cái giá phải trả bằng sự hy sinh vô cùng to lớn của cả dân tộc. Nhắc lại để mỗi người biết trân trọng và thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có trách nhiệm tích cực tham gia bầu cử.

2. Bầu cử là để bầu ra người đại diện thay mặt quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Qua nhiều cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND, cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình nên phần lớn tích cực hăng hái tham gia. Không chỉ trong ngày bầu cử mà cả trong các bước giới thiệu người ứng cử, hội nghị hiệp thương, chuẩn bị khu vực bỏ phiếu và trang hoàng, cổ động, tìm hiểu ứng cử viên...

Tuy vậy, cũng có một bộ phận cử tri còn thờ ơ với trách nhiệm công dân của mình. Thực tế ở một số nơi, cử tri tham gia các hội nghị hiệp thương, đi bỏ phiếu có tỷ lệ thấp, tình trạng bỏ phiếu thay, đại diện 1 người bầu thay cho cả gia đình, thiếu cân nhắc lựa chọn bầu người xứng đáng. Có người không nắm được số lượng cần bầu nên bầu thừa hoặc bầu thiếu làm cho lá phiếu của mình bất hợp lệ, tự đánh mất quyền lợi của mình. Có người chờ gần hết giờ mới ra đi bầu hoặc trong gia đình có người đi xa không báo lại, làm cho tổ bầu cử phải chờ đến giờ cuối cùng mới được mở thùng phiếu...

Bầu cử và ứng cử là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Điều 27 Hiến pháp quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền tham gia ứng cử vào Quốc hội và HĐND”. Văn bản luật cao nhất thể hiện rõ ý chí của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền dân chủ cao nhất của mình. Quy định của Hiến pháp cũng đã ghi rõ: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”, “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”.

Không thực hiện đúng hoặc không thực hiện đầy đủ theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là người dân tự tước bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Cho nên, ở những nơi trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, các tổ chức bầu cử cần tăng cường tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và động viên thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân. Những kẻ nào cố tình quấy rối, phá hoại, không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm minh. Điều 160, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử...thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng kết quả bầu cử thì bị phạt tù từ 1 đến 2 năm”. Như vậy, bầu cử không những là quyền lợi, trách nhiệm mà nếu vi phạm còn bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

 Nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử chính là trách nhiệm với xã hội của mỗi người công dân.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi thẻ căn cước công dân

Ngày 7/1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Huế cho biết đã tăng cường thêm thời gian phục vụ ngoài giờ hành chính đối với công dân có nhu cầu làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi thẻ căn cước công dân
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Tiên phong thực hiện xạ trị cho bệnh nhi: Dấn thân và hy sinh

Điều trị ung thư nhi có sự đóng góp quan trọng của xạ trị. Với nhiều đơn vị y tế, phương pháp này là một thách thức đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế trở thành một trong hai đơn vị hiếm hoi của cả nước triển khai xạ nhi gây mê nhờ có nhiều lợi thế.

Tiên phong thực hiện xạ trị cho bệnh nhi Dấn thân và hy sinh

TIN MỚI

Return to top