ClockThứ Ba, 28/02/2023 09:07
KỶ NIỆM 80 NĂM RA ĐỜI “ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM” (28/2/1943 – 28/2/2023)

Vì một nước Việt Nam “hùng cường và thịnh vượng”

TTH - “Ðề cương Văn hóa Việt Nam” do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943, là một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp “Kháng chiến, kiến quốc”, nhằm hướng đến xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, dân chủ, nhân văn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt NamChuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”

leftcenterrightdel
 

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: Tư liệu

Ra đời trong điều kiện đất nước chưa giành được độc lập, dân tộc Việt Nam đang bị thế lực thực dân – phát xít thống trị, kìm hãm và tìm cách “tha hóa” trí lực – thể lực các thế hệ con người Việt Nam bằng “rượu cồn và thuốc phiện”... Vì vậy, Đảng ta xác định cần phải có đường lối lãnh đạo, xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị nền tảng lý luận, khoa học cho việc kiến tạo một nền văn hóa mới khi giành được chính quyền về tay Nhân dân. Với ý nghĩa đó, “Đề cương Văn hóa Việt Nam” thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tư duy, tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền; xứng đáng là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về Văn hóa.

Nội dung “Đề cương Văn hóa Việt Nam” vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp, góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, từng bước xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa của chủ nghĩa thực dân. Qua đó, giác ngộ, tập hợp đông đảo nhiều văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa yêu nước đứng vào Hội Văn hóa cứu quốc - thành viên của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng thời, chỉ rõ về lịch sử, tính chất của văn hóa Việt Nam; nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân – phát xít Pháp – Nhật… Từ đó, đề ra phương hướng và nhiệm vụ cấp bách để xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời đại mới – thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đề cương cũng đã nhấn mạnh: Để làm được việc này, nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “Cách mạng Vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”…

Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng bản Đề cương Văn hóa đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến đó là: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người Cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”. Dựa trên quan điểm mácxít, đề cương nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam là: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, để cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập; khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ) và đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng).

Ba nguyên tắc trên luôn thống nhất biện chứng và không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Đề cương Văn hóa khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Đồng thời, cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”… Điều này cho thấy “Đề cương Văn hóa Việt Nam” thể hiện rõ tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc, thật sự là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Kế thừa thành quả từ “Đề cương Văn hóa Việt Nam”, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa – tư tưởng ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn trong thời kỳ đổi mới,hội nhập và phát triển đất nước, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền Văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc… Đây là kết quả của tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đã 80 năm trôi qua, “Đề cương  Văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chính là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: vì một nước Việt Nam “hùng cường và thịnh vượng”…

 

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45

Sáng 19/10, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Đại hội đồng AIPA-45 với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN" chính thức khai mạc với sự tham dự của đoàn đại biểu các Nghị viện/Quốc hội thành viên, quan sát viên và đối tác phát triển của AIPA. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thông điệp gửi Đại hội đồng AIPA-45. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn thông điệp.

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45

TIN MỚI

Return to top