ClockThứ Sáu, 07/12/2018 13:45

Tập trung nguồn lực di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành

TTH.VN - Sáng 7/12, phát biểu trước HĐND tỉnh về Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, đây là dự án lớn và có tác động đến 4.200 hộ dân. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cùng vào cuộc, người dân tích cực ủng hộ chủ trương, tỉnh cũng sẽ tập trung nguồn lực thực hiện đề án này.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trình bày đề án tại kỳ họp

Đề án cấp thiết

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trình bày trước HĐND tỉnh Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Theo đó, từ khi được công nhận di sản văn hóa thế năm 1993, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý di tích, quản lý chặt chẽ sử dụng đất, xây dựng và chống việc gia tăng dân số cơ học vào vùng di tích lịch sử. Trong giai đoạn 1996- 2018, đã từng bước thực hiện di dời 1.050 hộ dân tại các khu vực: bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng thành, Eo bầu phía Nam kinh thành...

Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành hiện đang có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Thực trạng dân cư đã được kiểm đếm để lập phương án di dời giai đoạn 1 (2019-2021) có 2.938 hộ với 10.955 nhân khẩu đang sinh sống trong 1.793 ngôi nhà; trong đó có: 104 hộ nghèo; 62 hộ cận nghèo; 65 hộ được hưởng chính sách người có công cách mạng, thương binh, liệt sĩ; 4.600 lao động phổ thông; 1.208 người không có việc làm, mức sức lao động.

Các hộ dân do không được xây dựng mới, sửa chữa quy mô lớn nên hầu hết các hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp.

Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực này không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích và làm nhà chồ trên mặt nước nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Phần lớn các hộ dân di dân do chiến tranh từ vùng ven vào thành phố (giai đoạn 1945 – 1975) nên cuộc sống của các hộ dân thuộc khu vực này đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống khó khăn, lao động phổ thông nên cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để tạo điều kiện xây dựng nhà tái định cư, nộp tiền sử dụng đất và ổn định cuộc sống.

Nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa do tiền nhân để lại; ổn định cuộc sống của người dân sống trong khu vực I di tích; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; ổn định và nâng cao đời sống người dân; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; việc tập trung di dời, giải tỏa các hộ dân khu vực I khoanh vùng bảo vệ các di tích Kinh Thành Huế là vô cùng cấp thiết.

Cần nguồn lực hơn 4.000 tỷ đồng

Cuộc sống tạm bợ của cư dân xung quanh kinh thành 

Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án di dời, bao gồm các nội dung: Bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất, nhà trên mặt nước. Hỗ trợ ổn định đời sống. Hỗ trợ đối với thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư. Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi thu hồi đất. Hỗ trợ chi phí di chuyển khi nhà nước thu hồi đất. Xây dựng khu tái định cư tập trung, bố trí đất ở trong khu tái định cư. Hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời, tái định cư: Đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và ổn định đời sống...

Theo kế hoạch thực hiện, phần di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế với tổng kinh phí là 2.735 tỷ đồng thực hiện trong 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 2019- 2021, di dời phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ) với kinh phí 1.880 tỷ đồng; giai đoạn 2022-2025: Di dời các di tích Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ) với kinh phí 855 tỷ đồng.

Phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời khu vực 1 di tích Kinh thành Huế quy mô 105 ha với kinh phí khoảng 1.362 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 (2019- 2021): 73 ha, tổng mức đầu tư khoảng 946 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2022-2025): 32 ha, tổng mức đầu tư khoảng 416 tỷ đồng.

Phát huy giá trị di tích sau khi di dời dân cư

Theo đề án này, sau khi di dời dân cư triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử. Để nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích, thực hiện các giải pháp khai thác với sự tham gia của cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa.

Cụ thể, tổ chức dịch vụ khai thác tuyến du lịch Thượng Thành và tham quan đời sống người dân Thành Nội. Cho phép cộng đồng tham gia trồng hoa tạo cảnh quan. Trưng bày toàn bộ tuyến Thượng Thành tái hiện lại hệ thống phòng thủ kiên cố thời quân chủ, các chứng tích chiến tranh. Phục dựng lễ Tế Xã Tắc hàng năm cũng như trong các dịp lễ hội Festival Huế, phục hồi nghi lễ quốc gia cho cộng đồng cùng tham gia. Hình thành điểm tham quan du lịch gắn yếu tố lịch sử văn hóa với cảnh quan môi trường sinh thái.

Cùng với đó, phục dựng các hoạt động làm việc, sinh hoạt vốn có dưới triều Nguyễn: buổi thiết triều; nghỉ ngơi, lưu trú kiểu Hoàng gia; tiệc tiếp khách cao cấp làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể triều Nguyễn. Hình thành các điểm tham quan du lịch có tính chất kết nối đồng bộ các hoạt động khai thác phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của Cố đô Huế, khai thác các dịch vụ phục vụ du khách về đêm.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

Ngày 2/1, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa TP. Huế đã tiến hành họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và thông qua nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng
Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

TIN MỚI

Return to top