ClockThứ Tư, 28/06/2017 09:18

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga phát triển mọi mặt

Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến 1/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn hai hãng tin lớn của Nga là TASS và Sputnik.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến 1/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn hai hãng tin lớn của Nga là TASS và Sputnik.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn:

- Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang phát triển tốt đẹp. Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết những thành tựu mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua và triển vọng hợp tác trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tôi vui mừng thăm chính thức Liên bang Nga lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vào những ngày này cách đây 94 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Viêt Nam đã đến nước Nga trong hành trình tìm đường cứu nước. Từ đó, Người đã viết nên những trang sử đầu tiên gắn bó hai dân tộc chúng ta.

Trong lòng người Việt Nam, nước Nga luôn gắn liền với những tình cảm thân thiết, thủy chung. Đất nước, con người, thi ca, âm nhạc Nga... đã lắng sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là những người đã từng học tập và làm việc ở nước Nga. Sự gắn bó từ lịch sử là nền tảng hữu nghị truyền thống vững chắc, là tài sản quý giá để hai dân tộc chúng ta giữ gìn và vun đắp để quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Trong suốt hơn 65 năm qua, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012, tôi rất vui mừng được chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu của quan hệ Việt-Nga với nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Cuối năm nay, Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN-Nga... Đặc biệt, Việt Nam và Nga đã và đang hợp tác chặt chẽ trong năm APEC Việt Nam 2017.

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Hai bên đã tiến hành Khóa họp lần thứ 19 Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật (tháng 9/2016), tiếp tục triển khai Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên.

Các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước. Trao đổi thương mại song phương đang tăng trưởng tích cực. Kim ngạch năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2015; bốn tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng 30% và đạt 1,1 tỷ USD. Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ôtô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt-Nga.

Tôi đánh giá cao việc Việt Nam là nước đầu tiên mà Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký Hiệp định Thương mại tự do và tin tưởng việc triển khai hiệu quả Hiệp định này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Việt-Nga, cũng như giữa Việt Nam và EAEU với mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020.

Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa và du lịch giữa hai nước được đẩy mạnh. Các hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai nước được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Trong năm 2016 đã diễn ra Những Ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, Những Ngày văn hóa Nga sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2017. Nga là một trong 10 nước có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất. Năm 2016, lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam đạt hơn 430.000 lượt người, tăng 12,8% so với năm 2015.

Nhìn tổng thể, có thể khẳng định, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, chúng ta cần tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, đưa quan hệ hai nước phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa.

- Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết những vấn đề trọng tâm hai bên sẽ trao đổi trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới của Ngài?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tôi mong đợi chuyến thăm Liên bang Nga lần này và sẽ chuyển đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, các nhà lãnh đạo và nhân dân Nga sự trân trọng và tình cảm sâu sắc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy.

Tôi và Ngài Tổng thống Vladimir Putin, các nhà lãnh đạo Liên bang Nga sẽ trao đổi về quan hệ hợp tác song phương, xác định phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Việt Nam khẳng định luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam. Đề nghị Liên bang Nga tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và hợp tác giữa các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hòa nhập tốt với nước sở tại, đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Việt Nam khẳng định luôn coi trọng vai trò của Liên bang Nga tại khu vực và trên thế giới. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có hợp tác giữa hai nước trong năm APEC 2017 và trong khuôn khổ ASEAN-Nga.

- Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, còn nhiều dư địa để mở rộng quan hệ song phương. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thời gian tới, Việt Nam và Liên bang Nga cần tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, triển khai mạnh mẽ hợp tác trong các lĩnh vực trụ cột về thương mại, năng lượng, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, vật liệu mới...

Tôi đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty dầu khí hàng đầu của Nga như Zarubezneft, Gazprom, Rosneft, hoạt động của các liên doanh dầu khí hai nước trên lãnh thổ của nhau. Vừa qua, hai bên đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định và Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trong khuôn khổ các liên doanh Rusvietpetro và Vietsovpetro nhằm tạo điều kiện cho các liên doanh này tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Hai bên cần nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, không chỉ hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí mà đẩy mạnh hợp tác cả trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, xây dựng đường ống, cung cấp dầu thô dài hạn cho nhà máy lọc dầu, sản xuất nhiên liệu hóa lỏng...; nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác năng lượng mới có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Liên bang Nga là quốc gia có trình độ khoa học-công nghệ, giáo dục hàng đầu thế giới, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về sản phẩm khoa học-công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực trên chưa đáp ứng nhu cầu và mong muốn của cả hai bên.

Tôi hoan nghênh việc hai bên đã ký kết Hiệp định liên Chính phủ năm 2014 về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó, thành lập Ủy ban Hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ; mong muốn ủy ban hoạt động hiệu quả, thúc đẩy và nâng tầm hợp tác về khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo giữa hai nước.

- Thưa Ngài Chủ tịch nước, Hiệp định Thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong việc đưa kim ngạch thương mại song phương Việt-Nga lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có ý nghĩa chiến lược, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EAEU nói chung cũng như với từng nước thành viên nói riêng. Đây là Hiệp định đầu tiên mà EAEU ký với một nước ngoài khối và cũng là hiệp định đầu tiên Việt Nam ký với một khối, một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của năm nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.200 tỷ USD và 183 triệu dân.

Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên EAEU xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, góp phần làm đa dạng hóa thị trường tiêu dùng của mỗi nước. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, dự kiến kim ngạch thương mại Việt Nam-Liên bang Nga tăng bình quân 18-20%/năm, đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020.

Với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU, Hiệp định này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.

Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực để EAEU mở rộng quan hệ hợp tác với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất, phát triển năng động với dân số trên 600 triệu người, GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.

- Xin trân trọng cám ơn Ngài Chủ tịch nước.

Theo Vietnamplus.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Bước đệm phát triển sau sáp nhập

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) “về chung một nhà” với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.

Bước đệm phát triển sau sáp nhập
Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ

Với mục tiêu đưa Thuận Hóa trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án (DA) trọng điểm, năm 2025 quận Thuận Hóa tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm cũng như khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá trên địa bàn.

Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ

TIN MỚI

Return to top