ClockThứ Bảy, 08/01/2022 10:25

Phân bổ vốn hài hòa giữa các vùng, công bằng nhưng không cào bằng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư.

Đóng góp ý kiến vào 8 dự án luậtSắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021: Hiệu quả bước đầuĐoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp dự thảo 8 luậtKhôi phục nhanh chuỗi sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội

Toàn cảnh phiên họp chiều 7/1. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại phiên thảo luận trực tuyến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chiều 7/1, các thành viên Chính phủ có liên quan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Giảm thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, dự kiến số giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021. Ngoài ra, năm 2022, chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm đến 5%, ông Phớc chỉ rõ, năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10% trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… Mức giảm này sẽ giúp giảm 49.400 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, nếu mức giảm thuế lớn hơn sẽ gây áp lực, mất cân đối ngân sách…

Về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, Bộ trưởng cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi đó, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng để có thêm nguồn lực.

Với ý kiến cho rằng có nên tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán, mặt hàng hạn chế tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán; với bất động sản, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua-bán.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, thị trường chứng khoán đang "rất tốt" và là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế. "Năm 2021, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tương đương 92,5% GDP của năm 2021, do vậy nên giữ nguyên mức thuế giao dịch. Nếu có siết sẽ siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế," ông Phớc thông tin.

Với thu thuế trên các nền tảng số, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường thu và tránh thất thu. Doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài sẽ thu theo quy định hiện hành của pháp luật.

Chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội đã nêu, chương trình này là các chính sách bổ sung ngoài khung khổ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu của nền kinh tế trong 5 năm. Vì vậy, trong quá trình thiết kế, Chính phủ cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng thể, dư địa của các chính sách trong các chương trình.

Khi triển khai chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền cho sử dụng dư địa của chính sách tiền tệ. Bởi vậy, trong chương trình này, dư địa chính sách tiền tệ ít mà chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.

Bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh yêu cầu khi thực hiện chương trình này là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính vì vậy, khi thực hiện, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Đối với việc giảm lãi suất, đây là vấn đề mà doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành Ngân hàng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay năm 2020 là khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm 0,8%. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi vay và giảm phí.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi, phí gần 40.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ đồng thời tăng lãi suất. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đặt ra yêu cầu là giảm mặt bằng lãi suất; đây là vấn đề thực sự khó khăn. Tuy nhiên, trong khi xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ đã cân nhắc để đưa ra giải pháp, phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5% đến 1% lãi suất trong 2 năm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo phân công của Chính phủ tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục được những giới hạn chế của những gói hỗ trợ trước. Ngoài ra, vấn đề huy động nguồn lực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của chính sách tiền tệ đối với tài khóa.

Phát huy vai trò chủ động, tích cực giám sát

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là vấn đề lớn và khó, có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với kinh tế mà còn cả về xã hội, hệ thống y tế, không chỉ tác động ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn, đặc biệt là chưa có tiền lệ.

Nhấn mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các chính sách này cần sớm được ban hành, thực hiện hiệu quả để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần sớm đưa đất nước nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu các kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế- xã hội nói chung, những khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, người lao động, nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách. Chính sách miễn, giảm thuế ngay trong năm 2022 là năm đầu thực hiện chương trình có thể thực hiện ngay 100%.

Để đảm bảo nguồn vốn, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu thông qua lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp…; huy động các nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước sau đó mới đến vốn vay ODA, tài trợ nước ngoài.

“Như vậy, việc đề xuất quy mô tổng thể, phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện giải ngân trong năm 2023," Bộ trưởng cho biết.

Về phân bổ, quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với chính sách tài khóa; đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của chương trình.

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách, Chính phủ đã nghiên cứu đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng, phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế. Chính sách tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt tập trung vào nâng cao năng lực phòng, chống dịch gắn với nâng cao năng lực, hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến trung ương; giải quyết việc làm, đào tạo lao động, phục hồi du lịch... Tiếp đó, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu đông bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Ngoài ra, còn phải phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.

Nêu rõ đây là chương trình có quy mô lớn, thời gian thực hiện tương đối ngắn hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, khả năng hấp thụ và để đảm bảo đạt được hiệu quả cũng như mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công chính là khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành sau khi các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình được Quốc hội thông qua.

“Chính phủ mong muốn và đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương mình sinh sống, làm việc," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top