ClockThứ Sáu, 28/06/2024 15:48
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV:

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

TTH.VN - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn sáng 28/6, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh đến sự cần thiết lập quy hoạch chung đô thị và một số nơi là quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Khẳng định vai trò của lực lượng phòng không nhân dân Cần có những ưu đãi về thuế đối với hoạt động sản xuất thuốcPháp quy hóa loại hình kinh doanh, phân phối thuốc mớiNgày 20/6, Quốc hội thảo luận về quy hoạch Thủ đô

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận 

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, trong đó lưu ý các nội dung về mức độ chi tiết, cụ thể về thời kỳ, thời hạn, tầm nhìn của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; phân cấp tránh nhiệm cấp, điều chỉnh quy hoạch; kinh phí, nguồn lực hỗ trợ quy hoạch; tổ chức quy hoạch… và các nội dung đại biểu quan tâm. 

Tại buổi thảo luận, các đại biểu góp ý, kiến nghị các nội dung như, cần làm rõ các tiêu chí phân loại; rà soát lại cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; làm rõ định nghĩa “dự án đầu tư đang triển khai” trong dự thảo luật; nghiên cứu nội hàm của một số thuật ngữ trong dự thảo Luật; bổ sung việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Tránh chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch; đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; rà soát, đơn giản hoá hệ thống các quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất và dễ thực hiện của các quy hoạch; bổ sung quy hoạch cụm xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn…

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần nhìn vào bản chất, tiêu chí của hai loại quy hoạch: Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị. 

Theo ông Nam, về bản chất, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia, các không gian về hoạt động kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn. Mặt khác, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, đại biểu đã phân tích 10 điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị, như: Kỳ hạn của quy hoạch tỉnh là 10 năm tầm nhìn 20 năm, còn quy hoạch chung đô thị là kỳ hạn 20 năm tầm nhìn 50 năm; đối tượng quy hoạch tỉnh là không gian phi vật thể; còn quy hoạch chung đô thị là không gian có vật thể cụ thể; mục tiêu khác nhau giữa hai quy hoạch này, một bên là xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội, một bên là xây dựng hình ảnh đô thị về dài hạn; tính biến động cao và tính biến động thấp; quy hoạch tỉnh bám sát về các chỉ tiêu kinh tế xã hội, phúc lợi xã hội, còn quy hoạch chung đô thị bám vào chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tương ứng các loại đô thị phân cấp đô thị…

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu cho rằng, trong hai quy hoạch cũng có một số điểm chồng chéo, do đó ban soạn thảo cần quan tâm tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu tích hợp hai quy hoạch này cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra. 

Sau khi giải trình ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam tham gia thảo luận tại hội trường 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên cơ sở tổng kết, đánh giá, hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để thể chế hóa chủ trương của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, hài hòa giữa phát triển kinh tế giữa các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết giữa đô thị và nông thôn, khắc phục bất cập của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, đồng bộ với Luật Quy hoạch. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua kinh nghiệm công tác, từ yêu cầu thực tiễn và lắng nghe ý kiến của cử tri, Nhân dân, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tên gọi của Luật, khái niệm, giải thích từ ngữ, vị trí, vai trò, cấp độ, tiêu chí phân loại quy hoạch, mối quan hệ và tính thống nhất giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch khác trong hệ thống các quy hoạch, phân định phạm vi với Luật Quản lý, phát triển đô thị, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch. 

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); 

* Cùng ngày, Quốc hội sẽ Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

NGỌC NHI
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top