Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: TTXVN
Quê gốc của ông ở làng Bàn Môn, nay thuộc xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Tên ba mẹ đặt là Lê Văn Giác. Khi bắt đầu đi học, thầy giáo nói với ba mẹ ông đổi tên thành vần A để ngồi gần bảng nhìn cho rõ hơn. Cái tên Lê Đức Anh có từ hồi đó.
Trải qua tuổi thơ và những ngày quyết tâm đi học trong cảnh nghèo, cậu học sinh Lê Đức Anh đã sớm đồng cảm với những người bị áp bức và tham gia hoạt động cách mạng từ thời trẻ. Từ làng quê xứ Truồi, lịch sử đã đưa ông tới và gắn bó ông với vùng đất Nam bộ suốt mấy chục năm gian lao và anh dũng. Hoạt động cách mạng ở đồn điền cao su và tham gia chỉ huy giành chính quyền ở Lộc Ninh, từ sau tháng 8/1945, ông tham gia quân đội. Trưởng thành từ một trung đội trưởng đến các vị trí tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn (từ tháng 10/1948 đến năm 1950). Từ năm 1951 cho đến tháng 7/1954, kết thúc cuộc kháng chiến chín năm, ông giữ vị trí tham mưu phó rồi quyền tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam bộ. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục được giao những trọng trách mới: Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu). Từ tháng 8/1963, ông là Phó Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một đêm tối mịt mù và giá rét giữa mùa đông, cuối tháng 12/1963, ông bí mật lên con tàu không số từ bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) để vào chiến trường Nam bộ. Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu bí mật đưa ông tới Đất Mũi, Cà Mau. Từ đó, ông chính thức nhận nhiệm vụ quan trọng: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền. Cũng từ đó, khi thì ở chiến trường Đông Nam bộ, khi thì về miền Tây, ông lăn lộn cùng bộ đội, cùng đồng bào, đồng chí trong cuộc chiến đấu và sống trong ký ức của quân dân khu 9, khu 7 với bí danh Sáu Nam thân thuộc.
Đồng chí Lê Đức Anh (thứ 2 từ trái qua) vào thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế vào tháng 5/2000
Tết Mậu Thân 1968, đang là Tham mưu trưởng Miền (B2), đồng chí Lê Đức Anh được phân công tham gia Sở Chỉ huy “Tiền phương 2” do đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách. Lực lượng của “Tiền phương 2” gồm các đơn vị từ Long An, toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8 đảm trách tấn công vào nội đô Sài Gòn từ hướng nam và tây nam. Các đơn vị biệt động đánh các mục tiêu: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Kho xăng Nhà Bè, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô và một nửa sân bay Tân Sơn Nhất; phát động quần chúng chiếm các khu lao động, chờ đón quân chủ lực vào nội thành...
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Lê Đức Anh (ông được thăng vượt cấp từ Đại tá cuối năm 1974) là Phó Tư lệnh Quân giải phóng, Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh Binh đoàn 232. Đây là cánh quân đã khóa chặt hướng tây và tây nam Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Quân và dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giải phóng địa bàn bằng lực lượng tại chỗ, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tướng Lê Đức Anh đã chỉ huy quân dân các tỉnh miền tây và binh đoàn chủ lực thứ năm trên hướng tây và tây nam cùng với các mũi tiến công trên bốn hướng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn của một chiến trường xa, vượt qua những bất lợi về địa hình và thời tiết ở một vùng đất có nhiều sông ngòi, kênh rạch, sình lầy chia cắt.
Đất nước thống nhất nhưng chưa bình yên trước những hoạt động gây hấn xâm lược của lũ “Khme đỏ” Pon Pot. Tháng 6/1978, Trung tướng Lê Đức Anh là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Ông cùng chỉ huy bộ đội tình nguyện Việt Nam giải thoát Nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng tháng 1/1979. Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng và tiếp tục lãnh đạo quân đội, lãnh đạo đất nước trong những năm tháng ở giữa tình thế khó khăn, phải vượt qua bao vây cấm vận và bước vào hành trình hội nhập, đổi mới.
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết về Đại tướng Lê Đức Anh: “Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước… Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh. Với ngần ấy công sức, tâm lực, cống hiến cho đất nước và dân tộc, anh xứng đáng được trân trọng”.
Từ ngày 16/2/1987 đến ngày 10/8/1991, Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ Nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương. Năm 1991, ông là Thường trực Bộ Chính trị (khóa VII). Năm 1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu là Chủ tịch nước.
Đồng chí Lê Đức Anh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa từ khóa V đến khóa VIII, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX. Từ tháng 9/1997 đến tháng 4/2001, ông là Cố vấn Trung ương Đảng.
Đại tướng Lê Đức Anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.
|
TS. Ngô Vương Anh