ClockThứ Tư, 23/10/2019 15:25

Luật phải dung hòa và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động

TTH.VN - Sáng 23/10, tham gia đóng góp ý vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại hội trường, GS. TS Phạm Như Hiệp, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mục tiêu cuối cùng là hướng đến một bộ luật liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội nên khi thông qua phải đảm bảo dung hòa được yêu cầu của thị trường, đòi hỏi của thực tiễn và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

Ứng xử với người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?

Đại biểu Phạm Như Hiệp tham gia ý kiến góp ý Bộ luật Lao động

Đại biểu Phạm Như Hiệp cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu giải trình và các điều chỉnh của dự thảo luật. Để hoàn thiện dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua, đại biểu tham gia một số ý kiến về đối tượng áp dụng, thời gian nghỉ lễ tết, tăng thời gian làm thêm và độ tuổi nghỉ hưu…

Tăng thời gian nghỉ lễ, tết

Về các ngày nghỉ lễ, tết, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì số lượng ngày nghỉ lễ, tết trong năm của nước ta vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành là 10 ngày. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có thời gian nghỉ lễ khá dài và chia thành nhiều đợt trong năm. Ở nước ta, Tết Dương lịch và ngày Quốc khánh là ngày lễ có ý nghĩa trọng đại của đất nước, trong khi đó chúng ta chỉ có bố trí 1 ngày, trên thế giới lại bố trí nhiều hơn.

Vì vậy, ông Phạm Như Hiệp đề nghị nên chăng tăng thời gian nghỉ lễ, tết trong năm theo phương án nghỉ ghép thêm ngày nghỉ vào dịp lễ Quốc Khánh, tết Dương lịch để người lao động có thời gian dài hơn nghỉ ngơi, có điều kiện hưởng thụ các dịch vụ cũng như đi du lịch, nghỉ dưỡng nhằm tái tạo được sức lao động.

Về bảo vệ thai sản (Điều 137), theo quy định tại điều này chỉ quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động làm việc vào ban đêm đối với phụ nữ mang thai tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đại biểu cho rằng, đối với phụ nữ mang thai ở những tháng cuối cũng rất quan trọng, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà có khi ở thành phố, công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp công việc cũng nặng nhọc không kém và cũng được bảo vệ thai sản. Do đó, cần quy định 6 tháng chung cho tất cả phụ nữ mang thai để đảm bảo tính công bằng.

Làm việc không quá 44 giờ một tuần

Người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải được nghỉ ngơi nhiều hơn để tái tạo sức lao động

Riêng về thời gian làm việc, chúng ta cần phải xét tổng thể nhiều yếu tố như độ tuổi nghỉ hưu, thời gian làm việc bình thường và việc tăng thời gian làm thêm… Theo quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), thì thời gian lao động bình thường vẫn giữ nguyên như Bộ luật Lao động năm 2012; theo đó thì thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi lần này cần có nhiều đổi mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; đồng thời cần bảo đảm tính công bằng trong điều kiện làm việc. Hiện nay, ở cơ quan hành chính nhà nước quy định thời gian làm việc là 40 giờ/tuần; đối với khối đơn vị hành chính sự nghiệp như giáo dục, y tế thời gian làm việc bình quân từ 44 - 48 giờ; đối với khối doanh nghiệp đa phần là 48 giờ.

Như vây, mặc dù trong dự thảo quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ nhưng trên thực tế chỉ khối cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện còn các khối khác vẫn đang áp dụng là mức từ 44 – 48 giờ/tuần.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước và dần hướng đến xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì được sức khỏe của người lao động, tái tạo năng lượng để nâng cao hiệu suất lao động, đề nghị dự thảo luật lần này nên quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 44 giờ trong một tuần.

Tăng thời gian làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ

Về làm thêm giờ (Điều 107), đại biểu Phạm Như Hiệp thống nhất phương án 2 đó là tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ như hiện nay lên tối đa 400 giờ. Bởi trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung thì thu nhập của người lao động còn thấp; việc tăng thời gian làm thêm để tạo thu nhập là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người lao động, đồng thời cũng là nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù dự thảo luật quy định tối đa không quá 400 giờ/năm nhưng trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tăng thời gian làm thêm tối đa theo quy định, mà phải đáp ứng được 3 yêu cầu trong đó có nội dung quan trọng là “Phải được sự đồng ý của người lao động”.

Vì vậy, đề nghị cần có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện việc tăng và giảm giờ làm thêm lên 400 giờ và sau đó có lộ trình để giảm sau khi đã hoàn thành chuyển đổi, cơ cấu lực lượng lao động theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học trong quản trị sản xuất để nâng cao năng suất lao động như công nghệ cao, số hóa, tự động hóa để tăng thu nhập, đặc biệt, khi đã hoàn thành lộ trình tăng độ tuổi về hưu để phù hợp với điều điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta thời điểm đó. 

Về tuổi nghỉ hưu, đại biểu thống nhất phương án 1 đó là “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035...

Thái Bình (ghi)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top