ClockThứ Sáu, 15/04/2022 06:50

Khơi thông kênh xuất khẩu lao động

Dệt may xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ sản xuấtLao động Việt có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài năm 2022“Bội thu” đơn hàng mùa dịch

Cháu tôi học đại học ngoại ngữ, rất thích nghề hướng dẫn viên du lịch. Dù đã thi lấy thẻ hướng dẫn viên, nhưng thời điểm cháu tốt nghiệp lại đúng lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, cánh cửa này tạm thời khép lại. Bàn về tương lai của cháu, tôi đưa ra ý kiến chọn đường xuất khẩu lao động. Sau khi nghe phân tích những cái được, như cơ hội việc làm nhiều, thị trường đa dạng, thủ tục dễ dàng, được vay vốn ưu đãi, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với làm việc trong nước…, ai cũng hào hứng, nhưng lại băn khoăn liệu có tình trạng “đem con bỏ chợ”, các thủ tục, chi phí cho việc học nghề, xuất cảnh ra sao, thu nhập thế nào,…

Câu chuyện của cháu có lẽ chỉ là một vài nét chấm phá của bức tranh xuất khẩu lao động hiện nay. Thực tế, chuyện xuất khẩu lao động ở nước ta có thể nói đã bắt đầu từ những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khi đó, con em các gia đình chính sách, gia đình cán bộ được ưu tiên đi hợp tác lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc,… giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn thời bao cấp. Nhiều em được đào tạo nghề ở nước ngoài trở về, trở thành những lao động nòng cốt ở các nhà máy mới đầu tư trong nước, như ở nhà máy sợi Thủy Dương là một ví dụ.

Những năm gần đây, chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phát triển mạnh mẽ, thị trường đa dạng, hình thức phong phú linh hoạt, trở thành một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Ở Thừa Thiên Huế, theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh  có gần 3,7 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, với thu nhập trung bình từ 20-35 triệu đồng/tháng, tùy theo thị trường. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều thị trường đóng cửa nên con số lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh chỉ chưa đến 500 lao động, đạt 27,3% kế hoạch. Tại hội nghị triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022 được UBND tỉnh vừa tổ chức ngày 13/4, năm nay phấn đấu đưa 2 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nguồn nhân lực dồi dào, hiệu quả của xuất khẩu lao động thì ai cũng thấy rõ; Nhà nước và các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ tối đa người lao động khi tham gia chương trình; nhiều doanh nghiệp kết nối với các địa phương, cơ sở đào tạo nghề về tận nơi để tuyên truyền, mời gọi người lao động tham gia… nhưng hiệu quả xem ra còn thấp.

Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là công tác tuyên truyền, vận động để người lao động và gia đình họ hiểu chủ trương chính sách, lợi ích và tin tưởng vào chính sách Nhà nước. Chỉ khi hiểu chính sách, người dân mới mạnh dạn vận động con em tham gia chương trình. Việc vận động, tư vấn cần cụ thể, sát với cơ sở để người lao động bình thường ở nông thôn dễ dàng tiếp cận.

Điều quan trọng, cần giúp người lao động tìm được đơn vị là dịch vụ uy tín, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ” như từng xảy ra trước đây. Điều này rất cần vai trò cầu nối của chính quyền và các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Khi một số lao động xuất khẩu thành công sẽ tạo niềm tin cho nhiều lao động khác tìm đến doanh nghiệp làm dịch vụ tốt, tạo sức lan tỏa cho phong trào đi lao động ở nước ngoài ở các địa phương.

Thực tế, không ít lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài gặp khó khăn về chi phí tư vấn, môi giới, học phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, tiền ăn trong thời gian học nghề, tiền mua vé máy bay… Các khoản này cộng lại từ vài chục triệu lên đến cả trăm triệu đồng - tùy thuộc vào thị trường lao động. Đây là khoản tiền không nhỏ với người lao động nông thôn.

Hiện Nhà nước đã có các chính sách về hỗ trợ ban đầu để học nghề, ngoại ngữ; tín chấp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Với những chính sách thông thoáng này, cùng với những tín hiệu tốt về mở cửa thị trường lao động ở các nước khống chế tốt dịch COVID-19, nhiều lao động sẽ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, giúp bản thân và gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

TIN MỚI

Return to top