ClockThứ Tư, 11/08/2021 08:52

Chính phủ quyết nhiều giải pháp đặc biệt, cơ chế, chính sách đặc thù để dồn lực chống dịch hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV, trong đó áp dụng một số nội dung khác với quy định của luật. Dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, biến chủng Delta nguy hiểm hơn, phát tán mạnh hơn. Việc chống dịch lần này là chưa có tiền lệ.

Chính phủ được ban hành Nghị quyết có những nội dung khác với luật định để phòng, chống dịchLiều "vaccine" thiết thực, ý nghĩa với người dânThủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19Cảnh giác và tiết giảm là thiết thực chung tay chống dịchĐường dây nóng trực tuyến hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ

Ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Trụ, nơi được chuyển đổi thành Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Long An. - Ảnh: VGP

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua.

Quốc hội đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch…

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 268 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu

Được sự cho phép của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ quy định rõ những giải pháp cấp bách, đặc thù nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội.

Tại Nghị quyết, Chính phủ nhận định thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay

Nghị quyết 86 gồm 5 điều, trong đó Điều 1 quy định các giải pháp cấp bách; Điều 2 quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, Điều 3 về tổ chức thực hiện; Điều 4 về điều khoản thi hành. Điều 5 quy định trách nhiệm thi hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản khác của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.

TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9

Tại Điều 1, Nghị quyết nhấn mạnh, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Đây là một nội dung quan trọng để các địa phương chủ động hơn trong áp dụng các biện pháp chống dịch.

Nghị quyết đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.

Các địa phương căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu: Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Nghị quyết nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hết sức mình có thể.

Nghị quyết cũng nêu rõ các giải pháp cấp bách về công tác y tế (xét nghiệm; sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19; về vaccine, thuốc điều trị COVID-19; xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19); bảo đảm an ninh, trật tự; sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội; thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin; về kinh phí; về tổ chức, nhân lực.

Trong đó, có hàng loạt nội dung mới, quan trọng. Đơn cử như việc Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội, nhất là lực lượng quân y, binh chủng hóa học, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị, vật tư và tham gia cứu trợ Nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa…

Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa...

Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.

Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định việc thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung, thống nhất các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác; tiết kiệm tối đa, dồn kinh phí cho chống dịch

Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.

Trên cơ sở dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực.

Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương. Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng  Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch.

Để tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Nghị quyết yêu cầu thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù

Một nội dung hết sức quan trọng của Nghị quyết là Điều 2 về các cơ chế, chính sách đặc thù, trước hết là cơ chế đặc thù cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19, trong đó có thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất tại Việt Nam.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động. Quy định này là chưa có tiền lệ, chưa được quy định trong Luật Khám chữa bệnh.

Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc quy định giao Bộ Y tế ban hành thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch là khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết cũng chỉ rõ các cơ chế, hình thức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, Nghị quyết hướng dẫn rất cụ thể về xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn cả trường hợp không xác định được giá do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua sắm một số trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu để trang bị cho một số cơ sở y tế trực thuộc, trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thành lập và dự phòng để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương.

Với tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian có dịch, có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực…

Một điểm rất đáng chú ý trong phần tổ chức thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết xin ý kiến cấp ủy, đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Việc giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hiệu lực thi hành, áp dụng của Nghị quyết cũng rất đặc biệt. Theo Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày có quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nổi bật tuần qua: Thi hành kỷ luật các đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; Thanh tra hai dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Trong tuần từ ngày 6-12/1, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Thủ tướng thăm và làm việc tại Lào; Triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương; Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; Công bố quyết định thanh tra 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2; Bộ Y tế thông tin “virus gây viêm phổi trên người HMPV tại Trung Quốc”.

Nổi bật tuần qua Thi hành kỷ luật các đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; Thanh tra hai dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT

Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành bổ sung những quy định mới nhằm đồng bộ, thống nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên THCS, THPT hiện hành và các quy định về thi, kiểm tra đánh giá có liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT

TIN MỚI

Return to top