ClockThứ Tư, 20/11/2024 11:28

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

TTH - Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Tàu hỏa lại trật bánh tại khu vực Lăng Cô Kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy tại các chung cư, nhà trọ Xác minh vụ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô bán tải

Phối hợp tăng cường lực lượng để kiểm tra xe ô tô kinh doanh vận tải 

Qua kiểm tra camera giám sát hành trình, lực lượng Thanh tra Giao thông (TTGT) của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phát hiện, chỉ trong 1 tháng (7/2024) có gần 100 trường hợp xe ô tô vi phạm tốc độ. Có trường hợp xe ô tô vi phạm lỗi này lên đến hàng trăm lần và gần 1.000 lần trong tháng 7/2024.

 Cụ thể là xe ô tô BKS 75B-01997 vi phạm tốc độ đến 974 lần/tháng. Đây là xe hợp đồng của Công ty TNHH MTV Festival Bus (địa chỉ ở phường Vỹ Dạ, TP. Huế). Hay như xe container BKS 75H-00872 của Công ty TNHH TCT Quang Trung (địa chỉ xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) vi phạm tốc độ 316 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75H-00021 cũng của Công ty TNHH Quang Trung vi phạm tốc độ đến 203 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75C-08034 của hộ kinh doanh cửa hàng Cường Ty (ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) vi phạm tốc độ 205 lần/tháng; xe ô tô tuyến cố định BKS 38G-00130 của HTX Dịch vụ vận tải Tiến Lực (ở phường An Đông, TP. Huế) vi phạm tốc độ 831 lần…

Trước thắc mắc vì sao xe phát hiện vi phạm trong tháng 7 mà đến tháng 10/2024 (sau 3 tháng), lực lượng chức năng mới thông báo vi phạm rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT? Đại diện Sở GTVT cho rằng, thông thường giám sát hành trình sẽ thông báo vi phạm sau 3 tháng, nên mới có việc kéo dài thời gian thông báo vừa nêu.

“Với những xe ô tô vi phạm lỗi quá tốc độ, Sở GTVT sẽ thông báo và ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Đồng thời, chỉ đạo các bến xe khách từ chối thực hiện các thủ tục xuất bến, không xác nhận vào lệnh vận chuyển đối với các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho biết. 

Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng đã gửi quyết định đến các đơn vị kinh doanh vận tải và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT, nhưng vẫn có không ít đơn vị chưa chấp hành nộp phù hiệu về Sở GTVT theo quy định; trong số đó có không ít phương tiện vận tải phù hiệu, biển hiệu đã hết hiệu lực.

Để giải quyết triệt để các trường hợp vi phạm theo quy định, ngoài giao lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, Sở GTVT còn phối hợp với lực lượng CSGT, TTGT các tỉnh, thành phố trong cả nước, nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện các phương tiện, chủ phương tiện đã có thông báo quyết định thu hồi, nhưng vẫn cố tình sử dụng phù hiệu để tiếp tục kinh doanh vận tải thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở GTVT cương quyết không cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm cố tình phớt lờ, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.

Từ nay đến cuối năm 2024 là thời điểm mà các đơn vị kinh doanh vận tải tăng chuyến, tăng số lượng xe để phục vụ vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách. Thông thường sẽ có các đợt ra quân tăng cường lực lượng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng, điều mà người dân cần và để có sự cạnh tranh lành mạnh là lực lượng TTGT, CSGT và ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý phương tiện vận tải, tránh tình trạng các lái xe, chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải cố tình vi phạm tốc độ, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

“Việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là về tốc độ sẽ được phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần thượng tôn pháp luật để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chủ đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở GTVT đã ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu trên 330 phương tiện; đồng thời, chỉ đạo các bến xe khách từ chối thực hiện các thủ tục xuất bến các phương tiện vi phạm này.
Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải

Lái xe chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); chưa cam kết về việc chạy xe đúng tốc độ quy định; công ty không cấp thẻ nhận dạng cho lái xe… Đó là những hành vi vi phạm được lực lượng nghiệp vụ của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công ty, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn tỉnh.

Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải
GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

TIN MỚI

Return to top