ClockThứ Sáu, 15/05/2020 08:39

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020

TTH.VN - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

Triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; đẩy nhanh tái đàn, tiếp tục kiểm soát giá thịt lợn, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; chuẩn bị các phương án, giải pháp phù hợp để tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế; bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020. Nghị quyết nêu rõ, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19 nhưng tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm đình trệ hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu, nhất là ở các nước đối tác lớn của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đón đầu thời cơ, quyết tâm thực hiện ‟mục tiêu kép” - vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại; trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì đất nước, vì dân tộc, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương, sâu sát ngành, lĩnh vực, địa bàn, chủ động có các biện pháp, đối sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bằng những giải pháp cụ thể để phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Đồng thời, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm; kiên quyết không để tình trạng một số cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.

Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, coi đây là 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách, quy định pháp luật phù hợp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt, giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thuận lợi.

Các Bộ, cơ quan quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý chuyên ngành, các địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để có giải pháp điều hành phù hợp với tình hình.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bộ Tài chính triển khai hiệu quả Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền việc gia hạn, miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, thuế để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, cập nhật tình hình, xây dựng kịch bản tổng thể về tăng trưởng kinh tế năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát việc các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải chuyển nhượng vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Công Thương tập trung rà soát, có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển bền vững thị trường trong nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, chủ động kế hoạch triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Khơi thông, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nhất là nông sản. Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ... Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương; sớm đưa các dự án, công trình công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động. Đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; khẩn trương xây dựng văn bản quy định sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tái đàn, tiếp tục kiểm soát giá thịt lợn, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, ứng phó thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, nhất là lúa gạo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác; phối hợp với Bộ Công Thương chuẩn bị phương án đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 42 tỷ USD. Đẩy nhanh tái đàn, tiếp tục kiểm soát giá thịt lợn, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư và Luật Lâm nghiệp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các chính sách an sinh xã hội khác, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; không để trục lợi chính sách, vi phạm quy định. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, tăng cường quản lý lao động nước ngoài. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội. 

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân, xây dựng cơ bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, quyết tâm phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó: Dự án nâng cấp, cải tạo 02 đường lăn, cất hạ cánh của sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 6 năm 2020; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông khởi công trong tháng 8 năm 2020 khi được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khởi công trong quý I năm 2021.

Chuẩn bị các phương án tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng bộ chỉ tiêu du lịch an toàn; tổ chức triển khai chương trình du lịch an toàn, tăng cường truyền thông, quảng bá về các địa điểm du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp hè; chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp phù hợp để tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 5 năm 2020; ban hành Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP trong tháng 5 năm 2020.

Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác tổng kết thi đua khen thưởng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phối hợp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo dõi sát tình hình trên đất liền, biên giới, hải đảo, nhất là Biển Đông, chủ động phương án ứng phó, không để bị động bất ngờ.

Bộ Công an chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ; buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, tín dụng đen.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị trực tuyến và hoạt động khác theo phân công trong Chương trình ASEAN 2020, không để gián đoạn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở các nước, đối tác lớn của ta và trên thế giới.

Đẩy mạnh nghiên cứu và cung cấp các sản phẩm công nghệ số

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số như: thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực…; tuyên truyền rộng rãi và có hiệu quả các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam, khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng. Chỉ đạo cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả, thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, những giải pháp, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo khí thế mới thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo quyết liệt trình Chính phủ ban hành 13 văn bản quy định chi tiết các luật theo phân công đang nợ đọng trước khi diễn ra kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; 21 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 01/7/2020 trước ngày 15/5/2020 và tập trung xây dựng trình ban hành đúng tiến độ 21 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021; đồng thời trình 30 đề án nợ đọng trước ngày 10/5/2020 và chủ động xây dựng, bảo đảm trình đúng tiến độ 20 đề án theo Chương trình công tác tháng 5 năm 2020.

Về phương án điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án “Chủ trương khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước”, trong đó cập nhật, điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2020.

Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, ngành tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15/5/2020; trong đó lưu ý việc rà soát, thống nhất với Bộ Tài chính về các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tài chính, ngân sách nhà nước nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc

Về kế hoạch thực hiện chương trình năm học 2019-2020 và phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, Chính phủ đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực hướng dẫn các địa phương cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn, chu đáo, đồng thời lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc; Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kỳ thi ở địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện giám sát; phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công; sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi ở địa phương, tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương mình.

Thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ

Về Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn những vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp với Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Về việc thực hiện chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đang công tác tại các huyện nghèo, Chính phủ thống nhất: Không thu hồi kinh phí đã chi thực hiện chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đối với các huyện nghèo Nhóm 2 quy định tại Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 kể từ ngày Quyết định số 275/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày 07/3/2018) đến ngày Bộ Nội vụ ban hành văn bản số 1044/BNV-TL ngày 11/3/2019.

Không truy lĩnh đối tượng, kinh phí đối với các địa phương chưa thực hiện chính sách theo văn bản số 3682/BNV-TL ngày 06/8/2018 của Bộ Nội vụ; số kinh phí đã chi được tổng hợp vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương (các tỉnh sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương theo quy định để thực hiện); trường hợp địa phương thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung theo quy định.

Khẩn trương hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Về việc duy trì hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ truyền hình cáp tương tự sau ngày 31/12/2019, Chính phủ thống nhất: Tiếp tục duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự từ thời điểm sau ngày 31/12/2019 cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành.

Về tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ; 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện).

Trong quý II năm 2020, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; sẵn sàng cung cấp, kết nối, tích hợp dữ liệu để cung cấp thông tin về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các vấn đề phát sinh nổi cộm, dư luận quan tâm để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm ban hành mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình để làm cơ sở cho việc cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử thống nhất trên toàn quốc (theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP), bảo đảm triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020.    

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất

Ngày 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Dự và chỉ đạo hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình. Tại điểm cầu Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất
Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống
Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TIN MỚI

Return to top