ClockThứ Năm, 09/12/2021 06:30

“Cú huých” từ cơ chế, chính sách đặc thù

TTH - Ngày 1/1/2022, Nghị quyết (NQ) số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức có hiệu lực. Đây được xem là “cú huých”- tạo nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tăng trưởng bền vữngTuyên truyền về những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế"Cú hích" cho Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ

Lễ hội đường phố - một trong những điểm nhấn của Festival Huế

Tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển

Theo NQ, 6 lĩnh vực Thừa Thiên Huế được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm: Được vay tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN); ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào NSNN; được hưởng 50% số thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế.

Trong bối cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tỉnh sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển các cơ chế thuộc nhóm quản lý tài chính ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế hậu COVID-19 và bồi dưỡng nguồn thu từ các cơ chế, chính sách thông qua việc tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tăng nguồn thu từ phí tham quan di tích, huy động vốn đóng góp vào Quỹ Bảo tồn di sản nhằm tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù giúp cho tỉnh có thêm nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ (Trong ảnh: Sân bay Phú Bài đang được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu 5 triệu lượt khách/năm)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, các cơ chế, chính sách thực sự chỉ phát huy hiệu quả khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ nỗ lực mạnh mẽ trong tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai xây dựng các chương trình hành động thực hiện NQ cùng kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện NQ.

Cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế

Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030 chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như: tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài,… Ngoài ra, chú trọng hoàn thiện các hạ tầng đô thị Huế; đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị TX. Hương Trà và Hương Thủy được hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí về đô thị khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, ngoài vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, tỉnh có chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng, mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước; bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế; giải quyết vấn đề di, giãn dân trong Kinh thành Huế, phát triển trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế, trung tâm KHCN của cả nước… là mục tiêu hướng đến” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.      

Với những chương trình cụ thể và bước đi vững chắc, tin tưởng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; và là “một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo mục tiêu mà NQ54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

TIN MỚI

Return to top