ClockChủ Nhật, 14/11/2021 14:48

"Cú hích" cho Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ

TTH.VN - Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù kỳ vọng sẽ là nguồn lực to lớn để địa phương thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Dưới đây là ý kiến tâm huyết của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý và người dân.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên HuếCơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế là mục tiêu phát triển chung của Quốc giaỦng hộ Thừa Thiên Huế thí điểm cơ chế, chính sách đặc thùVận hội cho di sảnQuốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên HuếCơ chế, chính sách đặc thù là tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trịỦy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua 4 cơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên HuếXem xét thông qua thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế

Cơ sở hạ tầng đô thị Huế sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Ảnh: M.Trúc 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu: “Cú hích” để tỉnh phát triển

Nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh khai phá những dư địa, tiềm năng phát triển một cách mạnh mẽ và là điểm tựa cơ bản, vững chắc; là "cú hích" để tỉnh phát triển, nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền. Nhất là tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn lực to lớn để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát triển di sản; phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi nghị quyết có hiệu lực, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, hậu cần để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui: "Không ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương"

Với cơ chế, chính sách như Nghị quyết thì sẽ không tác động lớn đến số thu ngân sách Trung ương và bảo đảm cân đối chung. Việc hình thành quỹ không được lấy nguồn ngân sách Trung ương là một trong các mục tiêu quan trọng của áp dụng cơ chế đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực tăng thu ngân sách, đóng góp thêm cho ngân sách trung ương. Do vậy, việc áp dụng Nghị quyết sẽ không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Tỉnh đang có phương án di dời các trụ sở hành chính công về đơn vị hành chính mới đảm bảo hiệu quả cho việc sử dụng đất. Nếu như có di chuyển đấu thầu thì phần đấu thầu đất tiếp tục hỗ trợ lại cho tỉnh để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh: “Mỗi người dân cần tự đánh thức mình”

Cảm giác vui lúc này không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả đội ngũ khoa học, trí thức nói chung và các tầng lớp nhân dân. Huế từng là kinh đô với sự lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ, mọi tinh hoa hội tụ về đây, sản sinh ra hiền tài lan tỏa cả đất nước. Bây giờ, với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, tôi hi vọng Huế sẽ tìm lại vị thế vốn có của mình.

Quần thể di sản Huế có thêm nguồn lực đầu tư tôn tạo từ cơ chế, chính sách đặc thù của chính phủ. Ảnh: M.Trúc

Thế mạnh của Thừa Thiên Huế là văn hóa và di sản. Thành thực mà nói, chính di sản, văn hóa mới giúp Huế được Trung ương chú ý. Do vậy, chúng ta cần bảo tồn tốt di sản. Tôi nghĩ rằng, vấn đề cấp thiết bây giờ là xác định, điều tra rồi bảo tồn và phát huy văn hóa, di sản Huế.

Cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua lần này chủ yếu thiên về kinh tế nên chính quyền lẫn Nhân dân phải chung tay sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng ta không có những doanh nghiệp lớn, cực lớn như các địa phương khác để đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhưng nói cho cùng, chúng ta phải đảm bảo bài toán kinh tế. Và chúng ta phát triển dựa trên nền tảng văn hóa là thế mạnh, cho dù điều ấy không hề dễ.

Hơn lúc nào hết, người dân cần chung tay với chính quyền. Chính quyền cũng cần có những chính sách cụ thể để khơi dậy những tiềm năng chưa phát huy hết. Mỗi người dân cần đánh thức mình, cùng chung tay để đảm bảo về kinh tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Văn Được: “Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi”

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi mà cả tỉnh đều có những vọng ở kỳ họp Quốc hội lần này. Khi Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho tỉnh với tỉ lệ tán thành cao, chúng tôi rất vui mừng. Trên các kênh thông tin của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ai cũng phấn khởi. Với Nghị quyết lần này, chúng ta như có được “Thượng phương bảo kiếm” để tạo bệ phóng cho đầu tư phát triển.

Những năm qua, điều kiện kinh tế của Thừa Thiên Huế còn khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp nên chúng ta cần nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ thêm. Quốc hội đã rất ưu ái thông qua 6 cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế. Trong đó, tôi vui nhất là cơ chế thu từ việc xử lý nhà, đất. Đây là nguồn thu rất có tiềm năng. Ngoài ra, Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập giao tỉnh quản lý cũng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Thừa Thiên Huế sẽ có kinh phí từ quỹ để đảm bảo việc trùng tu di sản hiệu quả, qua đó tạo ra sự bền vững trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Nói cho cùng, chúng ta cũng xây dựng một thành phố đặc thù di sản, đây là điều kiện tốt, thuận lợi quá lớn. Còn các cơ chế khác cũng tạo ra điều kiện rất thực tiễn.

Không chỉ Đảng bộ, chính quyền tỉnh mà cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cũng tự thấy trách nhiệm đối với sự ưu ái của Trung ương. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi sẽ cùng với tỉnh chung tay phát triển kinh tế.

Cử tri Lê Cẩn (xã Thuỷ Phù, TX. Hương Thuỷ): Nghị quyết là một lợi thế

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết cho thấy Quốc hội và đồng bào cả nước rất quan tâm cũng như có sự tác động, giúp Thừa Thiên Huế tiếp tục đi lên, phát triển trong thời gian tới.

Thừa Thiên Huế từ lâu đã nổi tiếng là thành phố di sản, vùng đất với rất nhiều sự kiện văn hoá lễ hội. Một khi được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có Quỹ bảo tồn di sản Huế, tôi cho rằng đó là một lợi thế, một cú hích để tiếp tục phát huy những giá trị vốn có. Điều này sẽ giúp tỉnh nhà trong tương lai gần sẽ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn trên thế giới.

Tôi mong rằng, người dân cùng nhau chung tay, với sự lãnh đạo của bộ máy chính quyền địa phương sẽ đóng góp toàn tâm, toàn lực để tỉnh nhà đạt được những thắng lợi trên nền tảng vốn có cũng như từ sự ủng hộ của Trung ương.

6 cơ chế, chính sách đặc thù:

Theo Nghị quyết, 6 lĩnh vực Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm: Được vay tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán; được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước; ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước; được hưởng 50% số thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Thái Bình - Lê Thọ - Phan Thành (Thực hiện)

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top