ClockThứ Tư, 15/09/2021 07:30

Chặn dịch trên tuyến biên giới

TTH - Cùng với tăng cường lực lượng ở các chốt bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch COVID-19 tại các đường mòn, lối mở và cửa khẩu, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh ưu tiên tuyên truyền, giúp đồng bào khu vực biên giới ý thức về phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ Đồn BPCK A Đớt phối hợp tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện quy trình phòng, chống dịch

Ròng rã bám chốt

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt, được phân công làm Chốt trưởng Chốt số 1 quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới A Lưới từ ngày đầu lập chốt (18/3/2020) đến nay. Đây là chốt được thành lập đầu tiên trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh. Kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, anh cùng lực lượng đơn vị ròng rã bám chốt, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, chưa một lần được về thăm gia đình.

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn chia sẻ, cùng với nhiệm vụ chốt chặn, khóa chặt biên giới, sau khi huyện A Lưới có ca dương tính với Sars-CoV-2, đồng thời người dân địa phương từ vùng dịch trở về thực hiện cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà ngày càng nhiều, đơn vị đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền, các ban, ngành địa phương giám sát chặt khâu cách ly tại nơi cư trú, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K, cũng như quy trình phòng, chống dịch bệnh.

Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn BPCK A Đớt cho biết thêm, đơn vị thành lập 6 tổ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên biên giới và tại trạm cửa khẩu, 1 tổ tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp công dân Việt Nam trở về từ bên kia biên giới, đơn vị sẽ phối hợp kiểm tra sức khỏe, lấy lời khai ban đầu, thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch bệnh và đưa vào khu cách ly tại huyện A Lưới. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các xã thuộc địa bàn quản lý tổ chức rà soát các đối tượng F2, đối tượng trở về từ vùng dịch, đã hoàn thành cách ly tập trung ở các khung T của tỉnh, tiếp tục cách ly theo dõi y tế tại nhà để tuyên truyền, vận động, đồng thời tổ chức để người dân ký cam kết tự giác chấp hành đúng quy định về cách ly tại nơi cư trú.

Đồn Biên phòng Nhâm mặc dù là đơn vị không có cửa khẩu, nhưng là địa bàn có nhiều đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, do đó, Ban Chỉ huy đơn vị đã lập các chốt chặn, mỗi chốt gồm 5 cán bộ chiến sĩ cùng phối hợp với lực lượng công an, dân quân các xã kiểm soát, phân công cán bộ quân y túc trực đo thân nhiệt, kiểm tra y tế nhằm kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Theo Trung tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm, cùng với việc thành lập các chốt, đơn vị tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, ông Hồ Trọng Chăn bày tỏ, lực lượng biên phòng phối hợp cùng các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên địa phương tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thực hiện rà soát, tuyên truyền các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch với nhiều hình thức như tổ chức ký cam kết, phát khẩu trang miễn phí, phát tờ rơi, phát dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn đồng bào khai báo y tế...

Phù hợp tình hình, cấp độ

Cùng với tuyến biên giới đất liền, để thắt chặt tình trạng xâm nhập từ đường biển nhằm tránh kiểm tra y tế, các đồn biên phòng tuyến biển tăng cường thêm các tổ tuần tra, kiểm soát, các điểm chốt chặn kết hợp tuyên truyền sâu rộng đến tận ngư dân vùng biên giới biển.

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lăng Cô thông tin, đơn vị thành lập 2 tổ tuần tra kiểm soát ở khu vực bờ biển và trạm cửa khẩu để phát hiện kịp thời các trường hợp đưa người từ vùng dịch vào địa bàn. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền cho các thuyền viên, chủ tàu thuyền hiểu về hành vi đưa người từ địa phương khác, nhất là từ vùng dịch vào địa phương bằng tàu thuyền đi biển.

Để kiểm soát việc đi lại của các tàu thuyền, ngoài hoạt động của các trạm biên phòng, các đơn vị tuyến biển phối hợp thành lập các chốt biên phòng tại các cảng cá, khu vực neo đậu tàu thuyền của bà con ngư dân. Trong những ngày này, các trạm biên phòng tăng cường kiểm tra tàu cá, kể cả người và phương tiện nhằm chủ động trong thời tiết mưa bão; đồng thời, quản lý chặt tình trạng người từ vùng dịch lén lút, di chuyển bằng tàu cá, bằng đường bộ ven biển trở về Huế, né cách ly.

Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh nhận định, các đơn vị tuyến biển còn chú trọng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, đấu tranh hiệu quả với các hành vi tổ chức đưa người từ vùng dịch trở về địa phương bằng đường biển; nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các hành vi lợi dụng giãn cách dịch bệnh để vi phạm pháp luật.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Bộ chỉ huy sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới bổ sung phương án phòng, chống dịch bệnh cụ thể, phù hợp với địa bàn quản lý và cấp độ theo tình hình diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, nắm được các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là trong tình hình cấp bách hiện nay.

BĐBP tỉnh đã huy động trên 500 cán bộ, chiến sĩ tăng cường kiểm soát tất cả các đường mòn, lối mở, các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền và tuyến biển. Tổ chức trên 30 tổ chốt chặn, trong đó có 20 tổ cố định và hơn 10 tổ cơ động. Mỗi đồn biên phòng tổ chức 2-3 đội tuyên truyền phòng, chống dịch tùy vào phạm vi địa bàn quản lý.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình gian nan tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào

Mùa khô 2023 - 2024, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào của Đội Quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tiếp tục gặp nhiều gian nan và thử thách.

Hành trình gian nan tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào
“Bén rễ” trên vùng đất mới

Những người Lào sau nhập quốc tịch đã yên tâm “an cư lạc nghiệp” ở vùng cao A Lưới. Họ được quan tâm, chăm lo đời sống và hưởng các chính sách bình đẳng như người dân bản địa.

“Bén rễ” trên vùng đất mới

TIN MỚI

Return to top