ClockThứ Bảy, 29/08/2020 13:45

Phong Điền: Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản mong sớm được cấp GCNQSDĐ

TTH - Nuôi trồng thủy hải sản nhiều năm nay trên vùng đất phía đông Tỉnh lộ 22, thuộc các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Phong Hải (Phong Điền), nhưng các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)…

Phong Điền cấp mới GCNQSDĐ đạt tỷ lệ 94,24%

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía đông Tỉnh lộ 22 chưa được cấp GCNQSDĐ nên gặp rất nhiều khó khăn

Không dám mạnh dạn đầu tư

Ông Võ Đen, thôn Trung Đồng, xã Điền Hương cho hay, năm 2010, theo lời kêu gọi của UBND xã, ông đã đăng ký và được cấp 1ha đất ở vùng phía đông Tỉnh lộ 22 để nuôi trồng thủy sản.

Sau khi ra đây, ông đã đầu tư xây dựng nhà cấp 4 để ở và đào 4 hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, nhiều lần ông yêu cầu UBND xã lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ nhưng chưa được. Do không có GCNQSDĐ nên ông không thể thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện tại, ông phải cho người khác thuê 2 hồ để nuôi tôm thẻ chân trắng, tránh lãng phí. Còn lại ông nuôi 1 hồ, bỏ hoang 1 hồ.

Tương tự, năm 2010, ông Võ Hào cũng được giao đất đào 4 hồ để nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên thua lỗ. Mặc dù rất muốn theo nghề nuôi tôm, nhưng không có vốn, đành bỏ hoang 3 hồ và chỉ cầm cự 1 hồ. Ông rất mong muốn được cấp GCNQSDĐ để thế chấp ngân hàng vay vốn tiếp tục nghề nuôi trồng thủy, hải sản đã gắn bó với ông.

Một trường hợp khác, ông Hồ Cường nhận chuyển nhượng lại của một hộ dân nơi đây vào năm 2015 với diện tích gần 1,5ha. Hiện tại, ông Cường đã đầu tư nuôi 5 hồ ốc hương, 3 hồ tôm thẻ chân trắng, nhưng vẫn còn 1 hồ bỏ hoang.

Theo ông Cường, do chưa được cấp GCNQSDĐ, nên ông không dám đầu tư nhiều vì thiếu vốn và chưa chắc chắn vì chưa cấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, vì không có GCNQSDĐ nên muốn sử dụng điện để nuôi trồng thủy sản, ông phải đóng tiền quỵ với số tiền là 28 triệu đồng…

Ông Nguyễn Văn Hồ, Trưởng thôn Trung Đồng, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Đồng, xã Điền Hương cho biết, trên địa bàn thôn Trung Đồng có 32 hộ dân sống phía đông Tỉnh lộ 22 đã đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay. Các hộ này phần lớn đều chưa được cấp GCNQSDĐ, do đó rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Hơn nữa, do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư xây dựng để được hỗ trợ theo Quyết định 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, các hộ phải đóng tiền quỵ từ 5 đến 35 triệu đồng (tùy mức sử dụng điện của hộ gia đình và thông qua Ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền) mới được cấp điện phục vụ đời sống, sản xuất. Do khó khăn nên đã có 17/100 hồ bị bỏ hoang, rất lãng phí.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Ông Trần Gia Truyền, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, đối với khu vực phía đông Tỉnh lộ 22 (trừ lộ giới Tỉnh lộ 22 và cách mép biển lên 200m theo Quyết định 61/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiêp) đã được các hộ dân đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các hộ dân đã sử dụng đất ổn định, phù hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản xã Điền Hương đến năm 2020, quy hoạch sử dụng đất huyện Phong Điền đến năm 2020. Các thửa đất ở khu vực này không thuộc đất quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng theo Quyết định số 1511/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh về việc chuyển loại rừng trên địa bàn tỉnh. Do đó, các cấp chính quyền cần xem xét, giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ cho các hộ ổn định sản xuất.

Báo cáo của UBND huyện Phong Điền, hiện tại phía đông Tỉnh lộ 22 thuộc các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Phong Hải có 112 hộ, nhóm hộ thực hiện nuôi tôm trên cát và các loài thủy sản khác với tổng diện tích 79,22 ha.

Trong đó, có 107 hộ, nhóm hộ chưa được giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ với diện tích 61,61ha. Các hộ, nhóm hộ này đã sử dụng đất ổn định và đã đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Xuất phát từ tình hình thực tế khó khăn của các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản ở phía đông Tỉnh lộ 22, UBND huyện Phong Điền đã có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh xem xét, đồng ý cho phép UBND huyện Phong Điền được giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân để nuôi trồng thủy sản tại khu vực này theo quy định; đồng thời tập trung trồng rừng phòng hộ ven biển trong năm 2020 và các năm tiếp theo đối với diện tích đã được quy hoạch trồng rừng phòng hộ được phê duyệt.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm

Đó là một trong những thông tin quan trọng đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác Mặt trận năm 2024 và triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2025 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thị xã Phong Điền tổ chức vào ngày 10/1.

Phong Điền Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm
Phong Điền: Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp

Do đầu tư xây dựng đã lâu cùng với những đợt mưa dồn dập gần đây, nhiều tuyến đường liên xã, phường và tỉnh lộ (TL) ở thị xã Phong Điền xuống cấp, hư hỏng nặng làm mất an toàn giao thông (ATGT) cho người, phương tiện lưu thông.

Phong Điền Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp
Công bố thành lập thị xã Phong Điền

Chiều 31/12, huyện Phong Điền long trọng tổ chức Lễ Công bố thành lập thị xã Phong Điền theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự buổi lễ, có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; cùng nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, huyện và Nhân dân trên địa bàn Phong Điền.

Công bố thành lập thị xã Phong Điền
Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu về “một nhà”

Từ đầu năm 2025, người dân thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu (Phong Điền) về chung "một nhà" sau khi sáp nhập thành đơn vị hành chính (ĐVHC) mới- phường Phong Thu, thuộc thị xã Phong Điền theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu về “một nhà”
Phong Điền ngày càng xanh, sạch, sáng

Từ một địa phương thuần nông, huyện Phong Điền đã phát triển và trở thành thị xã vào đầu năm 2025. Điều mà ai đến Phong Điền hôm nay cũng đều cảm nhận được là diện mạo từ đô thị trung tâm huyện lỵ, thị trấn đến các vùng quê đều khang trang, sạch đẹp.

Phong Điền ngày càng xanh, sạch, sáng

TIN MỚI

Return to top