ClockThứ Năm, 19/10/2017 05:56

Cảnh báo gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích

TTH - Theo cơ quan công an, gần đây, tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm cố ý gây thương tích (CYGTT) có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân phạm tội thường xuất phát từ mâu thuẫn trong cạnh tranh làm ăn, sinh hoạt đời thường như mâu thuẫn gia đình và người thân, ghen tuông tình ái... bột phát dẫn đến hành vi xung đột, bạo lực.

Làm tốt công tác thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ góp phần giảm tội phạm CYGTT. Trong ảnh: Lực lượng công an vận động người dân giao nộp súng ở xã Hồng Hạ, A Lưới

Liều lĩnh, nguy hiểm

Cuối tháng 7/2017, một vụ giải quyết mâu thuẫn bằng súng tự chế xảy ra tại nhà hàng T. Đ. ở TP. Huế. Khoảng 18h ngày 26/7, tại nhà hàng này, Trần Thành Nhân (38 tuổi, trú tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh) ra Huế giải quyết việc nợ nần với Mai Văn Lâm (42 tuổi, trú đường Nguyễn Hoàng, TP. Huế). Tại đây, khi Nhân đang ngồi nhậu cùng Lâm và một số người khác thì nảy sinh mâu thuẫn. Lúc này, Nguyễn Viết Trung (35 tuổi, trú tại Hương Toàn, TX. Hương Trà) ngồi cùng bàn, đi với nhóm Lâm bất ngờ rút súng tự chế bắn về phía Nhân làm Nhân trọng thương. Ngay sau đó, lực lượng công an đã điều tra, truy xét và bắt giữ các đối tượng. Ngoài việc thu giữ khẩu súng tự chế của Trung gây án, công an còn thu thêm 1 khẩu súng khác của các thành viên trong nhóm.

Theo cơ quan công an, gần đây, có sự gia tăng về tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm cố ý gây thương tích (CYGTT). Đặc điểm của tội phạm CYGTT là liều lĩnh, nguy hiểm, các động thái phạm tội có xu hướng gia tăng tính bạo lực và chuyên nghiệp.

Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh chia sẻ, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, loại tội phạm này xuất phát từ một số nguyên nhân như mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là nguồn gốc phát sinh hoặc tạo điều kiện cho tội phạm CYGTT phát triển. Đồng thời, làm phát sinh mâu thuẫn giữa con người với con người trong cạnh tranh làm ăn, sinh hoạt đời thường… dẫn đến hành vi xung đột, bạo lực. Nguyên nhân phạm tội nhiều khi xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát, mâu thuẫn gia đình và người thân, mâu thuẫn do ghen tuông tình ái...

Vụ 5 đối tượng do mâu thuẫn ghen tuông dùng dao chém trọng thương một người ở Phú Vang là một ví dụ. Tống Văn S. (trú thị trấn Thuận An) từng có mâu thuẫn với Nguyễn Thái T. do chuyện yêu đương cùng một bạn gái. Khi biết T. đang ngồi nhậu tại nhà một người bạn đã rủ thêm 4 người khác dùng dao, rựa, mã tấu đuổi chém anh T. gây thương tích 28%.

Kết hợp phòng ngừa, đấu tranh

Qua khảo sát hằng trăm vụ CYGTT thời gian qua trên địa bàn Thừa Thiên Huế, có trên 60% vụ việc bị hại có lỗi, như nợ nần, ngoại tình, xúc phạm, thách thức, kích động đối tượng… Yếu tố lỗi của người bị hại làm cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Một nguyên nhân làm gia tăng tội phạm CYGTT là do công tác phòng ngừa xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết một cách dứt điểm, triệt để, kéo theo âm ỉ dẫn đến các hành vi CYGTT. Sự du nhập của lối sống bạo lực, ích kỷ, tác động hình thành thói coi thường sức khỏe người khác, nhất là trong bộ phận một tầng lớp thanh thiếu niên. Điều này dẫn đến nhiều khi chỉ vì một hiềm khích nhỏ không được can ngăn kịp thời cũng dẫn đến hành động CYGTT mà hậu quả để lại rất nặng nề cho gia đình và xã hội.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, để công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm CYGTT có hiệu quả, lực lượng công an toàn tỉnh tiếp tục coi trọng công tác phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự nói chung và tội phạm CYGTT nói riêng. Trong đó, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng ngừa tội phạm CYGTT. Nâng cao năng lực và chế tài trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều hành công tác phòng chống tội phạm CYGTT. Lực lượng công an các cấp phải làm tốt chức năng là cơ quan thường trực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân nâng cao vai trò chỉ đạo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với tội CYGTT, tăng cường xét xử công khai, lưu động, nhất là các vụ án điểm. Thường xuyên gọi hỏi, răn đe các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội nguy hiểm; lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng những đối tượng nguy hiểm. Cùng với đó, làm tốt công tác thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết hợp chặt chẽ với công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm CYGTT, truy bắt kịp thời các đối tượng CYGTT đang lẩn trốn. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác phòng chống tội phạm CYGTT”- Đại tá Đặng Ngọc Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top