ClockThứ Tư, 11/12/2024 13:22

Săn bẫy chim trời vẫn tái diễn

TTH - Mặc dù có nhiều biện pháp tích cực, nhưng nạn săn bẫy chim trời vẫn tái diễn tại nhiều địa phương.

Thêm nhiều chim trời được thả về môi trường tự nhiênNhiều cá thể chim trời được thả về môi trường tự nhiênThả về tự nhiên thêm 51 cá thể chim trời

Tiêu hủy cò giả 

Mùa đông trên địa bàn tỉnh rất thích hợp để nhiều loài chim di trú từ nơi khác đến trú ngụ và sinh sản. Trên khắp các lùm cây, bụi rậm, nhiều xứ đồng và khu rừng ngập mặn hiện nay xuất hiện nhiều loài cò trắng, chim đến tìm kiếm thức ăn vào ban ngày và trú ngụ vào ban đêm. Nắm bắt được quy luật này, những người săn chim lại đặt bẫy, săn bắt, gây ảnh hưởng, tác động lớn đến sự sinh tồn của các loài chim.

Tại một số vùng như cửa sông Ô Lâu, đập cửa Lác… một thời xuất hiện nhiều loài chim quý, hiếm đến trú ngụ, sinh sôi không chỉ tạo môi trường sinh thái mà còn tạo cảnh quan, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến nghiên cứu, du khách đến tham quan. Từ nhiều năm trở lại đây, do tác động của con người, nhất là nạn săn bắt diễn biến phức tạp nên nhiều loài chim quý, hiếm ở các vùng này gần như mất hút, số lượng cá thể xuất hiện không đáng kể so với trước.

Tại khu vực rú Chá thuộc xã Hương Phong (TP. Huế) một thời cũng xuất hiện nhiều loài chim quý, hiếm đến trú ngụ, sinh tồn nhưng thời gian gần đây số lượng chim giảm dần do tác động của con người. Hiện, ban ngày chỉ còn xuất hiện các loài chim cò trắng đến tìm kiếm thức ăn trên những cánh đồng, ban đêm về trú ngụ.

Theo phản ánh của người dân xã Hương Phong, tình trạng săn bắt chim, cò trên những cánh đồng vẫn còn xảy ra. Rú Chá được xem là nơi được giám sát khá chặt chẽ, nhưng các đối tượng vẫn lén lút săn bắt chim. Một bộ phận người săn bắt dùng cò giả, lưới giăng, một số khác thì dùng ná bắn.

Không chỉ những vùng nói trên, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tái diễn nạn săn bẫy cò, chim khá phổ biến.

Điều nói là các đối tượng vi phạm rất tinh vi, thường hoạt động vào ban đêm và có sự kết nối với nhiều đối tượng khác nên lực lượng chức năng rất khó xử lý. Các loại cò mồi rất giống cò thật, hoặc lưới bẫy mỏng, màu trắng cũng khó phát hiện đối với các lực lượng chức năng. Khi lực lượng phát hiện có vụ việc thì các đối tượng vi phạm nhanh chóng bỏ trốn, chỉ để lại tang vật.

Mới đây, HKL TX. Hương Trà phối hợp với UBND xã Hương Toàn, Công an xã Hương Toàn tiến hành kiểm tra tình hình săn bẫy chim trời tại khu vực cánh đồng Bàu Keng, thôn Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, tháo gỡ, thu gom và tiêu hủy 17 mô hình cò giả, 12 bẫy kẹp và thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể cò trắng và chim triết. Cũng tại địa phương này, HKL TX. Hương Trà liên tiếp phát hiện nhiều vụ săn bẫy chim trời và tháo gỡ, tiêu hủy 400m2 lưới và 22 cọc tre bẫy chim trời tại khu vực cánh đồng thôn Vân Cù…

Tại xã Quảng Phú (Quảng Điền), HKL huyện Quảng Điền phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại các đồng ruộng và liên tục phát hiện tại các thôn Nghĩa Lộ, Nam Phù, Bao La - Đức Nhuận, Xuân Tùy tái diễn nhiều lần tình trạng săn bẫy chim trời. Các lực lượng tháo gỡ, tiêu hủy 1.500m2 lưới, 76 cọc tre, 50 mô hình cò xốp giả.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, tình trạng săn bẫy chim trời vào mùa này tuy giảm so với nhiều năm trước nhưng vẫn còn tái diễn, diễn biến phức tạp. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại rất lớn đến sự sinh tồn các loài chim trời. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, tăng cường tuần tra, giám sát nhưng một bộ phận người dân vẫn lén lút săn bẫy chim vào đêm khuya hoặc những lúc lực lượng chức năng sơ hở, mất cảnh giác.

Thời gian đến, ngành kiểm lâm tiếp tục tăng cường tuần tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm săn bắt chim trời. Trong điều kiện lực lượng kiểm lâm mỏng nên rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và người dân sở tại. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc nạn bẫy bắt chim trời thì người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng, ngành kiểm lâm để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, nhất là ý thức của người dân mới bảo vệ an toàn cho các loài chim trời hoang dã, quý hiếm.

Bài, ảnh: Thế Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗ lực bảo vệ chim trời

Mùa bão lũ, nhiều loài chim từ các nơi khác thường tìm đến trú ngụ trên địa bàn tỉnh, cũng là thời điểm những tay săn chim trời "hành nghề". Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến sự bình yên chim trời, mà còn khiến một số loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Nỗ lực bảo vệ chim trời
Tái diễn tình trạng rải tờ rơi mời chào cho vay tiền

Thời gian gần đây, trên địa bàn các xã, phường lân cận trung tâm TP. Huế tái diễn tình trạng, các đối tượng lén lút rải tờ rơi mời chào cho vay tiền trả góp. Người dân rất mong lực lượng chức năng có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Tái diễn tình trạng rải tờ rơi mời chào cho vay tiền
Hương Thủy: Tháo gỡ, tiêu hủy hàng trăm bẫy đánh bắt chim trời

Ông Văn Đức Thuận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Thủy thông tin, ngày 26/9, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Thủy Phù tiến hành kiểm tra khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã Thủy Phù nhằm siết chặt công tác bảo vệ các loài chim trời, động vật hoang dã.

Hương Thủy Tháo gỡ, tiêu hủy hàng trăm bẫy đánh bắt chim trời

TIN MỚI

Return to top