ClockThứ Tư, 27/04/2022 14:45

Ngăn chặn khai thác vàng trái phép tại Nam Đông

TTH - Tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Nam Đông vẫn diễn ra âm ỉ; tuy chưa hình thành các điểm nóng nhưng cũng dấy lên lo ngại về thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát hiện dấu hiệu của nhóm khai thác vàng trái phép tại Nam ĐôngSẽ xử phạt các đối tượng khai thác đất trái phépSau giải tỏa, bãi cát không phép vẫn tồn tại

Nhiều hầm khai thác và lán trại xuất hiện rải rác trong khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Thượng Quảng thời điểm năm 2021. Ảnh: UBND huyện Nam Đông cung cấp

Vẫn tiếp diễn

Cuối tháng 3 vừa qua, huyện Nam Đông tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra và phát hiện tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn tại xã Thượng Quảng.

Tại tiểu khu 393 và tiểu khu 400 do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Đông quản lý phát hiện 2 vị trí có biểu hiện hoạt động khai thác vàng. Tổng cộng có 7 hầm, gồm 3 hầm có dấu hiện đang khai thác đào mới, 4 hầm cũ và 3 lán trại. Đoàn đã lập biên bản, phá hủy lán trại công cụ, dụng cụ, riêng các hầm chưa phá hủy được.

Trước đó, đầu năm 2021, huyện Nam Đông phát hiện dấu hiệu của nhóm khai thác vàng trái phép nằm trong lõi rừng phòng hộ tại khoảnh 7, tiểu khu 393 thuộc sự quản lý của BQL rừng phòng hộ Nam Đông (nằm trên địa bàn xã Thượng Quảng). Huyện đã thành lập đoàn công tác gồm đại diện UBND huyện, lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và BQL rừng phòng hộ Nam Đông thực hiện 2 chuyến tuần tra và phát hiện 3 điểm khai thác trái phép.

Các điểm khai thác vàng nằm xa điểm dân cư của xã Thượng Quảng khoảng 10 giờ đi bộ, mỗi điểm cách nhau từ 2 - 3km. Khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đường hầm đục khoét, đào bới vào sâu lòng núi. Những đối tượng này còn dựng hàng loạt lán trại, tập kết phương tiện, dụng cụ, máy móc để phục vụ khai thác vàng trái phép.

Căn cứ vào quy mô lán trại, ước chừng có trên 30 đối tượng tham gia khai thác vàng trái phép, nhưng không phải là người địa phương mà đến từ Thái Nguyên.

Thời điểm lực lượng chức năng có mặt, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã rời hiện trường, lẩn trốn đi nơi khác. Lực lượng quân sự đề xuất đánh sập hầm nhưng không thể thực hiện do có rất nhiều hầm nhỏ lẻ. Để kịp thời xử lý, UBND huyện lên phương án phá hủy các dụng cụ, máy móc trong quá trình truy quét.

Nhiều khó khăn

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, từ kết quả kiểm tra cho thấy tình hình khai thác vàng trái phép có dấu hiệu tái diễn tại các vị trí trước đây đã ngăn chặn, đẩy đuổi.

Thời gian qua, tuy chính quyền đã có nhiều hành động quyết liệt, nhưng công tác ngăn chặn khai thác vàng trái phép vẫn còn nhiều khó khăn. Các điểm khai thác thường nằm rải rác ở nhiều nơi có địa hình phức tạp, xa trung tâm huyện trong khi lực lượng BQL rừng phòng hộ Nam Đông chưa đủ mạnh, công cụ, trang thiết bị chưa đầy đủ.

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng trên, không để hình thành điểm nóng khai thác vàng trái phép, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt.

Hiện, huyện đã chỉ đạo BQL rừng phòng hộ Nam Đông thường xuyên kiểm tra và theo dõi, nếu có dấu hiệu tiếp tục vi phạm phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng cấp huyện thực hiện biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định; bố trí trạm quản lý, bảo vệ rừng ngay tại đường vào khu vực khai thác để theo dõi, ngăn chặn đối tượng vào khai thác.

UBND huyện tiếp tục thành lập lực lượng tổ chức nhiều đợt truy quét để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, sẽ bố trí lực lượng đóng trại tại các khu vực có dấu hiệu khai thác vàng trái phép để ngăn chặn, xử lý.

Ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng thông tin, trước đây diễn ra tình trạng người dân tham gia hỗ trợ vận chuyển máy móc, hàng hóa, lương thực thủ công cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. UBND huyện, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến người dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản; tổ chức vận động người dân ký cam kết không vận chuyển lương thực, thực phẩm và các phương tiện để tiếp tay cho đối tượng khai thác.

“Trên thực tế, chỉ một nhóm người dân tiếp tay cho các đối tượng, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng lực lượng công an nắm rõ từng trường hợp để trực tiếp đến nhà tuyên truyền, vận động. Đến nay, tình trạng trên không còn tái diễn; tuy nhiên địa phương vẫn đề cao cảnh giác, tiếp tục nắm tình hình các đối tượng người ngoại tỉnh xuất hiện trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn”, ông Lam cho biết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

TIN MỚI

Return to top