ClockThứ Hai, 27/06/2022 15:28

Thứ trưởng Y tế: Hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới, thực hiện tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Cả nước ghi nhận 77.000 ca sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong6 dấu hiệu người mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế điều trịKhuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyếtTriển khai ngay các biện pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyếtPhát động “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” năm 2022

Lực lượng y tế phun thuốc khử trùng, diện lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 27/6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới, thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho người dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Quận 8 là một trong những địa bàn có dịch sốt xuất huyết tương đối phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện này liên tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết.

Theo bác sỹ Trần Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện, bắt đầu từ tháng Năm, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn gia tăng.

Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị hiện nay là nhân sự tại các khoa điều trị sốt xuất huyết mới và trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các ca sốt xuất huyết nặng nên tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao.

“Đa số chúng tôi chỉ tiếp nhận những ca bệnh nhẹ, đối với các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc thì sẽ chuyển viện lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho người bệnh," bác sỹ Hùng cho hay.

Là một trong những tuyến cuối về nhi khoa của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 1.739 bệnh nhi sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó khoảng 35% số ca phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc sốt xuất huyết. Tại bệnh viện đã có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định hiện nay, việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại bệnh viện vẫn đang được kiểm soát tốt, đơn vị sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bệnh viện gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng.

Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh.

Sau khi kiểm tra công tác thu dung, điều trị tại 3 đơn vị là Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hoan nghênh sự chuẩn bị kỹ càng của các bệnh viện nhằm ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới.

Bên cạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, vấn đề thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết cũng vô cùng quan trọng. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Một trong những vấn đề quan trọng mà Thứ trưởng Sơn yêu cầu là cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân.

Mặc dù hiện nay chưa có dấu hiệu quá tải bệnh viện nhưng nếu tất cả các ca bệnh đều chuyển tuyến đổ dồn lên tuyến trên, tình trạng quá tải có thể xảy ra.

“Các bệnh viện tuyến trên cần thường xuyên tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, đặc biệt là các phòng khám tư bởi đây là nơi người dân thường lui tới nhiều nhất. Việc tập huấn, hội chẩn từ xa cần thực hiện liên tục để nhân viên y tế không 'quên bài,' tăng năng lực điều trị sớm cho người dân, hạn chế nguy cơ tử vong," Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ghi nhận những khó khăn mà các bệnh viện phản ánh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp tháo gỡ, đặc biệt tăng cường nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở y tế điều trị cho người dân.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 130 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:
Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức trang trọng ngày 12/12. Tham dự có các UVTW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các tỉnh thành, khách quốc tế…

Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm

TIN MỚI

Return to top