ClockThứ Tư, 17/05/2017 14:02
GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế:

Số người bị tăng huyết áp đã ở mức báo động đỏ

TTH - “Tỉ lệ tăng huyết áp (THA) hiện nay chiếm đến 25% ở người trưởng thành Việt Nam (cứ 10 người thì có 3 người bị THA) và đang có xu hướng tăng cao đến mức báo động đỏ”, GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Phân hội THA Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế cho biết.

Giáo sư có thể cho biết chủ đề của “Ngày phòng chống Tăng huyết áp Thế giới” năm nay (17/5) là gì và vì sao lại lấy chủ đề này?

Ngày 17/5 là ngày do Tổ chức THA thế giới (International Society of Hypertension, viết tắt là ISH) và Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Health League, viết tắt là WHL) chọn nhằm kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực của cộng đồng trên toàn thế giới phòng chống căn bệnh thế kỷ là tăng huyết áp. Hằng năm, tổ chức này đều đưa ra một chủ đề, riêng năm nay chủ đề là Tháng 5 đo huyết áp (May Measurement Month, viết tắt là MMM) với ý nghĩa là toàn thế giới sẽ đánh thức sự quan tâm của người dân bằng việc đo huyết áp chủ yếu cho các đối tượng chưa được đo lần nào, càng nhiều người càng tốt với chiến dịch kéo dài trên toàn thế giới suốt tháng 5. Việt Nam là một thành viên của ISH, do vậy có trách nhiệm tham gia và hưởng ứng chương trình này.

 Người dân đo huyết áp miễn phí tại Lễ phát động chương trình tháng 5 - Tháng đo huyết áp (MMM) được tổ chức sáng 13/5/2017 tại Trung tâm Festival Huế

Bệnh THA lâu nay được xem như “Kẻ giết người thầm lặng”,  tình trạng người mắc và tử vong vì căn bệnh này như thế nào- thưa Giáo sư?

Bệnh THA thật sự được quan tâm kể từ thế kỷ 20 do vậy còn có tên là “Kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ 20”, do căn bệnh khởi đầu thường không có triệu chứng và dấu chứng đặc biệt nào cho đến khi vào viện đã là biến chứng, thậm chí nhiều người còn “một đi không trở lại”. THA với hậu quả tổn thương cơ quan đích như suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử, tai biến mạch não, suy thận, xuất huyết phù gai thị đưa đến giảm thị lực, mù mắt, tắc mạch ngoại biên... để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội; đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong chiếm đến 1/3 trường hợp trong vòng 10 năm.

Tổ chức Y tế thế giới đã xếp bệnh THA vào nhóm “bệnh dịch (do sự gia tăng nhanh chóng) không lây”. Có thể thấy rõ điều này ngay tại nước ta khi những năm 60, tỉ lệ THA chỉ chiếm 1,6% dân số nhưng hiện nay đã chiếm trên 25% dân số người > 18 tuổi. Tỉ lệ này tương đương các nước đang phát triển và là nguy cơ báo động đỏ. So sánh tử vong bệnh lý ung thư thì THA không kém chút nào, thậm chí còn cao hơn ở nhiều nước.

Vì sao tỉ lệ người mắc bệnh THA lại cao như vậy trong vài năm trở lại đây? Đối tượng mắc bệnh có những thay đổi như thế nào, thưa Giáo sư?

Trên thế giới và tại nước ta, tỉ lệ mới mắc THA chưa có xu hướng chững lại mà gia tăng. Thống kê được công bố gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 1/3 người lớn bị THA trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý là sự trẻ hóa của các bệnh nhân THA, nhiều trường hợp tuổi đời chỉ xấp xỉ 35- 40 tuổi. Giải thích điều này theo các tài liệu cho thấy có nhiều yếu tố như: lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, đô thị hóa, tác động tâm lý xã hội, bệnh lý phối hợp như đái tháo đường, suy thận... cũng như sự nhận thức của người dân chưa cao, thậm chí cả nhân viên y tế cũng coi thường việc dự phòng căn bệnh thế kỷ này. Cũng có ý kiến cho rằng, do các phương tiện chẩn đoán trở nên phổ biến nên việc phát hiện THA nhiều hơn. Dẫu sao THA nguyên phát (không rõ nguyên nhân) chiếm đến 90% trường hợp trong khi THA thứ phát có nguyên do (sỏi thận, cường giáp, hẹp mạch thận, suy thận, thuốc...) lại hay tìm thấy ở người trẻ.

Dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh THA là gì? Lời khuyên của Giáo sư để phòng tránh THA?

Dấu hiệu THA giai đoạn sớm đúng nghĩa là “thầm lặng” vì không có dấu hiệu gì báo trước hoặc nếu có thì rất mơ hồ, như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt. Ở giai đoạn nặng hơn có thể bệnh nhân than phiền tức ngực, mờ mắt, tê tay chân và cuối cùng, khi đã có biến chứng thì bệnh nhân có thể đã hôn mê, liệt, nhồi máu và tử vong. Do vậy, để dự phòng phải kiểm tra huyết áp định kỳ, khi huyết áp trên 140/90 phải đến bác sĩ tư vấn ngay.

Để phòng tránh THA về cơ bản là phải thay đổi lối sống, hạn chế ăn mặn, bia rượu, thuốc lá, chọn chế độ ăn nhiều rau củ quả, tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn, giảm cân và kiểm tra sức khỏe toàn diện toàn dân là bước phòng tránh ưu việt. Sau cùng, rất mong mọi người tham gia chương trình "Tháng 5 đo huyết áp" do Hội Tăng huyết áp và Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế đang tiến hành để có sự tư vấn tốt nhất.

Từ nay đến cuối tháng 5/2017, Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức đặt nhiều bàn đo và tư vấn huyết áp miễn phí cho các đối tượng là người lớn trên 18 tuổi tại các tụ điểm đông người như câu lạc bộ Festival, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược, các bến xe, siêu thị, các trạm y tế đông dân… Dự kiến tổng số người đo là trên 5.000 người.

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam

Ngày 22/1, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Huế, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) do Đại tá Khăm Phạ May – Xay Phu Ban, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ nhiệm kỹ thuật làm trưởng đoàn, đến chúc Tết cổ truyền Việt Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam
Để khách hạng sang “rút hầu bao”

Tài nguyên văn hóa, du lịch cùng những tiềm năng về du lịch là yếu tố thu hút các dòng khách hạng sang đến Việt Nam nói chung, Huế nói riêng. Thế nhưng, để những vị khách này “chi tiền” cho hoạt động du lịch, đòi hỏi phải có những dịch vụ xứng tầm cùng nhiều giải pháp khác.

Để khách hạng sang “rút hầu bao”

TIN MỚI

Return to top